Giáo dục

Điểm sáng trong ngành giáo dục huyện Tân Kỳ

Trường THCS Phú Sơn đóng tại xã đặc biệt khó khăn của huyện Tân Kỳ, nơi đây có 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống và tỉ lệ hộ nghèo còn chiếm tới 33%. Mặc dù khó khăn như vậy nhưng với nhiệt huyết và trách nhiệm, cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường đã nỗ lực vượt khó để dạy tốt và học tốt. Ghi nhận thành tích đó, đầu năm 2017 này, trường đã được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn quốc gia.

tc
Toàn cảnh trường THCS Phú Sơn

th
Phòng thực hành CNTT

Chúng tôi đã đến thăm trường THCS Phú Sơn vào 1 ngày cuối tháng 2 này, khác với những tiết học trước, tiết học môn Toán của cô Hiền và học sinh lớp 6B trường THCS Phú Sơn hôm nay được tổ Khoa học tự nhiên chọn dạy thể nghiệm theo chuyên đề “ Bài dài, bài khó”. Đây là chuyên đề được xây dựng từ trí tuệ tập thể để thiết kế giáo án và tìm phương pháp dạy những bài dài và khó nhằm giúp các em dễ hiểu, dễ tiếp thu. Từ đó, giúp giáo viên trong tổ đúc rút kinh nghiệm để vận dụng vào thực tế giảng dạy, đáp ứng nhu cầu đổi mới hiện nay.

Thầy giáo Nguyễn Cảnh Chương- Tổ trưởng tổ Khoa học tự nhiên- Trường THCS Phú Sơn nhận xét.“ Qua giờ dạy thể nghiệm này, tôi và cả tổ dự giờ thấy cô Hiền tự tin truyền thụ đẩy đủ kiến thức của bài học, về phía giáo viên dự giờ học được phương pháp để thực hiện trong thời gian tiếp theo và về phía học sinh thấy các em tích cực học tập, trao đổi thoải mái và nắm vững nội dung bài học.”.

Nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, hàng năm ngay từ đầu năm học, cán bộ giáo viên nhà trường đã xây dựng các chuyên đề dạy học theo từng tổ, nhóm để từng bước vận dụng mô hình trường học mới vào chương trình giáo dục hiện hành. Bên cạnh đó, để đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học, nhà trường đã vận dụng các nguồn hỗ trợ của các cấp và huy động nguồn xã hội hóa để nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất hạ tầng khang trang với dãy nhà 2 tầng gồm 8 phòng học, 5 phòng bộ môn Tin học, Ngoại ngữ, Âm nhạc, Vật lý, Phòng hóa sinh và kho thiết bị tổng hợp có đầy đủ thiết bị đảm bảo các điều kiện để cán bộ giáo viên và học sinh sử dụng có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác quản lý, đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.

Ông Nguyễn Đăng Cầu- Hiệu trưởng Trường THCS Phú Sơn- Tân Kỳ cho biết. “ Nhà trường luôn hướng tới người học, để nâng cao chất lượng giáo dục, nhà trường đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học, bên cạnh đó tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường- gia đình và xã hội bởi xác định Phú Sơn là xã đặc biệt khó khăn nên thực hiện tốt cách này sẽ làm tốt việc huy động trẻ đến trường, nâng cao chất lượng học tập và qua đó làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục”.

Trường THCS Phú Sơn hiện có 21 cán bộ giáo viên và 275 em học sinh được bố trí tại 8 lớp. Với việc thực hiện các giải pháp đồng bộ nên những năm qua nhà trường đã gặt hái nhiều thành tích. Riêng năm học 2015- 2016, số học sinh có học lực khá giỏi toàn trường chiếm 53,3%; yếu kém chỉ còn 0,3%. Học sinh, giáo viên giỏi các cấp hàng năm thường đứng trong tốp đầu của huyện. 100% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn, trong đó có 60% số giáo viên được công nhận là giáo viên dạy giỏi cấp trường trở lên.

Bà Thái Thị Hồng- Phó trưởng phòng Giáo dục và đào tạo huyện Tân Kỳ đánh giá. “ Trường THCS Phú Sơn đóng tại địa bàn xã đặc biệt khó khăn, nhưng nhà trường đã luôn thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, thực hiện tốt các phong trào, nhiệm vụ của năm học. Nhà trường luôn dẫn đầu các trường vùng sâu vùng xa của huyện về dạy tốt, học tốt và tham gia các cuộc thi đều đạt được thành tích cao. Hàng năm nhà trường đều được cấp trên biểu dương, khen thưởng”.

Ngay từ những ngày đầu năm mới này, niềm vui đã đến với Thầy và trò trường THCS Phú Sơn đó là trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Đây sẽ là nguồn động viên và là nền tảng vững chắc để nhà trường tiếp tục thực hiện tốt việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện nhằm gặt hái nhiều hơn nữa những “ Quả ngọt” trong sự nghiệp “ Trồng người” và là điểm sáng của giáo dục vùng sâu huyện Tân Kỳ./.

Tác giả bài viết: Cẩm Tú- Như Lành(Đài TT- TH Tân Kỳ)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP