Thế giới

Cuộc đời ly kì của binh sĩ Mỹ chạy sang Triều Tiên

Charles Jenkins, cựu Trung sĩ Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên và trở thành tù nhân của Bình Nhưỡng trong gần 40 năm, vừa qua đời ở tuổi 77.

Cựu binh này sống ở Nhật cùng gia đình sau khi được Triều Tiên trả tự do vào năm 2004. Ông là một trong số 4 lính Mỹ đào tẩu sang Triều Tiên vào những năm 1960 và sau này trở thành một "ngôi sao" ở Triều Tiên. Charles Jenkins là người duy nhất trong số bốn lính Mỹ được trả tự do. Những người khác được cho là đã chết ở Triều Tiên. Trong đó bao gồm cả ông James Dresnok chết vì đột quỵ vào năm 2016.

Charles Jenkins qua đời trên đảo Sado hôm 11/12, nơi ông sống chung với người vợ tên là Hitomi Soga, vốn cũng là một cựu tù nhân của Triều Tiên. Truyền thông Nhật đưa tin, ông Jenkins gục xuống bên ngoài nhà sau đó chết vì bệnh tim trong viện. Vợ ông cho biết, bà hiện vẫn bất ngờ vì cái chết của chồng và không thể nghĩ về bất cứ điều gì, BBC đưa tin.

Ảnh: Reuters

Kế hoạch sai hướng

Ông Jenkins có cuộc đời ly kì nhưng đầy khó khăn ở Triều Tiên như ông từng kể trong vài cuộc phỏng vấn lẫn ghi trong hồi ký.

Năm 1965, khi đang làm nhiệm vụ tại Hàn Quốc, ở khu phi quân sự (DMZ), ông Jenkins quyết định bỏ đơn vị và chạy trốn sang Triều Tiên vì sợ bị chết khi đang đi tuần hoặc bị phái sang tham chiến ở Việt Nam. Jenkins nghĩ rằng một khi đã ở Triều Tiên, ông có thể xin tị nạn tại Đại sứ quán Nga rồi sau đó trở về Mỹ bằng cách trao đổi tù binh.

Vào một đêm tháng 1, Jenkins kể ông uống vài cốc bia, đi dọc DMZ và đầu hàng trước các binh sĩ Triều Tiên tại đây. Lúc đó, ông mới 24 tuổi. Tuy nhiên, Nga không cho ông lẫn những người Mỹ khác tị nạn. Thay vào đó, họ bị Triều Tiên giữ làm tù nhân. "Nghĩ lại, tôi thấy mình thật ngốc", ông Jenkins nói trong cuộc trả lời phỏng vấn của hãng CBS hồi năm 2005.

Jenkins và những người khác bị buộc dạy học ở Triều Tiên, làm các công việc biên dịch, dạy tiếng Anh. Ngoài ra, Jenkins và ba binh sĩ khác cũng trở thành "sao" khi diễn trong các bộ phim tuyên truyền của Triều Tiên với tư cách là những kẻ phương Tây hung đồ.

Điểm sáng trong cuộc đời tù nhân

Cựu binh Mỹ này cho hay, điểm sáng trong cuộc đời ông là gặp được bà Soga, một người Nhật bị các điệp viên Triều Tiên bắt cóc để dạy học. Năm 1980, bà Soga được đưa tới bên cạnh ông Jenkins và hai người bị ép kết hôn trong 2 tuần, cựu binh Mỹ này kể. Tuy nhiên, sau đó, hai người đã yêu nhau thật sự.

Trong cuốn hồi ký, ông Jenkins cho biết, mỗi tối trước khi lên giường, ông đều nói "oyasumi" (chúc ngủ ngon bằng tiếng Nhật) với vợ và bà Soga cũng đáp tương tự bằng tiếng Anh. "Chúng tôi làm như vậy để không bao giờ quên chúng tôi đang ở đâu và từ đâu tới", ông Jenkins viết.

Hai ông bà sinh được hai con gái, là Mika và Brinda. Theo ông Jenkins, vì là tù nhân ngoại quốc, họ được đối xử tốt hơn so với dân thường Triều Tiên. Họ được phát khẩu phần lương thực dù thời điểm những năm 1990, Triều Tiên đang bị nạn đói hoành hành.

Năm 2002, bà Soga được trả tự do sau khi Chính phủ Nhật thương thuyết với Bình Nhưỡng. Tiếp đó, hai năm sau, ông Jenkins và các con gái cũng được Triều Tiên trả tự do. Gia đình họ đã đoàn tụ tại Nhật. Tại Nhật, ông Jenkins đã ra đầu thú trước quân Mỹ, sau gần 4 thập niên đào tẩu và bị đưa ra tòa án binh. Ông bị giam 30 ngày và sau đó được thả.

Định cư ở Nhật

Gia đình ông Jenkins sau đó sống ở đảo Sado, quê hương của bà Soga và làm người chào đón khách tại một công viên. Tuy nhiên, ông Jenkins phải đối mặt với cú sốc văn hóa khi phải thích ứng với thế giới hiện đại, sau khi phải sống nhiều năm tại một đất nước lạc hậu.

Jenkins cho hay, ông chưa bao giờ được chạm tới máy tính, nói gì tới sử dụng internet. Ông cũng rất ngạc nhiên khi thấy nhiều phụ nữ phục vụ trong quân đội, cũng như thấy người da màu làm cảnh sát.

Tác giả: Hoài Linh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP