Trong tỉnh

Công ty chè Nghệ An Đại hội cổ đông lần 1: Liệu có thay đổi?

Với việc ấn định tổ chức Đại hội cổ đông lần 1 trong ít ngày tới, liệu rằng nút thắt bùng nhùng tại Công ty chè Nghệ An đã được gỡ bỏ?

Sau Đại hội cổ đông lần thứ nhất, liệu rằng Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An sẽ khoác lên mình tấm áo mới? Ảnh: Tiến Phương.

Chín muồi hay chín ép

Sau hơn 5 năm loay hoay như gà mắc tóc với phương án cổ phần hóa, Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An rốt cuộc đã có thể ấn định thời hạn tổ chức Đại hội cổ đông lần thứ nhất, kế hoạch sẽ diễn ra từ ngày 27/12 – 30/12/2021.

Theo ghi nhận của Nông nghiệp Việt Nam, thực hiện Quyết định số 2306/QĐ-UBND ngày 6/7/2021 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Phương án cổ phần hóa cho Công ty chè Nghệ An, sau khi hoàn thành nội dung bán cổ phần, Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp đã trình Kế hoạch tổ chức Đại hội cổ đông lần thứ nhất.

Trên cơ sở này, UBND tỉnh đã phê duyệt Kế hoạch, giao Ban chỉ đạo phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu việc cử người đại diện phần vốn nhà nước, cơ cấu nhân sự Hội đồng quản trị , Ban kiểm soát tại doanh nghiệp.

Hay thực chất vẫn là bình mới rượu cũ? Ảnh: Việt Khánh.

Hội đồng quản trị có 3 người, gồm người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp (chiếm 51%), đại diện nhà đầu tư chiến lược (27,64%), đại diện số cổ đông còn lại là Công ty CP Cấp nước Nghệ An (chiếm 10,10%) và người lao động (11,26%). Đáng chú ý, trong 3 người thuộc thành phần Ban kiểm soát thì 1 người do Nhà đầu tư chiến lược giới thiệu, 2 người là đại diện số cổ đông còn lại.

Lấy lý do Đại hội lại diễn ra trong bối cảnh Covid-19 đang chuyển biến phức tạp, số lượng cổ đông nhiều (hơn 800 người – PV) nên ông Hồ Viết An – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty THHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An đã chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị tổ chức họp bàn, cử người đại diện nhóm cổ đông thuộc các Xí nghiệp dịch vụ chế biến chè tham dự theo tỷ lệ tương ứng số cổ phần nắm giữ và theo quy định cổ đông/nhóm, cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết sẽ được quyền đề cử thành viên HĐQT và Ban kiểm soát.

Không phải đến tận động thái này mới thấy nhiệm vụ cổ phần hóa tại Công ty chè Nghệ An đối diện nhiều gập ghềnh, trắc trở. Nếu theo dõi xuyên suốt gần 6 năm qua quả thực con đường “lên chuyên" đầy rẫy chông gai, thách thức, như thể bước đến đâu lún sâu vào bùn lầy đến đó.

Nhân đây xin được đề cập thêm thông tin về Công ty TNHH MTV Đầu tư phát triển chè Nghệ An, hiện trạng là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với 8 xí nghiệp trực thuộc, chuyên ngành nghề trồng, chế biến, kinh doanh và xuất khẩu chè. Trước đây đơn vị quản lý khoảng 5.000ha đất, thực hiện phương án Cổ phần hóa chỉ giữ lại khoảng 1.900ha, diện tích còn lại sẽ bàn giao về cho các huyện Thanh Chương, Anh Sơn và Con Cuông quản lý.

Đơn vị chính thức khởi động chủ trương Cổ phần Hóa từ năm 2015, những tưởng sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án tổng thể về việc “sắp xếp, đổi mới của 11 doanh nghiệp đóng trên địa bàn Nghệ An” cũng như tính chất cấp thiết của thời cuộc, mọi thứ sẽ nhanh chóng êm xuôi. Tuy nhiên người tính không bằng trời tính, sau gần 6 năm ròng rã Công ty chè Nghệ An vẫn chưa đến được vạch đích.

Một phần nguyên do đến từ cơ sở pháp lý (Cụ thể hóa Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành Nghị định 118/2014 về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp; Hình thức cổ phần hóa trước đó thực hiện theo Nghị định 59/2011/NĐ-CP, từ 2017 thay thế bằng Nghị định 126…), dù vậy mấu chốt Cổ phần hóa đòi hỏi phải giải quyết ổn thỏa nhiều phần việc cùng lúc, từ đất đai, lao động đến nhà cửa, tài sản.

Người lao động mong mỏi quyền lợi của họ sẽ được đảm bảo. Ảnh: Việt Khánh.

Đã khác biệt?

Trên thực tế, UBND tỉnh Nghệ An đã phê duyệt Phương án cổ phần hóa Công ty chè Nghệ An theo hình thức “Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, đảm bảo nhà nước nắm giữ 51%”. Bám vào đây, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa đã chỉ đạo doanh nghiệp phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn tất bán cổ phần (CP) từ ngày 24/11/2021.

Số lượng phát hành lần đầu là 3.415.555 CP. Dựa trên tỷ lệ %, cơ cấu Nhà nước nắm giữ 1.741.933 CP; bán ra ngoài 683.111 CP; bán cho Nhà đầu tư chiến lược 495.255 CP, bán cho người lao động 495.256 CP.

Sau khi phát hành, chỉ 384.450 cổ phần được bán cho người lao động, tương đương trên 2 tỷ 300 triệu đồng. Ảnh: Việt Khánh.

Với mức giá khởi điểm 25.708 đồng/CP, kết quả cuối biến động không nhỏ. Theo đó tổng tiền thu về gần 60 tỷ đồng, riêng số CP bán cho người lao động chỉ còn 384.450, tương đương mức trên 2 tỷ 300 triệu đồng. Cần biết rằng, tại Công ty chè Nghệ An, số cổ đông là người lao động lên đến 866, chia đều theo đầu người rõ ràng rất èo uột. Chiếu theo đây để thấy rõ những đắn đo trong quá trình phân bổ, nghi ngại thực trạng “bình mới rượu cũ” không phải vô căn cứ.

Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp, tiến tới cổ phần hóa là một chủ trương lớn của Chính phủ, đòi hỏi phải có một tư tưởng lớn và cách nghĩ lớn song đôi. Để cải thiện hình sản xuất kinh doanh, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, Doanh nghiệp và người lao động tại công ty chè Nghệ An, những người có trách nhiệm phải thực sự thận trọng trong quá trình “chọn mặt gửi vàng”.

Nội dung trình ĐHCĐ lần thứ nhất tại Công ty chè Nghệ An bao gồm các phần việc sau: Thông qua phương án sản xuất kinh doanh 3 năm sau khi cổ phần hóa và Kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2022; Điều lệ tổ chức và hoạt động; Đề cử bầu HĐQT, Chủ tịch HĐQT, Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát và một số nội dung có liên quan.

Tác giả: Việt Khánh

Nguồn tin: Báo Nông nghiệp Việt Nam

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP