Thời trang qua sử dụng là mặt hàng đang được chọn mua nhiều trong dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: H.K. |
Đến nay có khoảng 10 trang web, sàn thương mại điện tử... chuyên giao dịch mua bán đồ cũ và sản phẩm công nghệ uy tín, đưa thị phần của thị trường này gia tăng nhanh thời gian gần đây.
Thời trang: cũ người mới ta
Dù đã cận Tết nhưng những ngày này các giao dịch trên một số sàn thương mại điện tử, cửa hàng online chuyên về đồ đã qua sử dụng vẫn diễn ra rôm rả. Cửa hàng online của Give Away, chuyên hàng qua sử dụng, phải than thở:
"Đây là mùa Tết đầu tiên mà cửa hàng nhận ký gửi online, không ngờ lượng giao dịch đổ về nhiều đến vậy!". Các món hàng được giao dịch nhiều nhất ở cửa hàng online vẫn là quần áo thời trang, giày dép, túi xách... Dù khá bận rộn nhưng các cửa hàng online cam kết giao hàng cho khách trước Tết.
Vừa săn được bộ sofa giá chỉ 1,9 triệu đồng trên trang web chuyên thanh lý đồ cũ, anh Khanh (ngụ TP Thủ Đức), cho biết rất hài lòng vì so với hàng mới anh tiết kiệm được ít nhất 70%.
"Trước đây tôi cũng khá e dè mua hàng cũ, nhưng từ khi các sàn chuyên về đồ cũ ra đời, hàng cũ trước khi được đưa lên có qua kiểm tra, đánh giá thì tôi tin tưởng hơn", anh Khanh cho biết.
Nhộn nhịp không kém là hàng thời trang. Tại Urban Circular Space Saigon (UCS Saigon), cửa hàng chuyên về hàng đã qua sử dụng, chị Phạm Hoài Nam, sáng lập chi nhánh phía Nam, cho biết chương trình sắm Tết xanh giúp các khách hàng tiết kiệm đến hơn 70% chi phí so với việc mua sắm quần áo bình thường.
Đây là cửa hàng vận hành dự án phi lợi nhuận dưới dạng mô hình "kinh tế tuần hoàn", và đối tượng chính là các bạn trẻ gen Z và dân văn phòng. Khách hàng cuối năm online tìm đến điểm cửa hàng cho nhu cầu các loại váy dạ hội, váy dự tiệc mà họ nghĩ rằng mình chỉ có thể mặc một vài lần nên cần hình ảnh mới lạ chứ không phải quá xịn sò.
Các sản phẩm thời trang tại UCS Saigon đa dạng về kiểu dáng và mẫu mã, phù hợp cho nhiều lứa tuổi và các phong cách khác nhau, được chọn lọc kỹ lưỡng với chất lượng như mới hoặc còn nguyên tag giá.
"Dịp cuối năm cũng có nhiều khách hàng đến tìm các áo dài cũ để chụp hình, du xuân. Nhiều người không quá cầu kỳ mà chỉ một chiếc áo dài "mới" với bản thân để có thể đón xuân. Trung bình mỗi tháng chúng tôi tuần hoàn từ 600 - 1.000 món đồ, riêng dịp Tết Nguyên đán con số này cao hơn khoảng 30%", chị Nam cho biết.
Theo Carousell Group, nền tảng đa danh mục hàng đầu dành cho đồ cũ ở Đông Nam Á, Hong Kong và Đài Loan, chỉ tính riêng tại Việt Nam, lượng quần áo được thanh lý tại các nền tảng thuộc tập đoàn này trong 10 năm qua đủ dùng cho 70% người dân Việt Nam.
Hàng công nghệ qua sử dụng được giao dịch nhiều nhất
Dạo trên trang web chuyên giao dịch mua bán đồ cũ và sản phẩm công nghệ, bầu không khí và số lượng giao dịch diễn ra khá sôi nổi.
Theo bà Hằng Bùi, phụ trách dự án đồ cũ của nền tảng Chợ Tốt, năm nay kinh tế đặc biệt khó khăn, hầu hết các ngành hàng, đặc biệt là các sản phẩm có giá trị cao như đồ gia dụng, thiết bị điện tử và không thiết yếu, đều giảm dao động từ 3 - 16% so với trung bình sức mua của cả năm. Tuy vậy, mua sắm đồ cũ vẫn diễn ra khá sôi động so với trong năm.
Chị Hoài Nam cho rằng xu hướng sắm Tết năm nay người tiêu dùng đang nhấn mạnh hơn đến các yếu tố tiêu dùng có trách nhiệm hay thông điệp "Tết xanh".
Những đồ bày bán ở mức giá từ một đến vài trăm ngàn là những bộ cánh có độ mới cao, thời trang, thậm chí là hàng có thương hiệu. Ngoài ra, cửa hàng cũng quyên góp những đồ bình dân hơn để dành tặng cho bà con vùng sâu, vùng xa.
"Với nhận thức cao hơn kéo dài tuổi thọ cho đồ dùng, hàng thời trang tập trung nhiều hơn vào cá tính chứ không chỉ là giá trị món hàng. Xu hướng này càng được lan tỏa khi các cửa hàng đồ cũ mở sang kênh online vừa nhận ký gửi vừa thanh lý giúp cho các khách hàng tìm được món đồ cũ giá tốt", chị Hoài Nam chia sẻ.
Những người tham gia thị trường này cũng cho biết trước đây thị trường đồ cũ cũng bị e dè là nơi thanh lý hàng xấu và kém chất lượng, tuy nhiên việc các sàn điện tử chuyên về đồ cũ ra đời và áp dụng nhiều biện pháp sàng lọc hơn thì trải nghiệm mua bán đồ cũ của người tiêu dùng an toàn, thuận tiện hơn trước.
Điện thoại cũ được ưa chuộng Theo thống kê của Chợ Tốt Xe, so với cùng kỳ dịp Tết năm 2022, nhu cầu chi tiêu trên các sản phẩm công nghệ giá bình dân, linh phụ kiện thay thế, đính kèm vẫn duy trì mức tăng nhẹ từ 3-5%. Trái ngược với xu hướng giảm của bên mua, số lượng đăng tin thanh lý các sản phẩm công nghệ dịp cuối năm tăng mạnh từ 5 - 24%. Theo các nhà kinh doanh, điện thoại cũ dần được ưa chuộng bởi tốc độ ra mắt các sản phẩm mới liên tục và dòng điện thoại sau không có quá nhiều khác biệt về công nghệ so với dòng trước đó, mức độ tăng trưởng của điện thoại cũ phát triển mạnh lên tới 23%. Người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu, ưu tiên lựa chọn điện thoại cũ để tiết kiệm chi phí, minh chứng là lượng mua điện thoại cũ chỉ giảm nhẹ 10% nhưng điện thoại mới lại giảm mạnh gấp 2,4 lần tương đương 24%. Xu hướng mua bán điện thoại cũ được dự đoán sẽ phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau khi nền kinh tế ổn định trở lại. |
Tác giả: N.BÌNH
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ