Du lịch

Đền Diên Cờ: Địa linh sinh nhân kiệt (Kỳ I)

Vùng đất Nghi Lộc, Nghệ An, không chỉ nổi tiếng với đền thờ Thái sư Cương Quốc Công Nguyễn Xí tại xã Khánh Hợp. Nơi đây còn lưu giữ, cất giấu những giá trị lịch sử, văn hóa... tại đền Diên Cờ, xã Nghi Trường, gắn với tên tuổi của những vị tiên liệt của nước Việt ta.

Đền Diên Cờ (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) thờ Thành hoàng Cao Sơn, Cao Các. Ảnh: Nguyễn Diệu

Thờ Thành hoàng Cao Sơn, Cao Các

Nắng mùa hạ bỏng rát. Tôi đi trong vô định, và dường như có người dẫn đường, chỉ lối. Trước mặt tôi, đền Diên Cờ (xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) đồ sộ, nguy nga, tráng lệ. Mùi hương phảng phất trong gió lành, man mác một không gian tĩnh mịch uy nghiêm nhưng cũng không kém phần yên bình, thơ mộng. Có những giá trị tạo nên lịch sử, và được lịch sử lưu giữ, cất giấu sau những tích, câu chuyện được truyền từ đời này qua đời khác.

Đền Diên Cờ mang đậm dấu ấn lịch sử và tâm linh của người dân miền biển xã Nghi Trường, vùng đất từng được người đương thời tôn vinh là một trong những “trung tâm đào tạo hiền tài”, là “cái nôi của phong trào yêu nước, phong trào cách mạng” của huyện Nghi Lộc trong suốt khoảng thời gian từ cuối thế kỷ thứ 19 đến trước Cách mạng tháng Tám 1945.

Cùng với truyền thống khoa cử và yêu nước, mảnh đất Nghi Trường còn lưu giữ những truyền thống quý giá về văn hóa tâm linh, nổi tiếng bởi hệ thống đình, chùa, miếu cổ.

Theo tài liệu về đền Diên Cờ và hồ Bạch Tượng của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An và căn cứ sắc phong thần còn lưu giữ, bài trí thờ phụng tại di tích và lời kể của các cụ cao niên thì đền Diên Cờ thờ Thành hoàng Cao Sơn, Cao Các.

Đền mang đậm dấu ấn lịch và tâm linh của người dân xã Nghi Trường nói riêng, huyện Nghi Lộc nói chung. Ảnh: Nguyễn Diệu

Đây là những vị thần được thờ phổ biến ở Nghệ An nhưng thần tích chưa thống nhất, mà có nhiều dị bản khác nhau.

Bản khai thần tích Cao Sơn, Cao Các ở làng Đông Chữ phản ánh rất rõ điều này. “Xét thấy tôn thần Cao Sơn cả nước phụng thờ 2017 nơi thần hiệu ghi Cao Sơn tôn thần. Sách của tỉnh Hưng Yên thuật rằng, thần là người Bảo Sơn của Bắc Quốc, tên gọi Cao Hiển. Khoảng năm Khánh Lịch (1014 - 1018) đỗ tiến sỹ làm quan đến thừa tướng, dẹp yên tứ di, sau khi mất được phong Cao Sơn đại vương, lệnh cho thiên hạ lập đền thờ. Sách của tỉnh Ninh Bình thuật rằng thần là một trong 50 người con lên núi của Lạc Long Quân, là Cao Sơn đại thần, vị thần thứ hai bên trái của núi Tản Viên vậy”.

“Sự tích Cao Hiển” tra trong “Đông Đô sự lược liệt truyện Tống danh thần ngôn hành lục” không thấy tên. Trong “Lịch đại danh thần phổ” trước thời Tống cũng không hề có ai tên Cao Hiển. Đến thời Minh có Cao Hiển là người huyện Lương. Đầu thời Minh đánh dẹp chiêu hàng Đô Giang kinh thành có công to được thăng đến chức Hậu quân Đô đốc chỉ huy thiêm sự, khi mất được phong Nhữ Âm Hầu. Khảo sự trạng trong Minh sử thì không thấy liên quan gì với nước ta như trên cả, nếu có sao sử nước ta lại không ghi.

Lại xét tôn thần Cao Các cả nước có 1519 xã thôn thờ (trong số đó đã sắc phong như kể trên là 1.248 nơi, còn chưa phong 265 nơi). Sự tích kể lại rằng đại tướng của Thục An Dương Vương tên là Cao Các, có thuyết nói là một trong 50 người con xuống biển của Lạc Long Quân, có thuyết nói là Cao Biền đời Đường, có thuyết nói là Cao Hiển đời Tống. Tra cứu các sách Nam Bắc đều thấy không có cứ liệu xác đáng, còn đợi khảo cứu...” (Ninh Viết Giao, Tục thờ thần và thần tích Nghệ An, NXB Nghệ An).

Ngày 26/8/2016, Bộ VHTT&DL đã có Quyết định số 2280/QĐ-BVHTTDL về việc công nhận đền Diên Cờ (Nghi Lộc) là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia. Ảnh: Nguyễn Diệu

Người dân ở đây còn lưu truyền nhiều truyền thuyết ly kỳ về sự linh thiêng của thần Cao Sơn, Cao Các tại đền Diên Cờ. Điển hình là việc giúp dân làng chữa khỏi nhiều căn bệnh, nhất là căn bệnh về mắt. Tài liệu “đền Diên Cờ” do 2 soạn giả Đào Tam Tỉnh và Hoàng Anh Tài biên soạn sau nhiều năm điền giã tại các làng thuộc tổng Thượng Xá xưa cho biết: “Thủa y học chưa phát triển, mỗi khi dân làng bị bệnh, họ chỉ cần lấy những cây cỏ trong khuôn viên đền Diên Cờ đưa vào làm lễ, sau đó đem về uống thì hầu hết khỏi bệnh. Nhiều mẩu chuyện về việc thần đền Diên Cờ chữa khỏi bệnh cho cư dân địa phương còn lưu truyền đến ngày nay”. (Đền Diên Cờ, Đào Tam Tỉnh - Hoàng Anh Tài, NXB Nghệ An, 2012, t.44).

Vì vậy, các ngài không chỉ được nhân dân tôn thờ mà còn được các triều đình phong kiến ghi nhận công lao, sự linh ứng bằng sắc phong với phẩm trật đã được nâng tới hàng “thượng, thượng đẳng tối linh đại vương”.

Theo tài liệu của Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An về đền Diên Cờ, xưa, đền được các triều đại phong kiến phong 7 thần sắc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, 7 thần sắc đã bị rách, hư hỏng. Hiện nay, Viện Hán nôm đã phục chế theo nguyên bản của thần sắc xưa. Sắc do thạc sỹ Trương Thị Thủy, Viện Hán nôm dịch.

Xưa, tại đền Diên Cờ được các triều đại phong kiến phong 7 thần sắc... Ảnh: Nguyễn Diệu

Thần sắc

Phiên âm Hán Việt: Sắc Đương cảnh Thành Hoàng Cao Sơn Cao Các, Hiển Đức, Thông Minh, Sùng Huân, Tuấn Liệt, Hồng Hưu, Gia Khánh, Quang Ánh, Huy Diệu, Vượng Thắng, Thuận Đạt, Thông Nghị, Dũng Lược, Bảo Dân, Nhuận Vật, Hồng Ân, Viễn Khánh, Tế Thế, Hoằng Hưu, Dực Vận Đại Vương. Tam quang dựng tú, ngũ nhạc chung linh, tại thượng dương dương, đại hãn hoạn ngự tai chi lực, quyết linh trạc trạc, thần bảo dân hộ quốc chi công, tương hựu ký đa bao sùng hạp xỉ tiến nẫm hữu linh ứng. Phụng chỉ chuẩn ứng bao phong trung đẳng, khả gia phong Đương cảnh Thành hoàng Cao Sơn Cao Các Hiển Đức, Thông Minh, Sùng Huân, Tuấn Liệt, Hồng Hưu, Gia Khánh, Quang Ánh, Huy Diệu, Vượng Thắng, Thuận Đạt, Thông Nghị, Dũng Lược, Bảo Dân, Nhuận Vật, Hồng Ân, Viễn Khánh, Tế Thế, Hoằng Hưu, Dực Vận, Quảng Tế, Bác Đạt Đại vương. Cố sắc!

Cảnh Hưng bát niên tứ nguyệt thập bát nhật.

Dịch nghĩa: Sắc ban cho Đương cảnh Thành Hoàng Cao Sơn Cao Các, Hiển Đức, Thông Minh, Sùng Huân, Tuấn Liệt, Hồng Hưu, Gia Khánh, Quang Ánh, Huy Diệu, Vượng Thắng, Thuận Đạt, Thông Nghị, Dũng Lược, Bảo Dân, Nhuận Vật, Hồng Ân, Viễn Khánh, Tế Thế, Hoằng Hưu, Dực Vận Đại Vương. Mặt trời, mặt trăng, sao sinh ra tú khí, năm ngọn núi chung đúc nên khí thiêng, mênh mang ở trên cao, lực hãn hoạn trừ tai, vòi vọi linh thiêng. Thần có công giúp nước cứu dân, đã nhiều lần gia phong, tỏ rõ linh ứng. Phụng chỉ cho phép bao phong trung đẳng, xứng đáng phong thêm Đương cảnh Thành hoàng Cao Sơn Cao Các Hiển Đức, Thông Minh, Sùng Huân, Tuấn Liệt, Hồng Hưu, Gia Khánh, Quang Ánh, Huy Diệu, Vượng Thắng, Thuận Đạt, Thông Nghị, Dũng Lược, Bảo Dân, Nhuận Vật, Hồng Ân, Viễn Khánh, Tế Thế, Hoằng Hưu, Dực Vận, Quảng Tế, Bác Đạt Đại vương. Nay ban sắc!

Ngày 18 tháng 4 niên hiệu Cảnh Hưng 8 (1747).

Còn tiếp...

Tác giả: Nguyễn Diệu

Nguồn tin: vanhoavaphattrien.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP