Trao đổi với Dân trí, một lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết cơ quan này đã có văn bản báo cáo Bộ trưởng Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường về kết quả kiểm tra đối với Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Hải Hà.
Tại văn bản này, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã đề nghị thu hồi giấy phép thương nhân phân phối xăng dầu của doanh nghiệp này.
"Chúng tôi đã có văn bản báo cáo lên Bộ. Thẩm quyền cấp phép và thu hồi thuộc Bộ", vị lãnh đạo cho biết vẫn đang chờ văn bản quyết định từ Bộ Công Thương.
Vừa qua, tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận tình trạng cây xăng đóng cửa, treo biển hết hàng hoặc bán nhỏ giọt (Ảnh: Trần Kháng). |
Theo thông tin từ cơ quan quản lý thị trường, Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Hải Hà có hợp đồng mua xăng dầu của các thương nhân gồm: Công ty cổ phần Thăng Long SBTC; Công ty TNHH Thương mại và Dầu khí Minh Thịnh; Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư phát triển Hoàng Sơn; Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Thành Đô; Chi nhánh Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Hải Hà.
Doanh nghiệp này cũng bán hàng cho các thương nhân gồm: Chi nhánh số 2 - Công ty cổ phần Dịch vụ & Thương mại tổng hợp Hải Hà; Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hòa Trường; Công ty TNHH MTV Dịch vụ thương mại Huệ Anh; Công ty cổ phần Xăng dầu Việt Lào; Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Đại Long; Công ty cổ phần Thương mại dầu khí Thành Đô; Chi nhánh Công ty TNHH xăng dầu Bình Phước tại Hà Nội.
Hôm 15/11, Đội quản lý thị trường số 17 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) kiểm tra Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Hải Hà. Qua kiểm tra cho thấy, các hợp đồng buôn bán của doanh nghiệp này đều là hợp đồng nguyên tắc không có số lượng, thời gian cung cấp.
Từ tháng 1 đến tháng 9 năm nay, Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Hải Hà cũng không hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Theo thông tin trên Báo Công Thương, tại cuộc kiểm tra, bà Nguyễn Thị Hải - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Dịch vụ và Thương mại tổng hợp Hải Hà giải thích: Trước đây công ty đăng ký trụ sở chính tại tầng 1 căn số 01, nhà số B2, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Cầu Giấy, Hà Nội. Đến 12/12/2019, công ty đã đăng ký thay đổi địa chỉ trụ sở chính chuyển đến số 11 ngõ 24 Hoàng Quốc Việt, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội.
Công ty hoạt động chủ yếu là buôn bán theo hình thức khi nhận được đơn hàng của bên mua thì Công ty liên hệ với các bên cung cấp để đăng ký mua hàng và bán lại cho khách hàng.
"Từ đầu năm 2022 đến nay, vì lý do sức khỏe tôi phải điều trị dài ngày nên tôi không thường xuyên điều hành trực tiếp công việc của công ty, cùng với giá cả xăng, dầu tăng cao nên công ty tôi không nhận được đơn mua hàng và không bán hàng cho các đơn vị. Do đó từ tháng 1/2022 đến nay, công ty không phát sinh hoạt động mua, bán xăng, dầu, không có doanh số bán hàng. Trong 12 tháng qua không có cơ quan chức năng nào kiểm tra hành chính đối với công ty", bà Hải cho biết.
Vừa qua, tại Hà Nội, TPHCM và nhiều địa phương trên cả nước ghi nhận tình trạng cây xăng đóng cửa, treo biển hết hàng hoặc bán nhỏ giọt.
Hôm 11/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu. Trong đó khẳng định tình trạng đóng cửa cây xăng gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội và đời sống sinh hoạt của nhân dân.
Công điện yêu cầu Bộ Công Thương cần khắc phục tình trạng thiếu hụt xăng dầu cục bộ ngay từ ngày 12/11 cũng như khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung nghị định số 95 về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Công điện được ký ngay sau cuộc họp của lãnh đạo Chính phủ với các bộ, ngành, doanh nghiệp về điều hành xăng dầu.
Tác giả: Nguyễn Khánh
Nguồn tin: Báo Dân trí