Đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, trước tình hình xâm hại tình dục trẻ em thời gian qua, đặc biệt một số vụ xâm hại tình dục trẻ em tại Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. HCM “nóng” trong dư luận vừa qua đặt ra vấn đề cần sự vào cuộc rất quyết liệt của các các bộ, ngành, địa phương.
Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, yêu cầu vào cuộc quyết liệt là nhằm rà soát lại những việc đã làm, những lỗ hổng, những hạn chế, vướng mắc, nguyên nhân để có những giải pháp chủ động, hiệu quả hơn đối với việc phòng, ngừa, xét xử các vụ án xâm hại tình dục trẻ em.
Thông tin về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em, bà Nguyễn Thị Nga, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH) cho hay, mỗi năm trung bình có hơn 1.200 trẻ bị xâm hại tình dục, số vụ và số nạn nhân bị xâm hại diễn biến phức tạp và nghiêm trọng.
Theo bà Nguyễn Thị Nga, trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, đặc biệt là có cả những em bé tuổi mầm non, nhiều vụ không được gia đình tố giác tới các cơ quan chức năng, thủ phạm có sự dàn xếp với gia đình của nạn nhân.
Về hậu quả do hành vi xâm hại tình dục gây ra đối với trẻ em, bà Nga chỉ ra rằng: “Xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí dẫn tới trẻ em bị tử vong hoặc tự vẫn”.
Thông tin thêm về thực trạng xâm hại tình dục trẻ em, Đại tá Trần Mười, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) dẫn con số thống kê cho biết, từ 2012 - 2016, số vụ xâm hại trẻ em có chiều hướng giảm về vụ việc, nhưng tăng về mức độ phức tạp, nghiêm trọng. Đối với những vụ xâm hại trẻ em, công tác điều tra gặp khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ. Đáng chú ý là độ tuổi trẻ bị xâm hại ngày càng giảm, nhiều trẻ 4 - 5 - 6 tuổi, thậm chí có cháu mới 1 tuổi cũng bị xâm hại.
“Quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết xử lý, nghiêm cấm hòa giải. Bộ trưởng Bộ Công an đã có chỉ đạo tới Công an 63 tỉnh, thành phố thực hiện nội dung này để bảo vệ trẻ em”, Đại tá Trần Mười nêu rõ.
Quan điểm nêu trên cũng được đại diện Tòa án nhân dân tối cao nhấn mạnh. Ông Nguyễn Xuân Tùng, Vụ Pháp chế (Tòa án nhân dân tối cao) thẳng thắn cho rằng: “Quan điểm của tòa án, có xâm hại trẻ em là phải xử lý ngay, nhằm răn đe, ngăn ngừa và cảnh tỉnh đến toàn xã hội”.
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, Thứ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, khó khăn nhất hiện nay tại các địa phương là thiếu nguồn lực và nhân lực cho công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Có địa phương, mỗi năm chỉ bố trí khoảng 50 triệu đồng cho công tác này. Đội ngũ cộng tác viên trẻ em tại các thôn, bản vẫn thiếu, cấp xã chưa có cán bộ công tác xã hội chuyên trách trẻ em, để kịp thời nắm bắt tình hình, hỗ trợ trẻ em khi cần thiết.
Về giải pháp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Hồng Lan cho biết, Bộ LĐ-TB&XH sẽ gửi công văn tới các bộ ngành lấy ý kiến rà soát, điều chỉnh chính sách pháp luật, quy trình về bảo vệ trẻ em. Cụ thể, Bộ sẽ kiến nghị, sửa đổi, bổ sung bộ luật Hình sự (quy định một số hành vi xâm hại tình dục trẻ em nghiêm trọng); bộ luật tố tụng Hình sự (quy định cụ thể thủ tục điều tra, truy tố, xét xử các vụ án bạo lực, xâm hại...).
Bên cạnh đó, Bộ LĐ-TB&XH cũng sẽ kiến nghị với Chính phủ ban hành quyết định thành lập Tổ chức phối hợp liên ngành về trẻ em.
Tác giả bài viết: Anh Tú
Nguồn tin: