Trong tỉnh

Để cơ sở chăn nuôi vịt trong khu dân cư: Chính quyền yếu kém hay dung túng?

Nhiều năm nay, người dân xóm 2, xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) phải “sống chung” với mùi hôi thối nồng nặc bốc ra từ cơ sở chăn nuôi vịt của hộ ông Đinh Văn Tý nằm trong khu dân cư. Người dân mong chính quyền địa phương sớm di dời trại vịt này để môi trường sống được trong lành.

‘Chết ngạt’ trong khu dân cư vì chủ trại vịt xem thường pháp luật

Phản ảnh tới Báo Nhà báo và Công luận, người dân ở xóm 2, xã Quỳnh Hưng cho biết: Hộ gia đình ông Đinh Văn Tý chăn nuôi vịt nằm trong khu dân cư. Đáng nói, hộ ông Tý dùng đất ở trong khu dân cư để làm… chuồng vịt. Bên cạnh đó, dù số lượng vịt nuôi lên tới khoảng 700 - 800 con nhưng hộ chăn nuôi này không xây dựng hệ thống thu gom, xử lý phân, nước thải đảm bảo vệ sinh môi trường. Tất cả chất thải phát sinh trong quá trình chăn nuôi đều thải trực tiếp ra môi trường, khiến môi trường nước và không khí bị ô nhiễm nghiêm trọng.

“Lượng vịt nuôi quá nhiều, hàng ngày nước thải và phân thải ra khiến môi trường bị ô nhiễm nặng nề. Nhiều bữa nhà tôi đang ăn cơm, mùi hôi tanh bốc lên, đành bỏ bữa giữa chừng. Những lúc nhà có khách ở nơi khác tới, họ không chịu được mùi hôi thối làm mình cảm thấy ái ngại”, Ông H. một người dân ở gần cơ sở chăn nuôi vịt phàn nàn.

Trại vịt nằm trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường khiến người dân bức xúc

Theo người dân nơi đây cho biết, trại vịt của ông Tý có diện tích khoảng 400m2, nằm trong khu dân cư, cách các hộ dân bên cạnh chỉ 5-6m và sát cạnh hàng rào của trường THCS Quỳnh Hưng. Theo quy định là không được chăn nuôi trong khu dân cư tập trung, trại vịt của ông Tý đã vi phạm khoảng cách tối thiểu từ cơ sở chăn nuôi đến khu dân cư. Bên cạnh đó, trại vịt này còn vi phạm về về luật môi trường, quy định về mục đích sử dụng đất.

“Hộ ông Tý nuôi nhốt hàng trăm con vịt mà ông Tý có ở đây đâu, nhà ông ở chỗ khác, hàng ngày ông chỉ đến cho vịt ăn rồi về, nên làm gì ông phải chịu đựng cảnh sống trong môi trường bị ô nhiễm không khí nặng nề, bởi lượng lớn chất thải của gia cầm thải ra mỗi ngày. Đề nghị chính quyền địa phương sớm yêu cầu hộ ông Tý di dời trại ra khỏi khu dân cư và trường học, nhằm trả lại môi trường trong sạch cho trường học và khu dân cư chúng tôi”, nhiều người dân nơi đây bức xúc nói.

Không thể để cái sai kéo dài

Căn cứ Điều 12 Luật Chăn nuôi 2018 thì pháp luật nghiêm cấm chăn nuôi trong khu vực không được phép chăn nuôi của khu dân cư.

Căn cứ Điều 24 Nghị định 14/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi có quy định: Hành vi chăn nuôi tại khu vực không được phép chăn nuôi sẽ bị xử phạt với mức phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng ngoài ra người vi phạm còn bị buộc di dời vật nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi.

Để trại vịt gây ô nhiễm trong những năm qua, phải chăng do xã làm chưa nghiêm túc, chưa quyết liệt, chưa hết trách nhiệm hay có sự dung túng, bao che?

Quy định là vậy nhưng ông Trần Bình Trọng, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) lại cho rằng: "Xã không thể bắt chủ cơ sở chăn nuôi vịt không được nuôi, mà chỉ vận động họ thôi"; dù vị này cũng đã thừa nhận là người dân có phản ánh về trại vịt bốc mùi hôi, chính quyền xã đã xuống làm việc với hộ gia đình ông Tý.

"Ông Tý có mua đất khu đó nhưng ông chưa ra ở mà dùng để chăn nuôi vịt. Xã cũng biết, trại vịt của ông Tý có gây ảnh hưởng mùi hôi thối cho một số hộ gia đình ở xung quanh và nhà trường. Vì trại chỉ cách nhà dân gần nhất có 5m nên mỗi khi gió nồm lên là mùi hôi thối bốc thẳng vào nhà bên cạnh.

Phó Chủ tịch và địa chính môi trường xã đã có xuống làm việc với ông Tý, để vận động ông di dời trại vịt ra ngoài khu dân cư nhưng ông Tý không đồng ý, và ông bảo để ông mua chế phẩm sinh học về lót chống mùi hôi thối, rồi giảm đàn dần", ông Trọng nói.

Theo Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng, vì trại vịt bốc mùi hôi thối nên mấy hộ dân trong khu dân cư cũng có đề nghị, cách trại vịt của ông Tý ít trăm mét đang có ao nuôi vịt của ông Tâm ở phía trên, nhưng ông Tâm không nuôi nữa, giờ họ sẽ đàm phán với ông Tâm để chuyển nhượng lại chỗ nuôi vịt đó cho ông Tý di dời ra chăn nuôi nhưng ông Tý vẫn không chịu di dời ra.

Trả lời câu hỏi của PV, nếu xã vận động mà ông Tý không di dời ra thì có biện pháp gì không, vị Chủ tịch xã lại cho rằng: "Cái này xã khẳng định là chỉ vận động thôi, chứ xã không thể bắt xử lý được, không thể cưỡng chế ông Tý được".

Chính quyền phải kiên quyết xử lý dứt điểm, không thể để cái sai kéo dài gây bức xúc dư luận

Thế nhưng, theo một vị lãnh đạo quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường cho biết: Căn cứ Điều 5 Thông tư 23/2019/TT-BNNPTNT và Điều 1 Quyết định 06/QĐ-BNN-CN năm 2020 về khoảng cách chăn nuôi; và Theo Khoản 2 Điều 21 Nghị định 13/2020/NĐ-CP thì khoảng cách tối thiểu từ trang trại chăn nuôi đến khu dân cư với quy mô lớn từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên, đối với trại vịt của ông Tý cách nhà hộ dân chỉ có 5 mét rõ ràng là chưa được đảm bảo.

Bên cạnh đó, quy định là không được chăn nuôi trong khu dân cư tập trung. Căn cứ vào các quy định, rõ ràng hộ gia đình ông Tý đã sai và không được phép chăn nuôi. Trong trường hợp trên, thẩm quyền của xã được phép xử lý theo quy định theo từng bước: Tuyên truyền vận động, đình chỉ, bắt tháo dỡ và di dời ra khỏi khu dân cư. Ngoài ra, còn được xử lý thêm Luật môi trường, đất đai. Trường hợp chăn nuôi này, ông Tý còn sử dụng sai mục đích đất nữa.

"Với nội dung trên là sai rõ ràng, cấp xã đủ thẩm quyền để xử lý dứt điểm, chẳng qua là xã không muốn làm thôi. Xã xuống làm rõ với hộ dân để tuyên truyền cho họ nắm rõ những chủ trương, chính sách của Nhà nước, đây là khu dân cư, khoảng cách không đảm bảo để chăn nuôi, làm ảnh hưởng đến môi trường. Xã vận động 2-3 lần mà họ vẫn không chấp hành thì áp dụng biện pháp mạnh như: xử phạt, đình chỉ, bắt tháo dỡ. Trong quá trình xử lý nếu thấy vượt thẩm quyền thì báo cáo huyện để xử lý dứt điểm", vị lãnh đạo này cho biết.

Dư luận đặt câu hỏi: Tại sao cả hệ thống chính quyền địa phương với đầy đủ ban bệ, công cụ pháp luật trong tay lại không xử lý nổi một hộ cá nhân vi phạm rõ ràng như vậy? Nguyên nhân phải chăng do xã làm chưa nghiêm túc, chưa quyết liệt, chưa hết trách nhiệm hay có sự dung túng, bao che?

Thiết nghĩ, cơ sở chăn nuôi vịt của hộ gia đình ông Đinh Văn Tý nằm trong khu dân cư, bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân là đã vi phạm các quy định trong chăn nuôi. Chính quyền phải kiên quyết xử lý dứt điểm, không thể để cái sai kéo dài gây bức xúc dư luận.

Tác giả: Trần Phong

Nguồn tin: congluan.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP