Đề xuất nói trên của UBND TP. Hải Phòng được nêu trong công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT), tham gia ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đáng nói, trong quy hoạch này không có sân bay ở Tiên Lãng.
TP. Hải Phòng nêu cơ sở đưa ra đề xuất là tại Nghị quyết số 45/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển TP.Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định đến năm 2045 Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP. Hải Phòng đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2045 đang được Bộ Xây dựng thẩm định có quy hoạch sân bay Tiên Lãng (sau năm 2045) cùng các quy hoạch đường bộ đường sắt đô thị kết nối sân bay Tiên Lãng.
Trong khi đó, tại Báo cáo cuối kỳ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 sân bay thứ hai cho Vùng Thủ đô chưa được xác định cụ thể mà chỉ khẳng định "sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến sau năm 2040".
Sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô được TP.Hải Phòng đề xuất xây dựng ở Tiên Lãng (ảnh minh họa: Tiến Tuấn). |
Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2016, có tới 4 phương án xây dựng sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô gồm: Sân bay tại Ứng Hòa (Hà Nội), Lý Nhân (Hà Nam), Thanh Miện (Hải Dương) và Tiên Lãng (Hải Phòng), cách trung tâm Hà Nội khoảng 120km. TP. Hà Nội từng đưa ra phương án tối ưu về vị trí của sân bay thứ 2 tại huyện Ứng Hòa.
Bình luận về vị trí sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô, một chuyên gia hàng không cho cho biết: Vị trí Tiên Lãng - Hải Phòng vừa có ưu điểm, vừa có nhược điểm.
Theo phân tích của vị chuyên gia, ưu điểm nổi bật là mặt bằng xây sân bay. Xây sân bay ở sát biển thì diện tích cần đến đâu có thể mở rộng đến đó, không ảnh hưởng đất nông nghiệp, không phải giải phóng mặt bằng khu dân cư (như sân bay Changi của Singapore),
Về vùng trời, do gần biển, không có núi nên phi công điều khiển máy bay không bị hạn chế tầm nhìn, không gặp chướng ngại vật. Sân bay tại Tiên Lãng ó thể phục vụ luôn cho thị trường Hải Phòng và dần bỏ sân bay Cát Bi trong nội đô.
Tuy nhiên, chuyên gia hàng không cũng khẳng định nhược điểm của vị trí Tiên Lãng khá xa Hà Nội, nền đất yếu nên chi phí xây dựng sân bay chắc chắn sẽ cao hơn. Trong khi đó, điều quan trọng nhất là vị trí sân bay ở đâu cũng phải xác định hướng đường cất/hạ cánh để đạt tối thiểu 95% thời gian sân bay hoạt động được.
Trao đổi với PV Dân trí trước đó, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng nêu ra vị trí xây dựng sân bay số 2 Vùng Thủ đô lúc này là quá sớm, đồng thời bác bỏ Hòa Lạc có thể là vị trí xây dựng sân bay số 2 của Hà Nội.
Lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định, vị trí sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô là định hướng, là tầm nhìn phát triển hàng không tới năm 2050. Hiện tại, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đủ năng lực để khai thác, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân Hà Nội và các vùng lân cận.
Theo lãnh đạo Cục Hàng không, nghiên cứu đặt ra nhằm giải quyết trường hợp sân bay Nội Bài bị quá tải. Vì theo tính toán, đến năm 2050 sản lượng khách qua Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài là khoảng 100 triệu lượt, vì vậy phải tính tới việc xây dựng sân bay số 2 tại Hà Nội và việc triển khai cần thực hiện từ năm 2040.
Tác giả: Châu Như Quỳnh
Nguồn tin: Báo Dân trí