Hội thảo “Sắp xếp mạng lưới giáo dục đào tạo trong bối cảnh tự chủ đại học và hội nhập quốc tế đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong các thập niên đầu thế kỷ XXI” do Hiệp hội các trường đại học-cao đẳng Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ban Tuyên giáo Trung ương, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội ngày 12-6.
Hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn đang thiếu vắng các trường đại học đa ngành thật sự. Ảnh minh họa |
Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, giáo dục đại học (ĐH) là đầu tàu trong công cuộc đào tạo nguồn nhân lực có trí tuệ, năng lực, sáng tạo cho nền kinh tế và xã hội. Tuy vậy, Việt Nam vẫn còn lúng túng trong việc chọn mô hình thích hợp và cách ứng dụng hợp lý để phát triển.
Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu về giáo dục ĐH của Hoa Kỳ, ông Trần Đức Chính,Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đã đưa ra những gợi ý cho mô hình giáo dục ĐH Việt Nam giai đoạn 2020-2045. Theo ông Chính, ước tính dân số Việt Nam năm 2045 là 135 triệu người, tăng 39% so với dân số hiện nay, trong đó có 63% nằm trong độ tuổi lao động từ 18 đến 60 tuổi, tương đương 85.092.000 triệu người. Tỷ lệ tham gia lao động là 58.34% tương đương 78.907.500 người.
Để đạt mục tiêu giảm số lao động không qua đào tạo, phần lớn lao động vùng nông thôn, từ 53.24% xuống còn 25%; tăng số lượng người có trình độ ĐH, thạc sĩ, tiến sĩ và lao động chuyên môn có trình độ cao, cần thiết phải tái cấu trúc hệ thống các trường ĐH-CĐ. Cụ thể, sẽ chủ trương tập hợp số lớn ĐH công chuyên ngành thành đa ngành, giảm số ĐH công xuống còn khoảng 162 trường nhằm quản lý và phân phối nguồn lực hiệu quả.
Tiến hành sáp nhập phần lớn các trung tâm, viện nghiên cứu, bệnh viện với đại học, giúp bổ sung năng lực nghiên cứu và giảng dạy cần thiết.
Trong đó, nhóm ĐH-CĐ công sẽ chia thành 4 nhóm gồm ĐH nghiên cứu với 17 trường; ĐH nghiên cứu và giảng dạy 65 trường; ĐH 4 năm 80 trường, ĐH 2 năm 90 trường CĐ. Với hệ thống các trường ĐH ngoài công lập, sẽ tái cơ cấu theo hướng còn khoảng 5 trường ĐH nghiên cứu, ĐH 4 năm 140 trường, ĐH 2 năm với 260 trường CĐ. Với mô hình này, trung bình ĐH nghiên cứu có 20.000 sinh viên, ĐH vùng và ĐH 4 năm có 10.000 sinh viên và ĐH 2 năm (CĐ) có 5.000 sinh viên.
Viện dẫn con số về công bố quốc tế trên các tạp chí ISI của toàn bộ hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam trong 11 năm gần đây, thấp hơn 1 trường ĐH của Singapore, GS.TS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng ĐH Tôn Đức Thắng cho rằng: Phải sáp nhập sớm các ĐH nhỏ, ĐH đơn ngành vào để thành ĐH lớn và đa ngành nhằm tối ưu hóa nguồn lực xã hội đã đầu tư; và nhất là xóa được tình trạng manh mún, phân tán và yếu kém nhân lực có trình độ quốc tế như hiện nay ở nhiều ĐH; tăng cường tính hợp tác liên ngành để tăng trưởng chất lượng giáo dục và khoa học, công nghệ.
GS Lâm Quang Thiệp, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo số liệu nghiên cứu về xếp hạng chất lượng ĐH thế giới (ARWU) do Đại học Thượng Hải triển khai năm 2018, trong tốp 100 trường ĐH tốt nhất thế giới, Hoa Kỳ dẫn đầu với 46 trường, tiếp theo là Anh với 8 trường, Úc 6 trường, Thụy Sĩ 5 trường và Nga 1 trường. Riêng trong tốp 1.000 trường ĐH thế giới, Việt Nam vẫn chưa lọt vào tốp này. Theo ông Thiệp, có hai nguyên nhân dẫn đến kết quả trên. Một là Việt Nam đang tách rời giữa hệ thống các trường ĐH và các viện nghiên cứu lớn. Hai là hiện Việt Nam không có trường ĐH nào theo mô hình ĐH đa lĩnh vực thực sự.
GS Lâm Quang Thiệp cho rằng, muốn giảm bớt những cản trở để có các trường ĐH đẳng cấp thế giới, Việt Nam cần thay đổi hệ thống giáo dục ĐH và nghiên cứu, điều chỉnh các mô hình ĐH để có các đại học đa lĩnh vực thật sự. Các điều chỉnh này liên quan đến toàn hệ thống, và trước hết liên quan đến các trường ĐH hàng đầu. Tuy nhiên, với tính bảo thủ nặng nề của hệ thống, quá trình thay đổi này không đơn giản, việc thay đổi chỉ có thể thành công nếu có quyết tâm mạnh mẽ ở các cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước.
Tác giả: Huyền Thanh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân