Theo phản ánh của các doanh nghiệp, hiện doanh nghiệp bán lẻ đang sở hữu khoảng 13.000 trên tổng số 17.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu của cả nước, với số vốn đầu tư lên tới hàng trăm nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, với cơ chế điều hành và tính giá hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ đang bị "gạt ra rìa" khi xét đến quyền lợi liên quan chuỗi cung ứng xăng dầu ở Việt Nam.
Theo các doanh nghiệp, chuyên gia, tính đủ chi phí trong giá thành xăng dầu sẽ giúp thị trường vận hành ổn định. Ảnh: Minh Duy |
“Là những đơn vị phân phối cuối cùng trong chuỗi cung ứng xăng dầu nhưng toàn bộ phần chiết khấu, chi phí định mức cho doanh nghiệp bán lẻ đều không được quy định rõ ràng. Tỷ lệ, chi phí đều do các doanh nghiệp đầu mối quyết định. Bức xúc lớn nhất với các doanh nghiệp bán lẻ chính là việc cùng kinh doanh xăng dầu nhưng khi quyết toán năm tài chính, doanh nghiệp đầu mối luôn đạt mức lãi hàng nghìn tỷ đồng trong khi gần 2 năm nay, các doanh nghiệp bán lẻ bị lỗ "không lối thoát", nhiều đơn vị kiệt quệ tài chính nhưng cũng không được nghỉ bán”, giám đốc một doanh nghiệp bán lẻ ở TPHCM bức xúc nói với PV Tiền Phong.
Theo vị này, để sửa những bất cập trong điều hành giá và thị trường không bị cắt khúc, cơ quan quản lý cần làm rõ các chi phí lưu thông trong công thức tính giá cơ sở với những quy định chia rõ phần chi phí ở cả 3 khâu: Đầu mối - thương nhân phân phối và bán lẻ.
Tính toán của các doanh nghiệp cho thấy, hiện chi phí lưu thông được quy định là 1.350 đồng/lít xăng, bao gồm lợi nhuận định mức là 300 đồng/lít và 1.050 đồng chi phí lưu thông. Tuy nhiên, trong Nghị định 95 và 82 không ghi rõ tỷ lệ phân chia chi phí này nên các doanh nghiệp đầu mối thường hưởng hết. Phần chi phí được gọi là chiết khấu cho các khâu bán lẻ tuỳ thuộc vào năng lực và sự hào phóng của các đầu mối tại mỗi kỳ điều hành.
Ông Lê Văn Báu, Giám đốc Công ty Dương Anh Thư (TPHCM) cho rằng, thị trường chỉ bình ổn, khi nó được tự vận hành và từ đó để các doanh nghiệp có lãi. Doanh nghiệp bị lỗ kéo dài, không tồn tại được thì đương nhiên thị trường sẽ đứt nguồn cung.
“Điều quan trọng là phải quy định cụ thể chiết khấu cho các khâu, nếu không sẽ có tình trạng các đầu mối bắt tay với nhau đẩy chi phí, kèm theo đó là tình trạng chiết khấu luôn dưới điểm hòa vốn. Khi đó bất ổn thị trường sẽ lại xảy ra”, ông Báu nói. Ông Báu cũng cho rằng, việc sửa Nghị định 95 cần nhất quán quan điểm quy định cho các doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng ở nhiều nơi, nhằm tăng tính cạnh tranh về chiết khấu, đảm bảo cho doanh nghiệp chủ động được nguồn hàng. Ngoài ra, việc Nhà nước nên cho doanh nghiệp đầu mối tự định giá bán lẻ xăng dầu, như thế cũng sẽ giúp thị trường vận hành ổn định do doanh nghiệp được đảm bảo tính đủ các chi phí phát sinh trong giá vốn kinh doanh.
Ông N.V.T, Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu ở khu vực phía Bắc cho biết, cách tính giá xăng dầu hiện nay có rất nhiều điểm bất ổn. Theo ông T., việc liên bộ Tài chính - Công Thương tính giá bán lẻ cắt ngang 10 ngày theo sát giá thị trường mà không tính theo bình quân gia quyền là một sai lầm và cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp xăng dầu bị lỗ nặng khi giá thế giới có biến động lớn như thời gian qua.
Theo quy định, các đầu mối kinh doanh xăng dầu phải thực hiện dự trữ bắt buộc tối thiểu bằng 20 ngày cung ứng. Điều này có nghĩa doanh nghiệp phải chịu giá vốn của hàng tồn kho được tính trên giá xăng dầu thế giới từ 20 ngày trước đó. Vì vậy, nếu 10 ngày trước đó, đầu mối mua giá cao thì xem như bị lỗ trắng 10 ngày nếu như tại chu kỳ điều hành, giá bán lẻ điều chỉnh giảm. Do thua lỗ, đầu mối đã ngay lập tức cắt chiết khấu, giảm nhập hàng. Ngược lại nếu giá thế giới liên tục tăng thì doanh nghiệp luôn luôn có lãi, do chi phí hàng tồn kho, giá vốn của 10 ngày trước còn thấp.
Cần sửa các quy định
Về việc sửa Nghị định 83 và Nghị định 95 (nghị định về kinh doanh xăng dầu), nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) ông Nguyễn Tiến Thỏa cho rằng, với những bất cập của thị trường xăng dầu thời gian qua, nếu cơ quan quản lý chỉ sửa các quy định về tính giá thì thị trường cũng không thể ổn định được.
Theo ông Thỏa, quan trọng nhất là phải sửa đổi đồng bộ các quy định, tính toán lại công thức tính giá cơ sở, cập nhật các quy định cho doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối cũng như các điều kiện kinh doanh xăng, dầu. Cùng với đó, cần sửa theo hướng, quy định thương nhân đầu mối hay thương nhân phân phối đến giai đoạn nào đó phải có bao nhiêu cửa hàng.
Việc lập lại trật tự trên thị trường xăng dầu là rất cần thiết. Khi quy định lộ trình sẽ giúp doanh nghiệp lớn dần và đủ sức cạnh tranh, không còn tình trạng đầu mối “bỏ rơi” thương nhân phân phối kéo theo thương nhân phân phối lại “bỏ rơi” các cửa hàng, đại lý.
“Hiện tại, xăng, dầu là lĩnh vực còn tồn tại một số doanh nghiệp chiếm vị trí thống lĩnh thị trường nên Nhà nước vẫn phải can thiệp thông qua các điều kiện kinh doanh. Cần trao quyền cạnh tranh thực chất về giá cho các doanh nghiệp xăng dầu. Việc công bố giá cơ sở hiện nay không khác gì quy định mức trần với xăng dầu”, ông Thỏa nói.
Ông Thỏa cũng khẳng định, cần sửa đổi quy định về nhập hàng, cho thương nhân phân phối lấy hàng từ nhiều nhất ba thương nhân đầu mối với điều kiện phải đăng ký với đầu mối về sản lượng mỗi năm, để đầu mối phải có trách nhiệm cấp đủ hàng. Cùng với đó, phải kịp thời cập nhật tất cả các chi phí phát sinh kịp thời cho doanh nghiệp, kịp thời điều hành giá trong mọi tình huống, không có chuyện nghỉ lễ, Tết.
Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) nên để cho thị trường tự điều tiết về giá. Cơ quan quản lý giá chỉ giám sát và kiểm tra doanh nghiệp, nếu có dấu hiệu vi phạm. |
Tác giả: Phạm Tuyên
Nguồn tin: Báo Tiền Phong