Theo giới chuyên gia, ông Obama khả năng sẽ tìm cảm hứng cho bài phát biểu từ diễn văn chia tay của hai người tiền nhiệm là tổng thống George Washington và Dwight Eisenhower. Bên cạnh đó, nhiều người suy đoán Tổng thống Mỹ sẽ dùng bài phát biểu cuối để chỉ ra những vấn đề đang tồn tại đối với sức khỏe nền chính trị Mỹ, bảo vệ mạnh mẽ những di sản ông dày công tạo dựng, đồng thời vẽ ra một con đường cho các thành viên đảng Dân chủ, những người lần đầu tiên sau hàng thập kỷ đánh mất quyền kiểm soát ở cả Thượng viện và Hạ viện.
Cùng lúc, với bài diễn văn chia tay, Tổng thống Obama được dự đoán sẽ ngầm xác nhận những gì mà ông đã công khai thể hiện từ khi nhà tài phiệt New York Donald Trump chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng, rằng: Obama muốn tiếp tục duy trì hoạt động chính trị và xây dựng lại liên minh hùng mạnh đã đưa ông tới Phòng Bầu dục vào năm 2008, quan sát viên Joseph P. Williams đánh giá.
"Tôi mới bắt đầu viết diễn văn", hãng thông tấn AP dẫn lời ông Obama hôm 2/1 cho biết trong một email gửi tới những người ủng hộ. "Nhưng tôi đang nghĩ đến việc coi đây như cơ hội để nói lời cảm ơn các bạn vì một hành trình đáng kinh ngạc, để cùng nhìn lại con đường mà các bạn đã thay đổi đất nước này theo chiều hướng tốt lên trong 8 năm qua và để chia sẻ vài suy nghĩ trước câu hỏi từ đây chúng ta sẽ hướng đến đâu".
Việc ông Obama quyết định đọc diễn văn chia tay trước khi lùi về hậu trường không mới. Cựu tổng thống Mỹ George W. Bush và Ronald Reagan từng làm điều tương tự. Nhưng lần này, ông Obama có thể sẽ gửi một thông điệp tới lịch sử, William Galston, nhà phân tích cấp cao tại Viện Brookings, nhận xét.
"Tôi đang nhớ tới một số bài phát biểu chia tay rất nổi tiếng của các đời tổng thống trước, Washington hay Eisenhower chẳng hạn", ông Galston, người từng là cố vấn cho cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, nói. "Điều khác thường nằm ở việc tổng thống thể hiện mong muốn duy trì hoạt động chính trị sau khi mãn nhiệm".
"Hầu hết các tổng thống Mỹ trước đây đều không làm điều này vì nhiều lý do", trong đó phải kể đến những ảnh hưởng nó có thể mang đến với hệ thống chính trị Mỹ nói chung, Galston cho hay. Điều Tổng thống Obama nói về chiến thắng bất ngờ của người kế nhiệm cũng như những thách thức đối với quốc gia và đảng Dân chủ "sẽ mang ý nghĩa chính trị đặc biệt quan trọng", Galston nhấn mạnh.
Trong email gửi tới người ủng hộ hôm 2/1, Tổng thống Obama còn tiết lộ, qua bài diễn văn tạm biệt, ông sẽ nhắc nhở công chúng về truyền thống "chuyển giao quyền lực trong hòa bình và dân chủ".
Giới phân tích nhận định Obama còn có thể dùng bài phát biểu để làm nổi bật những thành tựu ông đã đạt được suốt hai nhiệm kỳ tổng thống, đặc biệt là Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Giá cả phải chăng (Obamacare). Song, bãi bỏ Obamacare lại là một trong những mục tiêu hàng đầu trên danh sách việc cần làm sau nhậm chức của ông Trump.
Tổng thống Obama mặt khác có khả năng sẽ đưa ra một lời kêu gọi đoàn kết dành cho các cử tri tiến bộ và những người Dân chủ ở Đồi Capitol, cây bút Williams từ US News bình luận.
Dù rời xa Nhà Trắng, ông Obama có lẽ không có ý định từ giã sân khấu chính trị, giới quan sát đánh giá. Hồi tháng 10 năm ngoái, Tổng thống Mỹ thông báo ông và cựu tổng chưởng lý Eric Holder, một đồng minh thân cận, sẽ lập một tổ chức phi lợi nhuận nhằm đấu tranh cho quyền bầu cử và chống lại hành vi sắp xếp gian lận bầu cử ở cấp nhà nước. Mục tiêu là thúc đẩy cải cách, giúp người Dân chủ trở lại Nhà Trắng trong thập kỷ tới.
Tổng thống và đệ nhất phu nhân Michelle Obama có kế hoạch sống tại Washington ít nhất hai năm nữa, cho đến khi con gái út tốt nghiệp trung học. Ông Obama sẽ là cựu tổng thống Mỹ đầu tiên kể từ thời Woodrow Wilson nán lại Washington D.C sau khi rời Nhà Trắng.
Tuy nhiên, việc một tổng thống Mỹ đứng quá lâu trên sân khấu chính trị cũng tiềm ẩn nguy cơ, Galston cho biết thêm.
"Ông ấy là một cây sồi lớn mạnh nhưng ở dưới bóng nó, những hạt sồi non rất khó sinh sôi", Galston ví von, nhắc tới nỗi thất vọng tồn tại trong những người Dân chủ ở cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ ở thời điểm cuộc bầu cử diễn ra, cũng như thực tế là rất nhiều lãnh đạo đảng hiện đã bước vào tuổi 60 hoặc hơn. "Đảng Dân chủ cần một tầng lớp lãnh đạo mới", ông nhận xét.
Thông điệp từ lịch sử
Dù không ai biết chính xác ông Obama sẽ nói gì trong diễn văn chia tay, giới phân tích vẫn tìm ra một số gợi ý trong những bài phát biểu của Tổng thống Mỹ kể từ khi tỷ phú Trump chiến thắng cuộc đua vào Nhà Trắng.
Trong bài phát biểu tại Athens, Hy Lạp, hồi tháng 12 năm ngoái, Tổng thống Obama lên tiếng bảo vệ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), liên minh quân sự thời kỳ hậu Thế chiến II mà ông Trump không dành thiện cảm, đồng thời ca ngợi chính sách ngoại giao trước tiên mà ông theo đuổi. Ông Obama nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong việc đảm bảo bình đẳng sắc tộc và giới tính. Đây đều là những khía cạnh mà những người chỉ trích cho rằng tổng thống đắc cử Mỹ Trump đã coi nhẹ trong chiến dịch vận động tranh cử.
Theo Galston, qua bài phát biểu chia tay, ông Obama có khả năng sẽ đưa ra một lời kêu gọi kiềm chế tổng thống đắc cử Trump, giống như lời cảnh báo cách đây 300 năm từ tổng thống Washington về mối nguy hiểm trước tình trạng chia rẽ đảng phái hay lời khuyên từ tổng thống Eisenhower về việc không được phép để "những tổ hợp công nghiệp quân sự" phát triển thiếu kiểm soát.
"Nếu làm theo Washington hay Eisenhower, Obama sẽ nói điều gì đó lớn lao. Ông ấy có thể một mặt liệt kê những cơ hội tương lai nhưng mặt khác cũng cảnh báo về những mối rủi ro tiềm tàng", Galston nhận xét.
Tác giả bài viết: Vũ Hoàng
Nguồn tin: