Thế giới

Di sản Obama đứng bên bờ vực dưới thời Donald Trump

Nhiều di sản về chính sách của Tổng thống Mỹ Barack Obama khó đứng vững bởi người kế nhiệm ông, tỷ phú Donald Trump, có thể dễ dàng đảo ngược chúng.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump hôm 10/11 gặp mặt Tổng thống Barack Obama tại Nhà Trắng. Ảnh: AP


Trong quãng thời gian vận động tranh cử, tỷ phú Donald Trump từng không ít lần ngụ ý muốn phá vỡ những di sản mà Tổng thống Mỹ Barack Obama dày công gây dựng. Nhà tài phiệt New York đe dọa xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran hay tái lập những biện pháp trừng phạt mà ông Obama đã nới lỏng đối với Cuba. Ông Trump cũng không đồng tình với việc Tổng thống Obama triển khai binh sĩ Mỹ ở nước ngoài để chống các nhóm Hồi giáo cực đoan, theo Reuters.

Ông Obama từng mong muốn truyền lại các di sản để đời cho ứng viên tổng thống Mỹ đảng Dân chủ Hillary Clinton, người mà ông tin tưởng và đã nỗ lực ủng hộ suốt quá trình bà tranh cử. Song cựu ngoại trưởng Mỹ lại thất bại trước đối thủ đảng Cộng hòa trên đường đua vào Nhà Trắng. Vì thế giờ đây, chuyên gia nghi ngại các di sản mang dấu ấn Obama sẽ đứng trước nguy cơ sụp đổ trong tay tổng thống đắc cử Donald Trump.

Kế hoạch không rõ ràng

Thường xuyên đưa ra những bình luận, quan điểm trái ngược kể cả khi tranh cử lẫn lúc đã đắc cử, nhà tài phiệt New York khiến việc dự đoán những chính sách mà ông thực sự muốn theo đuổi trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.

Tháng trước, trong một bài phát biểu, ông tuyên bố sẽ "hủy bỏ tất cả các hành động hành pháp vi hiến, bản ghi nhớ hay mệnh lệnh do Tổng thống Obama ban hành" trong ngày đầu tiên làm việc tại Nhà Trắng. Tuy nhiên, ông không nêu rõ ai sẽ là người quyết định tính hợp hiến của chúng.

Bản thỏa thuận hạt nhân Iran là một trong những di sản đang đứng bên bờ vực. Để hoàn thành bản thỏa thuận này hồi năm ngoái, ông Obama đã phải đối mặt với rất nhiều ý kiến phản đối ở Quốc hội, từ cả phe Cộng hòa lẫn một số thành viên đảng Dân chủ, bởi họ cho rằng Mỹ đặt ra quá ít giới hạn với thỏa thuận nhưng lại chấp nhận xóa bỏ rất nhiều biện pháp trừng phạt. Ông Trump từng khẳng định sẽ xem xét lại các điều khoản trong thỏa thuận này bởi tổng thống Mỹ có quyền thắt chặt hoặc nới lỏng các biện pháp trừng phạt về kinh tế nhờ mệnh lệnh hành pháp.

"Bất kỳ thứ gì được kích hoạt nhờ một mệnh lệnh hành pháp đều có khả năng bị hủy bỏ bởi một mệnh lệnh hành pháp khác", Zachary Goldman, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ hiện công tác tại Đại học New York, bình luận.

Tổng thống Obama trước đây nhờ nhận được đủ sự ủng hộ từ đảng Dân chủ nên mới có thể ngăn chặn một nghị quyết do các thành viên đảng Cộng hòa đưa ra nhằm phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran. Chuyên gia nhận định ông Obama lúc bấy giờ giành thắng lợi về chính trị nhưng thất bại trong việc quy tụ đồng thuận.

Nếu so với người tiền nhiệm, tổng thống đắc cử Trump hiện mang nhiều ưu thế hơn khi ông có cơ hội làm việc với một Thượng viện và Hạ viện do đảng Cộng hòa kiểm soát.

Một thành tựu đáng kể khác mà Tổng thống Obama thực hiện được trong những năm cuối nhiệm kỳ là khôi phục quan hệ ngoại giao với Cuba. Để nới lỏng một số lệnh trừng phạt áp đặt lên nước này, ông Obama đã phải dùng đến mệnh lệnh hành pháp do vấp phải sự phản đối bên trong Quốc hội, đặc biệt từ phe Cộng hòa.

Ông Obama tháng trước tiếp tục củng cố nỗ lực hàn gắn với Cuba bằng một "chỉ thị chính sách tổng thống" sâu rộng, đặt nền tảng cho mối hợp tác giữa chính phủ hai nước tương lai.

Trong khi đó, Trump hồi tháng 9 lại tuyên bố sẽ đảo ngược những thành tựu mà chính quyền Obama đã đạt được với Cuba nếu Havana không thể đáp ứng các yêu cầu từ ông. Giới quan sát nhận định với lập trường như vậy, việc di sản ngoại giao của Tổng thống Obama bị bãi bỏ không phải là một kịch bản quá khó hình dung dưới thời Donald Trump.

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được xem như một di sản của Tổng thống Obama, là trọng tâm trong chiến lược "tái cân bằng châu Á" mà ông theo đuổi. Tuy nhiên, suốt thời gian vận động tranh cử, ông Trump từng nhiều lần kêu gọi Mỹ rút khỏi TPP bởi những thỏa thuận thương mại kiểu này chỉ góp phần lấy đi việc làm của người Mỹ. Giới quan sát đánh giá, khi ông Trump chính thức nắm quyền lực, TPP chắc chắn sẽ nằm trong tầm ngắm của nhà tài phiệt New York.

Obamacare

Mặt khác, nhiều người cho rằng chương trình bảo hiểm Obamacare, di sản vĩ đại nhất của Tổng thống Obama, cũng có thể sẽ đi vào ngõ cụt dưới thời chính quyền Donald Trump.

Thành luật ngày 23/3/2010, Obamacare là chương trình bảo hiểm sức khỏe bắt buộc của chính phủ liên bang dành cho những gia đình, cá nhân có thu nhập thấp. Nó ra đời nhằm mục đích nâng cao chất lượng và khả năng chi trả của bảo hiểm y tế, giảm tỷ lệ không có bảo hiểm bằng cách mở rộng phạm vi bảo hiểm công và tư nhân, giảm chi phí chăm sóc sức khỏe cho cả cá nhân lẫn chính quyền.

Theo Fox News, Obamacare đã giúp gần 20 triệu người được mua bảo hiểm y tế, khiến tỷ lệ không có bảo hiểm ở Mỹ xuống mức thấp kỷ lục.

Tuy nhiên, đạo luật cải cách y tế này vấp phải sự phản đối gay gắt của đảng Cộng hòa, bao gồm cả tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Một số người không đồng tình với điều khoản trong luật quy định việc mua bảo hiểm y tế là nghĩa vụ bắt buộc và người không mua sẽ bị phạt. Họ cho rằng chính phủ không nên buộc người dân phải trả tiền cho việc chăm sóc sức khỏe của người khác.

Bên cạnh đó, đạo luật còn làm ảnh hưởng đến túi tiền của số ít những người dân có thu nhập cao, khi họ phải đóng thêm thuế để tài trợ cho phần đông những người dân có mức thu nhập thấp để mua được bảo hiểm sức khỏe.

Trong tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử, ông Trump tuyên bố sẽ "tiến hành rất nhanh chóng" việc bãi bỏ Obamacare, đồng thời nhấn mạnh rằng sẽ lập tức triệu tập Quốc hội để "hoàn thành nhiệm vụ".

Song, hồi tuần trước, nhà tài phiệt New York lại nói ông có khả năng sẽ chỉ đơn giản là điều chỉnh Obamacare, duy trì những trụ cột của chính sách này như cấm các công ty bảo hiểm từ chối chi trả theo những điều khoản lập từ trước hay cho phép người trẻ tuổi được hưởng bảo hiểm theo bảo hiểm của cha mẹ.

Tác giả bài viết: Vũ Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP