Nhìn lại cuộc chiến đấu này, Báo Nghệ An đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Bùi Đức Tùng - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ An, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh và là người trực tiếp tham gia 56 ngày đêm trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Pháp đã tính toán sai lầm
P.V: Thưa Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, chiến thắng Điện Biên Phủ được xem là “cột mốc vàng” trong lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc ta và được ví như là “chiến thắng Bạch Đằng, Chi Lăng của thế kỷ 20”. Với riêng ông, nhớ đến Điện Biên Phủ, ông nhớ nhất điều gì?
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng: Tôi vừa làm xong một bài thơ viết về toàn bộ quá trình diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Thời gian đã lâu lắm rồi, nhưng tôi vẫn nhớ rất rõ từng chi tiết và nhớ từng kỷ niệm. Đó là những ngày mới lên Điện Biên Phủ, với chặng đường hành quân kéo dài hơn 1 tháng từ Phú Thọ lên Điện Biên Phủ, qua đèo, qua suối. Ngày nghỉ, đêm hành quân đầy khí thế.
Ở tuổi 92, Thiếu tướng Bùi Đức Tùng vẫn minh mẫn và nhớ rất rõ các sự kiện trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh: Mỹ Hà |
Kỷ niệm thứ 2, là cùng với anh em Sư đoàn 312 kéo pháo. Đơn vị chúng tôi lúc đó nhận được 1 khẩu pháo nhưng phải chia đến 3 bộ phận mới kéo được pháo lên. Trong đó, một bộ phận làm đường, một bộ phận ngụy trang, bộ phận còn lại làm nhiệm vụ kéo pháo. Khí thế của đội quân kéo pháo cũng đã được rất nhiều bài báo, bài hát tái hiện lại nhưng tôi nghĩ chưa phản ánh được hết tinh thần của anh em chiến sỹ ngày ấy. Lúc ấy, trời Tây Bắc khi mưa, khi tạnh nhưng anh em sợ nhất là trời mưa. Chỉ cần một cơn mưa rừng thì các chiến sĩ cố gắng kéo lắm cũng chưa được một cây số. Động lực lớn nhất của chúng tôi là cố gắng kéo pháo làm sao để nhanh được vào trận địa và mong có lệnh chiến đấu.
Với Điện Biên Phủ, tôi còn nhớ rất rõ sự kiện tổng công kích ngày 7/5/1954. Ở trận này, thế của ta như nước vỡ bờ, bộ đội của ta đánh tới đâu, quân lính lũ lượt kéo ra nộp vũ khí, giơ cờ trắng xin đầu hàng.
P.V: Những năm 50 của thế kỷ trước, theo đánh giá của giới quân sự Pháp và Mỹ thì Điện Biên Phủ nằm ở vị trí chiến lược quan trọng không những riêng đối với chiến trường Đông Dương mà còn đối với miền Đông Nam Á. Điện Biên Phủ cũng được ví là “cái bàn xoay” có thể xoay đi bốn phía Việt Nam - Lào - Miến Điện - Trung Quốc; đồng thời là “chìa khóa” để bảo vệ Thượng Lào. Còn với người lính trẻ như ông thời bấy giờ, ấn tượng đầu tiên là gì trong lần đầu đặt chân đến Điện Biên Phủ? Thời điểm đó, tương quan lực lượng giữa hai bên địch và ta như thế nào?
|
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng: 17 tuổi tôi đã tham gia cách mạng ở quê nhà. Sau năm 1945, tôi được điều động ra công tác, chiến đấu tại Liên khu 10 (sau này là quân khu Việt Bắc) nên trực tiếp tham gia rất nhiều chiến dịch trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, tôi cũng đã tham gia chiến dịch Tây Bắc nên thực tế Điện Biên Phủ với tôi không còn lạ lẫm.
Tuy vậy, thời điểm trở lại vào năm 1954, Điện Biên Phủ đã khác rất nhiều và là một vùng đất rộng lớn, trù phú, đời sống đồng bào các dân tộc nơi đây có nhiều khởi sắc. Đó cũng là lý do vì sao giặc Pháp rất muốn vào Điện Biên Phủ để nắm địa bàn chiến lược bởi Điện Biên Phủ chỉ cách Thượng Lào khoảng 200 km, cách căn cứ địa cách mạng của ta 300 km. Ý đồ của Pháp là nếu chiếm được Điện Biên Phủ - vùng trọng điểm của Tây Bắc thì sẽ giải quyết được toàn bộ chiến trường Đông Dương.
Chỉ có điều, trước khi lên Điện Biên Phủ, Pháp có nhiều tính toán sai lầm và nhanh chóng bị sa lầy, dù rằng Pháp liên tục đưa quân vào Điện Biên Phủ với hơn 16.000 quân. Chúng không lường được rằng, Tây Bắc là vùng tự do nên hậu cần, lương thực của chúng ta khá dễ dàng. Trong khi đó, hậu phương để tiếp tế của địch rất xa mà chủ yếu bằng đường bay nên rất khó khi chúng ta đã cắt đứt sân bay.
Chiến trường Điện Biên Phủ nay. Ảnh: P.V |
P.V: Chiến dịch Điện Biên Phủ kéo dài trong 56 ngày và được chia thành 3 đợt. Nhìn nhận một cách khách quan, ông thấy đợt nào là khó khăn nhất?
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng: Toàn bộ đợt 1 (từ 13 - 17/3/1954) chỉ kéo dài 3 ngày và ngay trong trận mở màn chúng ta đã có chiến thắng Him Lam rất vang dội. Nhưng đợt hai (từ 30/3 - 30/4/1954) đánh chiếm đồi A1 không hề dễ dàng và đó là đợt khó khăn nhất. Việc đánh đồi A1 rất vất vả bởi lúc đó, phía Nam đồi A1 là quân địch, phía Bắc đồi A1 là quân ta, cả hai bên cứ cò cưa kéo dài suốt 1 tháng trời và đánh đi đánh lại nhiều lần nhưng không giải quyết được. Sau này, để tiến công vào phòng ngự của địch, chúng ta phải áp dụng chiến thuật “vây lấn”, đào các giao thông hào tiếp cận dần vào các vị trí của địch, đánh lấn, đoạt dù tiếp tế, gây cho địch nhiều thiệt hại.
Nghệ thuật xòe Thái ở Mường Lay (Điện Biên). Ảnh: P.V |
Chúng ta luôn nắm thế chủ động
P.V: Nhiều năm qua, thế giới ngưỡng mộ và nói rất nhiều về nghệ thuật quân sự Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhưng, thời điểm năm 1954, khi chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” quả thực không dễ dàng và là “ một quyết định khó khăn”. Ngày ấy khi đón nhận thông tin này, các ông có nghĩ là chúng ta sẽ thành công? Và đâu là yếu tố quan trọng nhất để Điện Biên Phủ chiến thắng?
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng: Ngày còn tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi mới 27 tuổi và cấp bậc còn thấp nên không rõ phương án chỉ huy là thế nào, chỉ biết cấp trên chỉ đạo là “đánh nhanh, thắng nhanh”. Những ngày đầu, chúng tôi tích cực, hào hứng kéo pháo, chiếm lĩnh trận địa một phần cũng vì vậy.
Trong khí thế như vậy, nên vừa kéo được pháo vào lại nhận được lệnh lui quân và kéo pháo ra thì tư tưởng chiến sỹ đã có những trăn trở, phân vân như: “Tại sao không đánh”, “Có đánh nữa hay không?”... Nhưng, “quân lệnh như sơn” và dù hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn tin vào chiến thắng bởi muốn đánh chắc, thắng chắc thì phải chuẩn bị cho kỹ. Sau này đánh rồi mới biết, chính phương châm này rất sát thực, ít đổ máu và thắng giòn dã, tiêu diệt hoàn toàn. Còn “đánh nhanh, thắng nhanh” chưa chắc lại có kết quả tuyệt đối như vậy.
Những thước ảnh tư liệu về tinh thần chiến đấu và sự hy sinh của các chiến sỹ trong Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ 60 năm trước. Ảnh tư liệu |
P.V: Chiến dịch Điện Biên Phủ ghi dấu ấn rất lớn với hình ảnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bản thân ông, trong suốt quãng đời binh nghiệp của mình cũng đã không ít lần tiếp xúc với Đại tướng. Ông có thể chia sẻ những kỷ niệm của mình về Đại tướng Võ Nguyên Giáp?
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng: Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một người chỉ huy rất biết nắm bắt thời cơ, quyết đoán, điều này thể hiện rất rõ trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông cũng là người có tính toán, cân nhắc, có sự từng trải nên đã chỉ huy là “đánh thắng, đánh chắc, tiến chắc”. Sau này, khi tham gia đánh Mỹ rồi đến thời bình, tôi cũng đã tiếp xúc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp khá nhiều lần. Nhớ nhất là năm 1976, sau khi giải phóng Đà Nẵng, Đại tướng xuống thăm sư đoàn và tôi được gặp ông. Ấn tượng lớn nhất của tôi về Đại tướng là người thân thiện, rất thương bộ đội. Đại tướng cũng là người con rể của Nghệ An nên ông luôn có sự quan tâm đặc biệt với mảnh đất này, lần nào về thăm quê cũng luôn dặn dò cẩn thận, chân tình.
Mùa hoa ban nở ở Điện Biên Phủ.. Ảnh: Trần Duy Ngoãn |
P.V: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, hàng nghìn thanh niên của Nghệ An đã ra trận, cống hiến tuổi thanh xuân cho hòa bình, thống nhất non sông. Ông đánh giá như thế nào về vai trò của những người lính Nghệ An trong chiến dịch này?
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng: Đóng góp của con em Nghệ An đối với Điện Biên Phủ là rất lớn, kể cả bộ đội trực tiếp tham gia chiến đấu và lực lượng dân công hỏa tuyến. Ngày ấy, đi trên đường hành quân, gặp một đoàn xe hỏi “Ai đây, người nhà choa phải không?” là tiếng hô rầm rập, rầm rập. Điện Biên Phủ cũng ghi dấu ấn về những chiến công của người lính xứ Nghệ như anh hùng Phan Tư có sáng kiến làm bộc phá để thông tuyến, bảo đảm vận chuyển vũ khí phục vụ chiến dịch, là anh hùng Đặng Đình Hồ - người hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉ huy bộ đội mở cửa đánh vào đồi C và rất nhiều, rất nhiều những tấm gương kiên trung khác.
Tượng đài Chiến thắng Điện Biên Phủ và một số thước ảnh về Chiến dịch hào hùng này. Ảnh tư liệu |
Tôi cũng khẳng định, không chỉ riêng chiến dịch Điên Biên Phủ mà ở hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, đóng góp của người lính xứ Nghệ là rất lớn. Thậm chí thời đó, đơn vị nào nhận được lính Nghệ rất vui mừng bởi lính Nghệ cần cù, chịu khó, đoàn kết, dũng cảm và đặc biệt thông minh.
P.V: Xin cảm ơn Thiếu tướng!
Tác giả: Mỹ Hà
Nguồn tin: Báo Nghệ An