Nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cho giáo viên mầm non được nghỉ hưu sớm. Ảnh minh họa: ITN |
Sự ghi nhận đáng quý
Sau khi nghiên cứu dự thảo Luật Nhà giáo mà Bộ GD&ĐT vừa công bố để lấy ý kiến dư luận, cô Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở (huyện Hoài Đức, Hà Nội) bày tỏ đồng tình cao.
Cô Hà cho rằng, đây là bước tiến lớn của ngành Giáo dục khi đã ấp ủ để cho ra một văn bản pháp lý với đầy đủ điều khoản nói lên những đặc trưng của nhà giáo cũng như bảo vệ quyền lợi giáo giới cả nước.
Theo cô Hà, môi trường làm việc của giáo viên mầm non chịu nhiều áp lực hơn do các cô phải “vừa dạy, vừa dỗ” trẻ. Lao động của đội ngũ có những đặc thù riêng biệt, mang trách nhiệm của người thiết kế và tổ chức các hoạt động bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ, đặt nền móng vững chắc để hình thành và phát triển nhân cách sau này. Vì thế, giáo viên mầm non nên được công nhận nghề nặng nhọc và nhận sự hỗ trợ phù hợp từ Nhà nước.
“Đề xuất giáo viên mầm non nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi phù hợp với yêu cầu triển khai Chương trình Giáo dục mầm non và hiện trạng điều kiện lao động của nhà giáo. Dù vậy, theo tôi, trong dự thảo Luật Nhà giáo nên bổ sung cụm từ “giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 55 nếu có nhu cầu”. Như vậy sẽ đáp ứng được nhu cầu của từng đối tượng. Thực tế, một số cô dù 55 tuổi nhưng đảm bảo đủ sức khỏe, kinh nghiệm giảng dạy vẫn có thể tiếp tục công việc tại trường khi có nhu cầu”, cô Nguyễn Thị Hà nói thêm.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề, cô Nguyễn Thị Thu Huyền – Hiệu trưởng Trường Mầm non Xuân Đỉnh B (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) chia sẻ, công việc của giáo viên mầm non có những đặc thù và vất vả hơn so với các cấp học còn lại. Thông thường, thời gian làm việc của các cô kéo dài hơn 10 tiếng/ngày. Mỗi trẻ có đặc điểm, tính cách riêng mà cô giáo phải hết sức chú ý để dỗ dành.
“Công việc vất vả là vậy nhưng tâm lý chung của trẻ bao giờ cũng muốn được học các cô giáo trẻ, xinh đẹp. Giáo viên lớn tuổi thì khả năng múa, hát, vận động linh hoạt có phần hạn chế. Vì thế, đề xuất của Bộ GD&ĐT công nhận giáo viên mầm non là nghề nặng nhọc, được nghỉ hưu ở tuổi 55 vô cùng hợp lý”, cô Huyền trao đổi.
Giáo viên mầm non là những người đầu tiên dìu dắt mầm non tương lai, đặt nền móng cho sự phát triển của trẻ thơ. Tuy nhiên, do đặc thù công việc, các cô thường xuyên tiếp xúc với trẻ nhỏ, môi trường ồn ào, áp lực công việc cao, ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe và tinh thần.
“Khi sức khỏe và tinh thần không tốt, giáo viên mầm non khó có thể hoàn thành tốt công việc, ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục. Việc hạ độ tuổi nghỉ hưu sẽ tạo điều kiện cho những giáo viên trẻ, khỏe mạnh, năng động tham gia vào ngành Giáo dục mầm non, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Bộ GD&ĐT đưa vào dự thảo Luật Nhà giáo cho giáo viên mầm non nghỉ hưu khi đủ 55 tuổi là cần thiết và hợp lý. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã rất lắng nghe, thấu hiểu cho nỗi vất vả của chúng tôi”, cô Nguyễn Thị Minh – Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Đường (huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) bày tỏ.
Cô trò Trường Mầm non Xuân Đỉnh B (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Ảnh: TG |
Đề xuất thỏa đáng
Công tác 14 năm tại địa bàn Tây Nguyên, cô Phen Eya – Tổ trưởng chuyên môn khối Lá, Trường Mầm non Eatling (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) cho biết, trò nhỏ đòi hỏi giáo viên phải chăm sóc rất nhiều.
Hơn nữa, Chương trình Giáo dục mầm non hiện nay thay đổi nhiều để phù hợp với xu thế mới nhằm giúp trẻ phát triển toàn diện nhất. Giáo viên thường xuyên phải cập nhật, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn của bản thân qua những buổi tập huấn hay học tập từ trường bạn.
Cô Phen Eya cũng cho rằng, các giáo viên lớn tuổi có kinh nghiệm chuyên môn sâu, vững vàng. Tuy nhiên, sức khỏe và khả năng cập nhật công nghệ, phương pháp giảng dạy mới thì không phải ai cũng có thể bắt kịp được giáo viên trẻ. Nằm ở địa bàn đặc biệt khó khăn với 10 lớp và 264 trẻ theo học.
Cô Phen Eya – giáo viên Trường Mầm non Eatling (huyện Cư Jút, Đắk Nông) hướng dẫn trẻ sử dụng khăn mặt để giữ vệ sinh cá nhân trên lớp. Ảnh: TG |
Đa số trẻ là con em đồng bào dân tộc Ê Đê và M’Nông, cuộc sống người dân còn nhiều vất vả nên chưa thật sự quan tâm đến con em. Dù vậy, nhà trường vẫn khắc phục khó khăn để dành sự yêu thương, quan tâm tới các em được thụ hưởng điều kiện học tập tốt nhất.
Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Chu Cẩm Thơ – Trưởng ban Nghiên cứu và Đánh giá giáo dục (Viện Khoa học GD Việt Nam) khẳng định, giáo viên mầm non lao động trong bối cảnh đặc thù. Học trò của họ là trẻ nhỏ, lứa tuổi còn non nớt với những đặc điểm tâm sinh lý đặc biệt.
Nghiệp vụ của giáo viên mầm non không chỉ là dạy học đa dạng, mà còn phải chăm sóc, giáo dưỡng, bảo vệ trẻ trong không gian và thời gian khác biệt. Họ chịu nhiều khó khăn, áp lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
“Do đó, việc xác định những đặc thù trong chế độ lao động, tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mầm non theo dự thảo Luật Nhà giáo đề cập là hoàn toàn thỏa đáng. Để điều này thành hiện thực cần có sự chung tay của các cơ quan chức năng, nhà trường và xã hội để đảm bảo cho giáo viên mầm non có môi trường làm việc tốt, hưởng những chế độ đãi ngộ phù hợp. Từ đó nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, góp phần xây dựng thế hệ tương lai cho đất nước”, PGS.TS Chu Cẩm Thơ nêu quan điểm.
Năm 2023, trong cuộc gặp gỡ với giáo viên cả nước, Bộ GD&ĐT đã nhận được ý kiến của giáo viên, cử tri cũng như đại biểu Quốc hội đề nghị giáo viên mầm non cần được nghỉ hưu sớm. Kết quả thăm dò của Công đoàn Giáo dục Việt Nam cho thấy, có 96% giáo viên mầm non chọn tuổi nghỉ hưu là 55. Từ đặc thù của ngành học mầm non, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bổ sung giáo viên mầm non vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nếu được chấp thuận, sẽ có căn cứ để giữ tuổi nghỉ hưu là 55 đối với giáo viên mầm non. |
Tác giả: Đình Tuệ
Nguồn tin: giaoducthoidai.vn