Nói về các tài năng bóng đá, gần như không đâu bằng xứ Nghệ. Thế nhưng, câu chuyện bây giờ không còn như trước, khi “lò” Sông Lam chịu sự cạnh tranh gay gắt của nhiều “lò” đào tạo khác. Điều đáng nói, “cuộc chiến” giành giật cầu thủ trẻ diễn ra trên chính “sân nhà” của SLNA.
Bóng đá trẻ SLNA đang mất dần sức mạnh của mình. Ảnh: Trung Trần
Ngoài việc nhiều trung tâm đào tạo trẻ về tận các phường xã của xứ Nghệ săn cầu thủ, thì theo chia sẻ của các quan chức xứ Nghệ, cứ sau mỗi giải bóng đá do SLNA hoặc các đơn vị nào đó ở Nghệ An tổ chức, cầu thủ nào nổi lên là y như rằng, có người tiếp cận để vận động gia đình ký hợp đồng.
Đơn cử như Giải bóng đá thiếu niên, nhi đồng cúp Báo Nghệ An chẳng hạn, giải năm nào cũng có sự xuất hiện của tuyển trạch viên của các “lò” đào tạo khác và sau giải, “Cầu thủ xuất sắc nhất” và “Vua phá lưới” gần như đều được chào mời và đưa đi cả.
Bóng đá chuyển dần sang chuyên nghiệp và đào tạo trẻ giữa các đội bóng cũng có sự cạnh tranh gay gắt. SLNA là đội bóng nhà nghèo nên chuyện thất thế là khó tránh khỏi.
Chuyện “chảy máu” cầu thủ trẻ cũng có nguyên nhân sâu xa từ việc, “lò” Sông Lam thua thiệt về tiền bạc, bị các đối thủ qua mặt ngay tại chính mảnh đất xứ Nghệ.
Chế độ dinh dưỡng của "lò" Sông Lam kém xa so với các "lò" đào tạo khác
Chuyện tiền bạc còn ảnh hưởng đến những vấn đề khác như chế độ dinh dưỡng, nhà ở và chế độ dinh dưỡng cho các VĐV. Chưa kể, những người tâm huyết với công tác đạo tạo trẻ địa phương cũng nhận được thù lao rất rẻ mạt.
Theo tìm hiểu của phóng viên, tình trạng thiếu chỗ ở đang diễn ra nhiều năm nay ở “lò” Sông Lam. Nhiều VĐV phải ở ghép, thậm chí CLB phải ngăn hội trường, làm chỗ ở cho các cầu thủ.
Dù đã rất nỗ lực nhưng so với các “lò” đào tạo trẻ khác, SLNA vẫn còn thua thiệt rất nhiều. Đơn cử như chế độ dinh dưỡng, mỗi cầu thủ trẻ xứ Nghệ chỉ được 90.000 đồng/ngày, bằng 1 nửa so với các đội bóng khác.
Tương tự, lương các thầy thuộc biên chế đào tạo trẻ nơi đây, cũng chỉ được nhận khoảng 6-8 triệu đồng/tháng, trong khi ở các “lò” đạo tạo trẻ khác như Viettel hay VPF là 20 đến 30 triệu đồng/tháng.
Thua thiệt về cơ chế tiền bạc nên UBND tỉnh Nghệ An cũng chỉ giao chỉ tiêu 1 HCB, 1 HCĐ cho “lò” Sông Lam trong một năm. Tất nhiên, chỉ tiêu như vậy là không tương xứng với một “lò” Sông Lam lừng danh năm nào.
Nhưng nếu là người trong cuộc và hiểu cơ chế đầu tư cho đội bóng, thì việc hoàn thành chỉ tiêu trên cũng đã là thành công.
Năm 2015, ngoài chiếc HCB của U.13 thì U.17 cũng đưa về cho “lò” Sông Lam 1 HCĐ. Đó cũng là sự nỗ lực lớn trong bối cảnh, SLNA chỉ có mức đầu tư bằng 1 phần nhỏ của các đội bóng khác.
Mời độc giả đón đọc kỳ 3: "Hướng đi nào cho "lò" Sông Lam" vào 10h00 ngày 28/7
Tác giả bài viết: Lâm Vũ