Trong lần tham quan Vườn Quốc gia Cúc Phương, tôi đọc được một tài liệu rất hấp dẫn về Cúc Phương. Trong phần “Phong cảnh caxtơ và giá trị khảo cổ” có vài dòng ngắn gọn như sau: “Thuộc địa hình caxtơ nửa che phủ, Cúc Phương có nhiều hang động đẹp với những cái tên gợi cảm như: động Sơn cung, động Phò mã giáng…
Đặc biệt có một số hang động còn lưu giữ những dấu tích của người tiền sử, sống cách ngày nay từ 7.500 năm đến 12.000 năm, đó là hang Đắng (động người xưa), hang Con Moong.
Năm 2000, Cúc Phương đã phát hiện hóa thạch của một loài động vật có xương sống, theo kết luận ban đầu của Viện Cổ sinh học Việt Nam, đây là hóa thạch của loài bò sát răng phiến, sống cách ngày nay chừng 200 đến 230 triệu năm”.
Đọc được mấy dòng chữ này, tôi, rất muốn tận mắt loài thú sống cách ngày nay những 230 triệu năm, khi loài người, có lẽ là cả loài khỉ nữa, cũng chưa có mặt trên trái đất này.
Anh Lương Khắc Hiến chụp ảnh bộ xương hóa thạch trên vách đá
Tôi đã trình đủ các loại thủ tục, gồm giấy giới thiệu, thẻ nhà báo, công văn, song chỉ nhận được từ Ban Lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương mấy từ: “Mong đồng chí nhà báo thông cảm. Bộ xương hóa thạch này quý lắm, cả Đông Nam Á chưa tìm ra bộ xương thứ hai, tiết lộ cho nhà báo nhỡ có kẻ biết đường vào đào trộm thì… chết dở”.
Nghe các đồng chí lãnh đạo nói thế, thì còn biết nói khó, nói dễ thế nào nữa. Tuy nhiên, trước khi thất thểu ra về, tôi luôn nhận được lời động viên: “Khi nào các nhà khoa học nghiên cứu xong, dập được phiên bản bằng thạch cao thì nhất định sẽ mời nhà báo vào rừng tận mắt và nói cho thiên hạ biết”.
Biết không thể chiêm ngưỡng bộ xương hóa thạch kỳ bí thông qua Ban Lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương, tôi đã tìm gặp các hướng dẫn viên du lịch những mong được tận mắt bộ xương như một du khách. Tuy nhiên, các hướng dẫn viên du lịch đều lắc đầu: “Chỉ nghe nói về bộ xương hóa thạch, chứ chả ai biết nó ở đâu. Cúc Phương rộng hơn 22 ngàn héc-ta, toàn rừng sâu với đá tai mèo lởm chởm, có đi cả đời cũng không tìm thấy”.
Nhờ hướng dẫn viên không được, tôi đi tìm… lâm tặc, những kẻ xẻ gỗ trong rừng, những chị em đào măng, bẻ củi, bắt cua đá, ốc núi (tất cả những người vào Vườn Quốc gia kiếm sống đều là lâm tặc), tuy nhiên, mọi người đều lắc đầu không biết hóa thạch “khủng long” là thứ gì.
Vách đá dựng đứng trong VQG Cúc Phương, nơi có bộ xương hóa thạch
Mới đây, trong những ngày mưa bão, tôi lại tìm về Vườn Quốc gia Cúc Phương. Mùa mưa bão, nên Vườn Quốc gia vắng tanh, chả có ai dại dột đi du lịch rừng già mùa này để làm mồi cho vắt.
Có lẽ, do thông cảm với lòng nhiệt tình của tôi, nên anh Lập, Trưởng phòng Khoa học, thuộc Vườn Quốc gia Cúc Phương đã đồng ý cho tôi được tận mắt “kỳ quan hóa thạch” có một mà chưa có hai ở Đông Nam Á này.
Tuy nhiên, trước khi đồng ý cho tôi đi, anh Lập bắt tôi thề thốt ghê gớm lắm, nhất định không được tiết lộ đường đi lối lại dẫn vào khu vực có hóa thạch.
Và khi tôi đang phấn khích lắm với việc sắp được tận mắt bộ xương hóa thạch, thì anh Lập khẳng định như đinh đóng cột một câu: “Tớ nghĩ chín mươi phần trăm là chuyến đi thất bại. Đang mưa bão thế này, có chỗ đá tai mèo trơn chuồi chuỗi, trèo ngã thủng bụng, có chỗ thung lũng nước ngập quá đầu, có mà kéo xuồng vào mới qua được. Nhưng khiếp nhất là vắt, chúng sẽ bâu lấy cậu mà hút máu”.
Nghe anh Lập dọa thế, người yếu vía chắc cố chờ cho đến mùa khô. Nhưng cơ hội ngàn năm có một, nên tôi cứ liều xin đi.
Xương sống hiện rõ trên vách đá
Sớm hôm sau, khi tiếng nai bắt đầu tác trong rừng, khi tiếng khỉ hót ríu rít gọi bầy đi kiếm ăn, thì anh Lương Khắc Hiến, cán bộ của Phòng Khoa học đã có mặt chờ tôi. Trông bộ dạng anh Hiến hôm trước với sáng hôm đó thật khác, tôi chẳng nhận ra nữa. Thay vì chiếc áo trắng đóng thùng vào quần xanh và giày da bóng lộn, giờ anh mặc chiếc áo bộ đội, tay đeo găng, và đặc biệt là đôi “xà cạp” (giống tất chân của chị em) dày cộp xỏ kín chân, kéo dài đến đầu gối. Chiếc “xà cạp” được buộc chặt trên đầu gối bởi dây dù. Đôi chân đeo xà cạp xỏ vào đôi dép quai hậu.
Hóa ra anh Hiến ăn mặc cầu kỳ như thế để chống… vắt. Tôi chợt nghĩ đến các bà, các chị nông dân ngày xưa. Các bà, các chị cũng đeo “xà cạp” như thế ở cả tay lẫn chân khi lội ruộng cấy gặt vừa để chống nắng, nhưng quan trọng hơn là chống… đỉa. Quả thực, lúc trông cảnh anh Hiến ăn mặc kiểu chống vắt, tôi mới thấy lạnh sống lưng.
Lái xe xuyên vào lõi rừng gần chục cây số, thì anh Hiến kêu dừng lại ở một tấm biển đề: “Lối đi tham quan cây đăng”. Anh Hiến bảo, đây là một cây đăng khổng lồ, cả đời đi rừng của anh chưa từng gặp cây nào to như thế. Cây đăng này cao tới 45m và đường kính của nó tới 6m!
Khi mặt trời lên lưng lửng, xuyên ánh nắng qua tán cây rậm rạp, thì chúng tôi nai nịt gọn gàng, đồ ăn nước uống chất đủ vào balô, đặc biệt là 2 đôi tất đã được kéo cao, trùm ra ngoài quần và được quấn bằng cả chục lượt dây dù, rồi bắt đầu vạch rừng mà đi.
Giữa những ngày mưa gió đi tìm bộ xương “khủng long” giữa Vườn Quốc gia Cúc Phương thật vất vả. Hướng vào rừng hoàn toàn không có đường, thi thoảng mới lộ một vài vết đi lại cắt dọc ngang của những người bản địa vào rừng kiếm sống. Người dân quanh vùng thường đi sâu vào Vườn Quốc gia Cúc Phương để bắt cua núi, ốc núi, hai thứ đặc sản rất có giá trị.
Những rẻ xương lộ rõ trên vách đá
Mùa mưa, rừng Cúc Phương ẩm ướt, nên thứ nhiều nhất trong rừng là vắt. Loài vắt xanh bám trên lá, chờ người và thú đi qua là bám vào tìm da thịt hút máu. Vắt đất thì một miệng cắn xuống đất, một miệng ngỏng lên trời ngo ngoe. Hễ chân người dẫm vào, là nó bám riết tìm đường chui vào trong ống quần.
Lúc đầu, tôi vừa đi vừa lấy dao gạt vắt khỏi giầy và ống quần, sau thấy mất thời gian quá thì thây kệ cứ đi, không thèm để ý. Cuốc bộ đôi ba chục phút, ngồi nghỉ, mới tiện tay gạt lũ vắt khỏi giày tất, rồi tháo giày kiểm tra một lượt, tìm bọn vắt đang say mê hút máu ra khỏi chân.
Chúng tôi trèo qua những sườn núi tai mèo sắc nhọn, lội qua những thung sâu ngập nước mùa mưa đến quá trưa thì một “tường thành đá” hiện ra giữa rậm rạm cây cối. Một bức tường đá thẳng đứng, kéo dài tít tắp và cao ngang với một tòa nhà 8 tầng. Bức tường đá tự nhiên phẳng lì lên màu đen bóng.
Anh Hiến bảo nghỉ chân dưới “thành đá”, rồi nói: “Đề nghị nhà báo vận dụng khả năng hiểu biết của mình về lĩnh vực địa chất để tìm hiểu xem ngọn núi này có gì đặc biệt không?”. Thấy anh Hiếu đề nghị thế, tôi nghĩ có chuyện gì thú vị, nên lần mò dưới chân “tường thành đá” đen bóng này để tìm hiểu.
Tôi khá bất ngờ khi phát hiện ra nhiều biểu hiện của hóa thạch quanh ngọn núi này. Những khối đá đen bóng giống như mới nhô lên từ lòng đất. Trên bề mặt của những khối đá đó ẩn hiện những hình thù của những thân cây. Để ý kỹ, tôi mới phát hiện ra, khu vực này là một quần thể hóa thạch thân cây. Những thân cây to chừng vài người ôm đã hóa đá từ hàng trăm triệu năm trước vẫn hiện rõ những u mấu, những thăn thớ trông như thớ gỗ.
Tôi trình bày phát hiện của mình về một quần thể hóa thạch cây cối, anh Lương Khắc Hiến cười tủm tỉm dặn tôi dò xét kỹ trên vách đá xem phát hiện được gì. Tôi bập tay vào những u mấu trèo lên các vách đá để xem xét tỉ mẩn. Khi trèo đến độ cao 4 mét của một vách đá thấp, nằm dưới chân “bức tường đá” cao vòi vọi, tôi sững sờ khi thấy những mấu đá trồi ra, trông rõ ràng như những khúc xương sống xếp theo một hàng dài ngoằng. Thì ra, đây chính là hóa thạch của loài bò sát 230 triệu năm tuổi mà Ban Lãnh đạo Vườn Quốc gia Cúc Phương giấu kín mười mấy năm nay. Thì ra, đây là thứ mà cả chục năm nay, chỉ số ít các nhà khoa học nổi tiếng được tận mắt chiêm ngưỡng, nghiên cứu.
Còn tiếp...
Tác giả bài viết: Dương Phạm Ngọc