Kinh tế

Covid-19 tác động mạnh đến chuỗi cung ứng dịch vụ và thương mại điện tử

Dịch Covid-19 tác động mạnh tới chuỗi cung ứng Việt Nam, chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy thương mại điện tử, công cuộc số hóa toàn nền kinh tế.

Chưa bao giờ chuyển đổi số lại được nhắc tới và biến thành hành động thực tiễn nhiều như thời điểm này. Không chỉ giới doanh nhân, doanh nghiệp mà trong từng ngôi nhà, trở thành công việc thường ngày của mỗi cá nhân. Dịch Covid-19 đã và đang tác động mạnh, khẳng định chuyển đổi số là đòi hỏi không thể chậm trễ - từ thực tiễn kinh tế, xã hội.

Công ty cổ phần Express Thành Đạt (Hà Nội) có quy mô vừa, với 200 xe container, xe tải và ô tô thuộc nhiều chủng loại khác nhau, cung cấp các dịch vụ vận chuyển từ Bắc - Nam đang chịu tác động nhiều của dịch Covid-19.

Ông Phạm Trường Giang, Phó Giám đốc công ty cho biết: “Công ty là rất khó khăn. Bây giờ không cách ly xã hội, các doanh nghiệp hoạt động trở lại rồi thì chỉ đứt gãy ngắt quãng thôi nhưng sụt giảm mạnh về doanh thu trên dưới 50%”.

Dịch Covid-19 xảy ra đã tác động mạnh tới chuỗi cung ứng Việt Nam, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo ông Đào Trọng Khoa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistic, khó khăn khi đơn hàng ít và doanh thu giảm là các vấn đề doanh nghiệp đang phải đối mặt. Doanh nghiệp thời điểm này cần phải cơ cấu lại để thích nghi.

“Dịch Covid-19 xảy ra rất bất ngờ không chỉ ở Việt Nam mà trên phương diện toàn cầu, phải nói rất khó đón nhận và giải quyết nhưng cơ hội cũng có nảy ra. Lúc này là lúc các doanh nghiệp có cơ hội nhìn nhận lại nền tảng dịch vụ của mình và cải thiện nó để làm sao quá trình vận hành của dịch vụ có thể đáp ứng được với những tình huống bất khả kháng phát sinh bất ngờ như dịch bệnh mang lại. Logistics thương mại điện tử chẳng hạn lại đã phát triển được và khẳng định thương hiệu của mình” - ông Khoa nói.

Nhìn nhận từ thực tiễn khi không chỉ giới doanh nhân, doanh nghiệp mà trong từng ngôi nhà, từng người dân, ở đủ mọi lứa tuổi đều đang tiếp cận với công cuộc số hóa.

Ông Phí Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hội Tin học TPHCM cho biết: “Sự xuất hiện của Covid-19 có thể là cơ hội cho sự chuyển đổi của khối doanh nghiệp, không chỉ có ông chủ doanh nghiệp mà đã thay đổi nhận thức trên toàn xã hội. Việc làm việc online đã trở nên bình thường, đều có hiệu quả. Trước đây chung ta cứ nghi ngờ, ngần ngại, bây giờ thấy rõ được.

Việc giảm doanh thu và khó khăn trong doanh nghiệp là hiển hiện, thế nhưng từ đây, mọi người đã thay đổi tư duy là kết nối, chia sẻ thông tin, nghiệp vụ với nhau để hạn chế tiêu cực. Tôi cho rằng đã thay đổi nhận thức. Từ đây, các doanh nghiệp sẽ nhận ra và sẽ hướng tới các giải pháp công nghệ mới, giá thành hợp lý hơn”.

Ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho rằng: “Chuyển đổi số đã đến một cách rất tự nhiên, khẳng định đây là hướng đi bắt buộc. Những nếu để nó diễn ra bình thường sẽ rất chậm. Cần những cú huých. Các doanh nghiệp đã thấy hướng đi là phải thay đổi phương pháp làm việc, phương pháp lãnh đạo, mô hình kinh doanh, tiếp cận khách hàng. Quan trọng hơn những thay đổi đó phải đem lại giá trị và đem lại cơ hội mới ví dụ tìm kiếm được nhiều khách hàng hơn, cắt giảm chi phí hoặc tạo ra mối quan hệ mở rộng hơn với các đối tác toàn cầu”.

Dịch Covid-19 xảy ra đã tác động mạnh tới chuỗi cung ứng Việt Nam, chuỗi cung ứng toàn cầu. Thực tiễn cũng cho thấy, đây là thời cơ không chỉ đối với các doanh nhân - doanh nghiệp ngành logistics mà toàn xã hội cần thay đổi để thích ứng, thay đổi để thúc đẩy công cuộc số hóa toàn nền kinh tế./.

Tác giả: Thu Trang

Nguồn tin: Báo VOV

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP