|
Hiện, huyện Anh Sơn chọn 2 việc triển khai làm ngay, đó là: Hợp nhất Văn phòng Đảng ủy, Văn phòng HĐND & UBND xã, thị trấn và nhất thể hoá chức danh Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm BDCT huyện.
|
Đồng thuận phương án hợp nhất văn phòng xã, thị
Từ tháng 2/2018, lãnh đạo Ban Tổ chức Huyện ủy đã tiến hành khảo sát, đánh giá, trực tiếp làm việc với Ban Thường vụ Đảng ủy 21/21 xã, thị trấn để thảo luận, thống nhất thực hiện phương án bố trí cán bộ không chuyên trách văn phòng Đảng ủy cụ thể để có lộ trình bố trí phù hợp. Trên cơ sở đó Đề án hợp nhất Văn phòng Đảng ủy, Văn phòng HĐND & UBND xã, thị trấn đã thống nhất định hướng bố trí cán bộ không chuyên trách Văn phòng Đảng ủy sau khi hợp nhất đó là: Đối với các đồng chí có trình độ chuyên môn đại học, trình độ lý luận chính trị Trung cấp trở lên, có năng lực, trách nhiệm, có uy tín; căn cứ vào tình hình cụ thể của từng xã, thị trấn để ưu tiên, quan tâm bồi dưỡng và bố trí sắp xếp làm cán bộ chuyên trách Đảng, chính quyền, đoàn thể khi có thể. Đối với các đồng chí Văn phòng Đảng ủy đang kiêm nhiệm các chức danh bán chuyên trách khác thì vẫn giữ nguyên chức danh đó và quan tâm sắp xếp, bố trí kiêm nhiệm thêm các chức danh bán chuyên trách khác. Ngoài ra, thực hiện bảo lưu chế độ phụ cấp cho cán bộ Văn phòng Đảng ủy trong thời gian 6 tháng sau khi hợp nhất. Hiện đã có phương án bố trí cho 18/21 cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã, thị trấn sau khi sáp nhập.
Chị Nguyễn Thị Ngọc Hà – cán bộ Văn phòng Đảng ủy xã Phúc Sơn rất ủng hộ việc tinh gọn bộ máy, nhưng trước đó chị không khỏi phân vân. Chị Hà tốt nghiệp Trường Đại học Vinh, về công tác tại Văn phòng Đảng ủy từ tháng 9/2010, nay đã có bằng trung cấp chính trị, là ủy viên BCH Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020. Nếu sáp nhập, việc phải rời khỏi vị trí hiện tại là rất cao và không biết có bị thất nghiệp hay không, bởi hai đồng chí chuyên trách Văn phòng HĐND, UBND đã là công chức cấp xã. Khi Ban Tổ chức Huyện ủy làm việc với Thường trực Đảng ủy xã Phúc Sơn, nhận thấy chị Nguyễn Thị Ngọc Hà là cán bộ trẻ có triển vọng, Ban Tổ chức Huyện ủy và cán bộ lãnh đạo xã đã thống nhất phương án sẽ bố trí việc làm sau sáp nhập cho chị Hà. Trước mắt, chị Nguyễn Thị Ngọc Hà vừa được bầu vào Thường vụ Hội Nông dân xã, kiêm nhiệm Phó Chủ nhiệm UBKT Đảng ủy xã.
|
Với anh Nguyễn Hồng Sơn – cán bộ văn phòng xã Lĩnh Sơn, tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế Huế, dự kiến sau sáp nhập 3 văn phòng, phương án bố trí việc làm cho anh Sơn sau khi thôi làm Văn phòng Đảng ủy xã là tiếp tục làm Phó Chủ nhiệm UBKT, quy hoạch Phó Chủ tịch MTTQ xã. Anh Nguyễn Hồng Sơn phấn khởi: “Cách làm này tôi tin là thuận lợi. Bản thân tôi còn mong muốn sớm sáp nhập để được bắt tay vào công việc mới”.
Đi đầu hợp nhất chức danh Trưởng ban Tuyên giáo đồng thời là Giám đốc Trung tâm BDCT huyện
Để hợp nhất chức danh Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy đồng thời là Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện, ngay từ khi được Thường trực Huyện ủy trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, đồng chí Bùi Hữu Tiến – Ủy viên BCH Đảng bộ huyện, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng Chính trị huyện đã nhất trí phương án chuyển sang làm Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng của huyện. Đồng chí Bùi Hữu Tiến còn đề nghị huyện nên làm sớm.
Sáng 2/5, Ban Thường vụ Huyện ủy Anh Sơn tổ chức Hội nghị công bố quyết định bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện. Theo đó, ông Ngô Đình Hùng – Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy được bổ nhiệm đồng thời giữ chức Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện và ông Bùi Hữu Tiến – Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện được phân công giữ chức Phó Giám đốc Thường trực Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện kể từ ngày 2/5/2018. Như vậy, dù không phải là huyện điểm để triển khai chỉ đạo việc thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, nhưng huyện Anh Sơn là đơn vị đầu tiên tiến hành việc nhất thể hóa chức danh Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy và Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện.
|
|
Tại xã Phúc Sơn, đồng chí Nguyễn Công Bình – Bí thư Đảng ủy xã Phúc Sơn cho biết: Năm 2015 xã có 22 người hoạt động không chuyên trách cấp xã thực hiện 22 chức danh không chuyên trách, đến nay đã giảm còn 13 người (trong 2 năm giảm được 9 người), dự kiến đến năm 2021 còn khoảng 7-8 người; Ở các thôn, bản, xã cũng đã thực hiện bố trí kiêm nhiệm ở một số đơn vị, cụ thể trong 25 thôn, bản xã Phúc Sơn có 9 thôn là bí thư chi bộ kiêm trưởng thôn; 3 bí thư chi bộ kiêm trưởng ban công tác Mặt trận; 4 trưởng thôn kiêm thôn đội trưởng, trưởng ban công tác Mặt trận, chi hội trưởng Hội Nông dân; 5 công an viên kiêm bí thư chi đoàn, chi hội trưởng Hội Cựu chiến binh và chi hội trưởng Hội Nông dân; 25/25 thôn là công an viên kiêm xóm phó… căn cứ theo quy định về diện tích và dân số thôn bản, xã xây dựng phương án giảm từ 25 thôn xuống còn 15-17 thôn (giảm khoảng 1/3 số thôn bản).
|
|
Tại xã Lĩnh Sơn, đồng chí Phạm Văn Quý – Chủ tịch UBND xã Lĩnh Sơn cho biết xã Lĩnh Sơn hiện có 19 người thực hiện 21 chức danh theo quy định. Xã đã xây dựng đề án đến năm 2021 chỉ còn từ 8-10 người bán chuyên trách. Hướng tinh gọn là tăng các chức danh kiêm nhiệm để giảm bớt số lượng người làm. Ở thôn bản, Lĩnh Sơn hiện có 130 người hưởng phụ cấp từ ngân sách ở 14 thôn bản. Theo kế hoạch, xã Lĩnh Sơn sẽ tinh giản 50% số người hưởng phụ cấp ở thôn bản. Hiện tại, xã đã tiến hành tinh giản ở thôn 6, từ 12 người hưởng phụ cấp đến tháng 4/2018 ở thôn 6 chỉ còn 7 người. Cách làm là cho kiêm nhiệm, “3 trong 1” như: Đồng chí Nguyễn Hồng Phi – Bí thư Chi bộ, kiêm Trưởng thôn, đồng thời là Trưởng ban công tác Mặt trận thôn 6; đồng chí Nguyễn Thị Thanh – Chi hội trưởng Hội Phụ nữ, kiêm cộng tác viên dân số, kiêm y tế thôn bản. Cùng với đó là kiêm “2 trong 1”…
|
Theo đồng chí Nguyễn Bá Từ – Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Anh Sơn, từ năm 2015 đến nay, số biên chế thực tế các cơ quan Đảng, chính quyền và đoàn thể cấp huyện và số cán bộ, công chức cấp xã luôn thấp hơn số biên chế được giao hàng năm. Vì vậy, việc thực hiện tinh giản biên chế 10% đến năm 2021 (so với định biên được giao năm 2015) là có thể đạt được.
Cụ thể: Khối Đảng đoàn thể huyện chỉ tiêu giảm 7 người. Khối cơ quan chính quyền giảm 8 người. Khối công chức xã, được giao 479 người, nay mới có 457 người, thấp hơn chỉ tiêu được giao 22 người; dự kiến sẽ giảm được 48 người. Về người hoạt động không chuyên trách cấp xã hiện có 354 người, được giao năm 2015 là 418 người, nếu mỗi xã giảm còn 6 – 8 người thì đến năm 2021 sẽ giảm được 271 người. Ở cấp thôn bản hiện có 2.663 người/252 thôn bản hưởng phụ cấp, bình quân có 9-10 người/thôn bản. Dự kiến mỗi thôn bản sẽ tinh giản 5 người hưởng phụ cấp, đồng thời sẽ sáp nhập thôn bản và dự kiến giảm 101 thôn bản. Tính đến năm 2021 có thể giảm trên 2.062 người hưởng phụ cấp từ ngân sách. Đối với khối giáo dục, theo ông Đoàn Văn Thanh – Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn, tính đến năm 2021 ngành Giáo dục huyện nếu giảm 10% thì sẽ phải giảm 166 người, đến nay ngành đã thực hiện giảm được 178 người, giảm nhiều hơn chỉ tiêu đề ra 12 người.
Như vậy, theo dự thảo Đề án “Sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị huyện Anh Sơn giai đoạn 2018 – 2021 và những năm tiếp theo”, chưa tính các cơ quan ngành dọc khác đóng trên địa bàn, tính đến năm 2021 Anh Sơn đã rõ cách làm để có thể tinh giản trên 2.500 vị trí hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách.
|
Theo đồng chí Đặng Thanh Tùng – Bí thư Huyện ủy Anh Sơn trên cơ sở sự đồng thuận cao trong Đảng bộ, việc chuẩn bị các phương án cơ bản đã hoàn tất, Anh Sơn đứng trước cơ hội lớn để thực hiện thắng lợi việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ảnh: Hoài Thu – Mai Hoa – Đức Anh – Thái Hiền – P.V
Thiết kế & Kỹ thuật: Hữu Quân
Tác giả: Ngô Kiên – Hoài Thu
Nguồn tin: Báo Nghệ An