CĐ bất thường năm 2019 của Công ty Cao Su Sao Vàng vừa thông qua việc bầu ông Phạm Hoành Sơn vào thành viên HĐQT công ty này nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Trước đó, ngày 28/12, SRC cũng đã công bố thông tin quyết định về việc ông Lâm Thái Dương thôi giữ chức Chủ tịch HĐQT kể từ 28/12, ông Phạm Hoành Sơn thay thế làm Chủ tịch HĐQT của SRC.
Ông Phạm Hoành Sơn, tân Chủ tịch HĐQT Cao Su Sao Vàng. |
Ông Phạm Hoành Sơn sinh năm 1972, được biết đến là người sáng lập Tập đoàn Hoành Sơn (Hà Tĩnh) từ năm 2001, là đại gia nổi tiếng tại Hà Tĩnh hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực thương mại, xây dựng, khoáng sản, đầu tư cảng biển... Tại tập đoàn Hoành Sơn, ông Sơn nắm phần lớn cổ phần.
Theo chia sẻ của ông Sơn với báo chí, những năm 90 ông đã cùng mẹ làm đại lý phân bón nhỏ lẻ. Nhưng sau đó với cái duyên làm kinh doanh ông Sơn đã không ngừng phát triển kinh doanh phân bón. Vì thế, ban đầu tập đoàn Hoành Sơn khởi nghiệp từ lĩnh vực phân phối phân bón, sau này mở rộng ra khắp các tỉnh miền Trung.
Từ một doanh nghiệp chỉ có 10 nhân viên, doanh thu vài trăm triệu đồng/năm, đến nay quy mô vốn Hoành Sơn đã lên tới 25.000 tỷ đồng.
Từ năm 2016 đến nay Hoành Sơn liên tục đầu tư mạnh vào lĩnh vực hạ tầng, bất động sản. Trong đó có việc thâu tóm nắm quyền chi phối khi bỏ ra 460 tỷ đồng sở hữu 46 triệu cổ phần. Ông chủ Hoành Sơn sau đó được bầu làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Cảng Phước An.
Tháng 10/2016, Hoành Sơn đã khởi công xây dựng cảng tổng hợp quốc tế, thuộc Cảng Vũng Áng, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2017. Dự án có tổng mức đầu tư 1.489 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích 16,1 ha…
Công ty Cao Su Sao Vàng sở hữu "đất vàng" ở đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội. |
Lại nói về công ty Cao Su Sao Vàng, tháng 6/2019, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đã giảm tỷ lệ sở hữu tại đây từ 51% xuống 36% sau khi bán đấu giá thành công hơn 4,2 triệu cổ phiếu SRC. Bên mua là nhóm cổ đông liên quan đến Tập đoàn Hoành Sơn do ông ông Phạm Hoành Sơn làm Chủ tịch.
Bản công bố thông tin trước đợt thoái vốn của Vinachem hồi đầu tháng 6 năm nay cho biết, SRC có quỹ đất sản xuất kinh doanh, thương mại, khu công nghiệp khá lớn tại nhiều vị trí đắc địa. Đáng chú ý nhất là khu đất 2.438 m2 tại số 231 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
Với đất trả tiền thuê hàng năm, SRC đang sở hữu 31.644 m2 tại TP Thái Bình; 84.735 m2 tại 3 khu vực thuộc TP Phúc Yên, Vĩnh Phúc; 2.699 m2 tại quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Với đất trả tiền một lần, SRC có 43 m2 làm văn phòng tại quận 1, TP HCM; 2.475 m2 tại huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng.
Ngoài ra, SRC còn 212.538 m2 đất khu công nghiệp tại Khu công nghiệp Châu Sơn, Hà Nam. Đây là lô được SRC ký hợp đồng thuê với Công ty TNHH MTV VPID Hà Nam từ tháng 7/2016 trong thời gian 40 năm (2016 - 2056) để xây dựng nhà máy mới. Số tiền thuê đất (chưa thuế GTGT) vào khoảng 173,4 tỷ đồng.
Tác giả: Hiếu Nguyễn (Tổng hợp)
Nguồn tin: Báo Người đưa tin