Thế giới

Đam mê phẫu thuật của Thủ tướng 'quốc gia hạnh phúc nhất thế giới'

Cứ vào cuối tuần, Thủ tướng Bhutan lại đến bệnh viện chữa trị cho người dân, coi đây là cách để ông "giải tỏa căng thẳng".

Thủ tướng Lotay Tshering tại bệnh viện ở thủ đô Thimphu. Ảnh: AFP.

Vào một ngày thứ 7 ở Bhutan, ông Lotay Tshering vừa hoàn thành ca phẫu thuật bàng quang cho bệnh nhân tại bệnh viện quốc gia Jigme Dorji Wangchuck. Nhưng Tshering không phải bác sĩ bình thường. Các ngày còn lại trong tuần, ông là Thủ tướng Bhutan, quốc gia hạnh phúc nhất thế giới nằm bên dãy Himalaya nổi tiếng với khái niệm "tổng hạnh phúc quốc dân" (GNH) với ý nghĩa rằng họ đo sự thịnh vượng của đất nước dựa trên mức độ hạnh phúc của người dân, không phải dựa trên chỉ số quen thuộc "tổng sản phẩm quốc nội" (GDP).

"Với tôi, đó là cách để giảm căng thẳng", Thủ tướng Tshering, người mới đắc cử hồi năm ngoái, lý giải về công việc cuối tuần của mình tại bệnh viện. "Nhiều người thích chơi golf, bắn cung còn tôi lại thích phẫu thuật. Tôi thường dành cả dịp cuối tuần ở đây".

Không ai tại bệnh viện quá để ý tới Thủ tướng Tshering khi ông mặc chiếc áo blouse đã bạc màu, đi đôi sục khắp các hành lang đông đúc. Các bác sĩ, y tá khác vẫn tiếp tục công việc của họ như bình thường.

Bhutan là một quốc gia vô cùng đặc biệt với chỉ số GNH khiến cả thế giới chú ý. Người dân Bhutan hạnh phúc có lẽ bởi họ luôn được sống trong một môi trường trong lành. Bhutan có lượng xả thải CO2 ở mức âm và hiến pháp nước này quy định phải duy trì 60% lãnh thổ là rừng.

Bhutan cũng nổi tiếng với hình thức du lịch sinh thái. Tại thủ đô Thimphu, không có đèn giao thông và thuốc lá bị cấm bán hoàn toàn. Mãi đến năm 1999, chính quyền Bhutan mới cho phép người dân có TV.

Dù vậy, Bhutan cũng có những vấn đề riêng, như tham nhũng, đói nghèo ở nông thôn, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ cao...

Thủ tướng Tshering, người từng du học ở Bangladesh, Nhật Bản, Australia và Mỹ, bắt đầu sự nghiệp chính trị từ năm 2013, song đảng của ông đã không thể giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm đó. Tuy vậy, ông luôn được coi là một trong những bác sĩ giỏi nhất đất nước.

Thủ tướng Tshering hỏi thăm sức khỏe của một bệnh nhân tại bệnh viện quốc gia Jigme Dorji Wangchuck. Ảnh: AFP.

Nhà vua Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck sau đó đã yêu cầu ông dẫn đầu một đội bác sĩ tới những vùng hẻo lánh của đất nước để chữa bệnh miễn phí cho người nghèo.

Giờ đây, với cương vị Thủ tướng, ông dành các ngày thứ 7 để làm việc tại bệnh viện. Sáng thứ 5 hàng tuần, ông chia sẻ kinh nghiệm y khoa với các bác sĩ khác và thực tập sinh. Riêng Chủ nhật, ông dành thời gian cho gia đình.

Tại văn phòng Thủ tướng, ông luôn treo chiếc áo bác sĩ ở phía sau ghế ngồi. Theo Thủ tướng Tshering, điều đó giúp ông nhắc nhở bản thân về mục tiêu tập trung vào y tế cho người dân.

Tại bệnh viện, bệnh nhân của Thủ tướng Tshering, một người đàn ông 40 tuổi tên Bumthap vừa trải qua ca phẫu thuật bàng quang kéo dài 5 tiếng, cho biết ông rất hài lòng với kết quả.

"Khi tôi được chính Thủ tướng, người mệnh danh là bác sĩ giỏi nhất đất nước, phẫu thuật, tôi cảm thấy nhẹ cả người", Bumthap nói.

Thủ tướng Tshering cho hay làm chính trị cũng có những nét tương đồng với việc làm bác sĩ. "Ở bệnh viện, tôi khám và chữa cho bệnh nhân. Trong chính phủ, tôi khám sức khỏe của những chính sách và cố gắng khiến chúng tốt hơn", ông nói.

Chia sẻ về đam mê chữa bệnh của mình, Thủ tướng Tshering cho biết mỗi ngày không được tới bệnh viện làm việc, ông đều cảm thấy nhớ. "Tôi sẽ tiếp tục làm công việc này cho tới khi nhắm mắt xuôi tay", ông quả quyết.

Tác giả: Vũ Hoàng

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP