"Má đi làm có mệt không?"
Chúng tôi tìm đến thị trấn Vũng Liêm (huyện Vĩnh Liêm, tỉnh Vĩnh Long) để tìm gặp bà Trần Mỹ Hoa, 63 tuổi.
Đó là một căn nhà nửa lợp lá, nửa lợp tôn. Vỏ chai, bịch nhựa, đồ nhôm..., số phế liệu này được dồn thành đống chiếm trọn hết gian nhà.
Bước qua những đống phế liệu đó, chúng tôi vào đến bên trong. Một chiếc cũi sắt khá lớn kê sát vách. Bên trong cũi, một cô gái đang ngủ.
"Nó là con gái út của tôi. Cháu là Nguyễn Thị Hồng Mai, 21 tuổi", bà Hoa nói với chúng tôi.
Theo bà Hoa, Mai bị tâm thần ngay từ khi lọt lòng mẹ. Hơn 5 tháng tuổi, Mai bị co giật. Bà Hoa chạy chữa cho con nhiều nơi nhưng không có kết quả. Càng lớn, Mai vẫn không nhận thức được điều gì cả, chỉ khi đói thì đòi ăn, khát đòi uống...
Bà kể: "Khi cháu được 5 tuổi, tôi đi mua phế liệu và mang cháu theo. Có lần ra chợ, Mai đi dọc quanh chợ rồi lẻn ra bờ sông Vũng Liêm. Cháu rơi xuống sông và được bà con chung quanh vớt lên. Từ đó, tôi phải xích con lại bằng sợi xích.
Càng ngày Mai càng lớn, nhiều lần vụt chạy vướng sợi xích té ngã. Nếu không có sợi xích không biết cháu còn đi đến đâu và hậu quả sẽ ra sao. 4 tháng trước, nhờ một số công trình xung quanh cho ít sắt vụn, tôi mới nhờ thợ hàn làm cho chiếc cũi sắt này.
Vậy mà cũng khó lắm mới nhốt được con. Ban ngày Mai nằm trong cũi. Đồ ăn, nước uống tôi để bên ngoài, cháu chỉ cần đưa tay ra là lấy được. Bên trong có sẵn dụng cụ để cháu có thể tự đi vệ sinh. Ban đêm tôi cho Mai ra ngoài ngủ với tôi".
Người đàn bà khốn khổ kể tiếp: "Tôi đi mua phế liệu khắp nơi nhưng cứ 3 - 4 giờ là ghé về thăm con một lần. Mỗi lần về, thấy tôi Mai mừng lắm. Cháu nhìn tôi rồi nói: "Má đi làm có mệt không?".
Nghe con nói mà tôi nhói cả lòng. Mai chỉ nói được với tôi một câu đó thôi, rồi bắt đầu la hét, đập phá. Anh xem cái cũi sắt này mà cháu phá muốn bung ra hết rồi".
Câu chuyện đến đây phải tạm dừng. Cô gái trong cũi đã thức giấc, đứng lên nhìn mẹ. "Má đi làm về rồi hả? Mệt không má?", hai tay nắm song sắt, cô gái nhìn bà với đôi mắt ám ảnh.
"Có lẽ lâu lắm rồi mới thấy Mai biểu lộ chút tình cảm với mẹ", bà nói với chúng tôi.
Một đời bươn chải
Bà vào trong bếp lấy ra một chén cơm và thức ăn. Chưa kịp đưa, cô gái đã la hét ầm ĩ.
Đã quá quen với cảnh này nên tôi không thấy bà có chút biểu lộ gì trên nét mặt. Cuối cùng cô gái ngồi phịch xuống, thò tay ra ngoài song sắt với lấy chén cơm.
Lúc này tôi mới nhìn kỹ. Mai có làn da trắng, cao, gương mặt thất thần và đôi mắt vô hồn. Vừa ăn cô vừa nhìn ngơ ngơ ngác ngác nhìn vào một nơi vô định.
Người mẹ tiếp tục kể: "Sợ nhất là mỗi lần con bị động kinh. Mai co giật, ngã xuống đất và sùi bọt mép. Từ 5 tháng tuổi đến giờ đều như vậy nên mỗi lần Mai bị động kinh là tôi lo lắm.
Ngay trong cũi sắt này, khi lên cơn Mai còn làm văng cả bô. Người cháu dính đầy chất thải, tôi phải tắm rửa rất vất vả. Nhưng con mình vậy, biết làm sao bây giờ?".
Những muỗng cơm được đưa vào miệng một cách ngon lành. Như đang còn thòm thèm, cô gái cười với mẹ.
Bà Hoa sống với nghề thu mua phế liệu từ lúc còn nhỏ. Bà làm phụ giúp gia đình cho đến năm 36 tuổi mới lấy chồng. Sau khi sinh được 3 cô con gái, chồng bà bị tai biến nằm một chỗ suốt 7 năm. Trong suốt 7 năm đó, một tay bà lo cho con tâm thần, lo cho chồng bị bệnh. Rồi ông mất...
Giờ đây, ngoài những lúc đi mua phế liệu, bà còn đi nhặt ve chai ở khắp nơi. Thứ gì bán được là bà nhặt, dồn thành đống rồi phân loại.
Cũng may, vợ chồng con gái lớn có vựa phế liệu nên bà có hàng thường đem về bán cho con rể. Cũng nhờ thế mà người phụ nữ này có đồng ra đồng vào.
Bà nói: "Hai con gái lớn rất có hiếu thường xuyên giúp đỡ tôi trong mọi việc. Nhờ vậy, tôi có điều kiện để nuôi đứa con bệnh tật. Giờ hai mẹ con chỉ còn lại căn nhà nguy cơ sập, biết bao giờ mới có điều kiện sửa sang?".
Nhìn con rồi nhìn lại mái nhà, bà rơi nước mắt từ lúc nào không hay...
Tác giả bài viết: Trần Chánh Nghĩa
Nguồn tin: