Trong nước

Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt là nhà lãnh đạo xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt là hiện thân tiêu biểu của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc...

Sáng 23/11, tại tỉnh Vĩnh Long, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Vĩnh Long tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (23/11/1922 - 23/11/2022).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; các đồng chí nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Trương Tấn Sang; nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng; nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Nguyễn Thị Kim Ngân; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương, đại diện gia đình đồng chí Võ Văn Kiệt dự buổi lễ.

Bất kỳ công việc gì, phải thực hành dân chủ "lấy dân làm gốc"

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của đồng chí Võ Văn Kiệt là hiện thân tiêu biểu của người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà lãnh đạo xuất sắc, trọn đời vì nước, vì dân".

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại Lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (Ảnh: Quốc Chính).

Với phong cách làm việc dân chủ, sâu sát, lý luận gắn liền với thực tiễn, nói đi đôi với làm; dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, đồng chí Võ Văn Kiệt đã góp phần quan trọng vào việc động viên các tầng lớp nhân dân tích cực thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.

Đối với đồng chí Võ Văn Kiệt, đổi mới là sáng tạo, là biết khai thác, phát huy thế mạnh của đất nước, dân tộc, lịch sử, văn hóa và con người Việt Nam; là vượt qua những tư duy cũ kỹ, lạc hậu và phong cách lãnh đạo quan liêu, để hoàn thành thắng lợi mục tiêu cách mạng.

Xuất phát từ tấm lòng yêu nước, thương dân, lòng tự hào dân tộc, đồng chí Võ Văn Kiệt chủ động đến với cách mạng, đến với nhân dân, học hỏi, bàn bạc với dân tìm ra cách làm hiệu quả nhất.

Đồng chí luôn tâm niệm, để được nhân dân ủng hộ, bất kỳ công việc gì, phải thực hành dân chủ "lấy dân làm gốc", phải dựa vào dân, phát huy trí tuệ và sức mạnh của nhân dân mới có thể giành thắng lợi.

Trước khi đưa ra bất cứ một quyết định quan trọng nào, đặc biệt là những quyết định có tác động, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội đất nước và đời sống nhân dân, đồng chí đều tham khảo ý kiến của các chuyên gia và tự mình bỏ nhiều công sức nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của nhân dân.

Người lãnh đạo chân chính là phải biết nghe những ý kiến nói thẳng, nói thật

"Đồng chí luôn chân thành, cởi mở với mọi người, đặc biệt quan tâm tới thế hệ trẻ, khuyến khích phát huy tài năng của thanh niên, tiếp thu chọn lọc ý kiến của giới trí thức và chuyên gia", Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu.

Cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt cho rằng, điều kiện tiên quyết của người lãnh đạo chân chính là phải biết nghe những ý kiến nói thẳng, nói thật và có tinh thần xây dựng. Chỉ có như vậy, những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước khi vận dụng vào thực tiễn, sẽ nhận được sự đồng thuận của nhân dân, bởi khi đó "ý Đảng hợp với lòng Dân".

Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng các đại biểu tham dự buổi lễ (Ảnh: Quốc Chính).

Thủ tướng cho biết, những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời, vẫn là công việc liên quan tới Tổ quốc và nhân dân, đồng chí Võ Văn Kiệt vẫn lặn lội đi khảo sát vùng đồng bằng sông Cửu Long, có kế hoạch sang Hà Lan học hỏi kinh nghiệm chống nước biển dâng khi khí hậu trái đất nóng lên để áp dụng vào thực tiễn nước nhà, "nhưng tiếc thay, quy luật của tạo hóa đã không cho đồng chí thực hiện kế hoạch của mình".

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, hơn 35 năm qua, đất nước ta đã đạt được những thành tựu rất đáng tự hào. Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định: "Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay".

Tính đến năm 2022, quy mô nền kinh tế ước đạt gần 400 tỷ USD; thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 4.000 USD; quy mô thương mại khoảng 750 tỷ USD, thuộc nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế. Việt Nam từ một nước không đủ lương thực cho tiêu dùng, trở thành nước xuất khẩu gạo và nhiều mặt hàng nông, lâm nghiệp đứng hàng đầu thế giới. Về đối ngoại, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 190 trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; là thành viên tích cực và có trách nhiệm của nhiều tổ chức quốc tế..

Với tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, thương yêu, giúp đỡ lẫn nhau, Việt Nam đã kiểm soát đại dịch Covid-19, nhanh chóng phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân.

Mặc dù còn nhiều khó khăn do tác động của tình hình thế giới nhưng Việt Nam vẫn là nước có tốc độ tăng trưởng GDP cao nhất khu vực Đông Nam Á và nằm trong số ít các quốc gia đạt mức tăng trưởng cao trên thế giới (khoảng 8% năm 2022).

Trong giai đoạn cách mạng mới, Thủ tướng kêu gọi toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ, hãy ra sức học tập, noi gương đồng chí Võ Văn Kiệt và các vị cách mạng tiền bối; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tinh thần tự lực, tự cường; chủ động, linh hoạt, sáng tạo; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực; kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa nguồn lực bên trong và bên ngoài, giữa Trung ương và địa phương, giữa sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; phấn đấu xây dựng thành công một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, hùng cường.

"Chúng ta nguyện học tập và làm theo phong cách, đạo đức của đồng chí Võ Văn Kiệt, nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, nói đi đôi với làm, gắn lý luận với thực tiễn cuộc sống, đặt lợi ích của nhân dân, của Tổ quốc lên trên hết, trước hết; tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng, một lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" Thủ tướng bày tỏ.

Sáng cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành cầu Cái Cam thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường Võ Văn Kiệt, một trong những tuyến đường giao thông trọng điểm của TP Vĩnh Long.

Dự án đường Võ Văn Kiệt có tổng chiều dài khoảng 3,6km, trong đó có 2 cầu là cầu Cái Cam và cầu Cái Côn, với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự lễ khánh thành cầu Cái Cam thuộc dự án đầu tư xây dựng công trình đường Võ Văn Kiệt (Ảnh: Bảo Kỳ).

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời cho biết, sau khi đưa vào khai thác sử dụng đường Võ Văn Kiệt và cầu Cái Cam sẽ bảo đảm kết nối Trung tâm hội nghị, Trung tâm hành chính của tỉnh với khu đô thị TP Vĩnh Long và Trung tâm hành chính của các huyện, đồng thời kết nối với các tỉnh qua tuyến tránh thành phố và Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ.

Đường Võ Văn Kiệt, TP Vĩnh Long là tuyến trục chính đô thị với quy mô 4 làn xe, được xem là tuyến đường rộng nhất, đẹp nhất thành phố.

Cùng với cầu Cái Cam trên tuyến được thiết kế theo dạng vòm thép hiện đại tạo thành điểm nhấn về không gian cho đô thị.

Tác giả: Bảo Kỳ

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP