Đập Khe Ngang được đầu tư hơn 14 tỷ đồng nhưng khó khăn trong việc tích nước. Nhiều hạng mục có dấu hiệu xuống cấp. |
Chứng kiến con đập Khe Ngang bị bồi lắng, đáy đập cạn nước, không ai nghĩ rằng, 9 năm trước, đây là một công trình đã tiêu tốn hơn 14 tỷ đồng của Nhà nước. Thời điểm xây dựng, người dân xóm Sơn Lĩnh 2, xã Thanh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An rất vui mừng, phấn khởi. Bởi, mục đích của dự án là để tích nước tưới cho hàng chục héc ta ruộng 2 vụ lúa ở 3 xóm của xã Thanh Lâm.
Tuy nhiên, sau 3 năm đi vào vận hành, cuối năm 2015, công trình đập Khe Ngang bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng, khiến việc tích nước rất khó khăn.
Cụ thể, hệ thống lá chắn, xả nước của van đập bị hỏng khiến việc tích và xả nước không thực hiện được. Không những vậy, đến nay lượng đất đá theo dòng chảy đổ dồn xuống chân đập, bồi lấp khiến miệng cống bị bịt kín, nước không thể chảy vào đường ống để đổ ra đồng. Thậm chí, đáy của con đập bị rò nước nên khả năng tích, dự trữ nước bị hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Thắng - người dân sống gần con đập Khe Ngang xót xa: Sau khi xây dựng xong, 2 năm đầu đập có tác dụng tích nước, tưới tiêu. Nhưng rồi, từ cuối năm 2015 đến nay, con đập không thể tích nước, họa chăng chỉ có mùa mưa lũ do chảy không kịp nên đọng lại, tuy nhiên hết mưa lại “trơ” đáy.
Thậm chí, theo người dân nơi đây cho biết, trước khi con đập được xây dựng, lượng nước tự chảy từ trong lòng suối vẫn đảm bảo tưới cho khoảng 30-40% diện tích lúa.
Nhưng khi có đập, mương dẫn nước ra đồng từ con suối này bị chặn lại. Không những vậy, khi đập không còn tích được nước, đường ống này trở nên vô dụng và lượng nước tự chảy cũng không còn tận dụng được như trước.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm, cho rằng: Đập Khe Ngang thuộc loại đập nhỏ, tầm 70 nghìn mét khối. Tuy nhiên, do 2 bên đập là vách đá, nên đập bị rò rỉ nước, dẫn đến lượng nước trong đập khó tích trữ.
“Nếu tích được một tuần, thì chỉ tưới tiêu được 1 ngày là hết nước. Trong khi đó, van nước lại nằm sâu phía dưới, thường xuyên bị bồi lấp, khiến việc tích nước càng khó khăn” - ông Thanh cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thế Cường, Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng, UBND huyện Thanh Chương phản bác lại ý kiến người dân cũng như vị Chủ tịch UBND xã Thanh Lâm: “Đập vẫn tích nước bình thường, tuy nhiên do hệ thống van xả nằm sâu, nên thường bị bồi lấp, chứ không có chuyện đập không tích được nước”?.
Tác giả: ĐIỀN BẮC
Nguồn tin: Báo Đại Đoàn Kết