Trong số các giải thưởng của cuộc thi, có hạng mục Junior Scientist Awards dành riêng cho 5 dự án xuất sắc nhất của học sinh khối lớp 7-8.
Theo ban tổ chức, ngoài việc được vinh danh, học sinh thắng giải sẽ được tặng một hệ thống phân tích ADN miniPCR DNA Discovery System™, công nghệ đang được sử dụng tại Trạm không gian quốc tế, cho trường của mình.
Nguyễn Hoàng Ly Na, 13 tuổi, đạt được giải thưởng này với công trình có chủ đề “Tác động của vi trọng lực lên thành phần dịch não tủy và sức khoẻ thần kinh của phi hành gia”.
Chia sẻ với Tuổi Trẻ về chiến thắng này, cô bé tự nhận mình có niềm đam mê khổng lồ với khoa học và ngành giải phẫu người cho biết em đã rất ngạc nhiên khi biết tin mình là một trong những người chiến thắng hạng mục Junior Scientist Awards của Genes in Space.
“Đó là một nguồn động lực rất lớn cho em”, Ly Na chia sẻ. “Nó nhắc nhở em phải không ngừng phấn đấu, không ngừng theo đuổi mục tiêu của mình, và không bỏ cuộc. Ngoài ra đây còn là một món quà nhân dịp sinh nhật em, một kỷ niệm tuyệt vời mà em không thể nào quên”.
Ly Na kể em biết đến cuộc thi qua mạng xã hội, sau đó quyết định tham gia vì em nghĩ mình sẽ học được nhiều điều mới mẻ về ADN, dù lúc đó em chưa nghiên cứu gì nhiều về lĩnh vực không gian.
Về công trình của mình, Ly Na nói em có ý tưởng ban đầu là nhờ vào một quyển sách về giải phẫu học em được dì tặng, cộng thêm với niềm hứng thú sẵn có trong việc nghiên cứu bộ não và tầm quan trọng của nó đối với con người.
Vậy là từ đó Ly Na quyết định tập trung vào đó, đọc kỹ quyển sách về giải phẫu người, kết hợp nghiên cứu nhiều tài liệu khác trên mạng, chủ yếu là về không gian.
“Khâu thực hiện thí nghiệm thực tế rất vất vả, thêm vào đó, em cũng phải gói gọn ý tưởng của mình trong một bài miêu tả chỉ khoảng 200 chữ”, Ly Na nhớ lại những khó khăn mà em gặp trong quá trình tham gia cuộc thi. “Tuy nhiên ngoài chuyện đó ra thì em đã có một khoảng thời gian nghiên cứu và học tập nhiều điều mới lạ rất lý thú”.
Âm thầm tạo bất ngờ cho mẹ
Một điều khá bất ngờ là gia đình hay thầy cô của em chẳng ai biết gì về việc em tham gia cuộc thi.
Cô bé Ly Na lém lỉnh giấu biệt chuyện này vì muốn làm mọi người bất ngờ “nếu lỡ em có chiến thắng”.
“Tôi không hề biết chuyện Ly Na tham gia cuộc thi cho đến khi tôi nhận được email từ cô Emily Gleason, thành viên ban tổ chức”, chị Trần Thị Tuyết Vân, mẹ của Ly Na, người đang sống cùng em ở Mỹ, cười kể lại.
“Tôi đã vô cùng ngạc nhiên. Ngay lập tức tôi lên mạng tìm kiếm thông tin về cuộc thi, và chờ con gái đi học về để hỏi chuyện đầu đuôi ra sao. Lúc đó con bé vội vàng kiểm tra email và biết được mình thắng giải. Ly Na vui lắm, tôi cũng vui lây”, chị Vân tự hào.
Trao đổi với Tuổi Trẻ qua email, cô Emily Gleason nhận xét công trình nghiên cứu của Ly Na rất sáng tạo.
“Chúng tôi nhận được một số công trình tập trung vào cách hệ thần kinh thích ứng với tình trạng vi trọng lực, nhưng nghiên cứu của Ly Na về dịch não tủy là rất thông minh”, cô Emily cho biết.
“Tôi nghĩ Ly Na có một tương lai xán lạn ở phía trước”, cô nói thêm.
Sắp tới, Ly Na chia sẻ em muốn muốn tiếp tục học hỏi và khám phá các kiến thức liên quan đến khoa học, đặc biệt là vật lý, sinh học phân tử và hóa học.
“Ly Na rất thích đọc sách, con bé đọc rất nhiều, nhất là sách khoa học. Hễ có tiền là con bé lại đi mua sách”, mẹ Ly Na kể. “Giải thưởng này quả thật là một thành tựu đáng nhớ cho Ly Na, nó sẽ là động lực để con bé tiếp tục theo đuổi đam mê của mình”.
Genes in Space là cuộc thi khoa học được hãng hàng không Boeing và công ty chuyên nghiên cứu ADN miniPCR của Mỹ sáng lập ra vào năm 2015.
Dành cho đối tượng học sinh từ lớp 7 – 12, Genes in Space yêu cầu người tham gia thiết kế các thí nghiệm ADN nhằm giải quyết các thách thức trong lĩnh vực du hành và thám hiểm không gian.
Năm nay Genes in Space nhận được 375 công trình tham gia từ 850 học sinh. Công trình đoạt giải thưởng chính cao nhất (công bố vào tháng 7 tới) sẽ được thực hiện ngoài không gian.
“Mục tiêu của Genes in Space là tiên phong nghiên cứu khoa học ADN trong vũ trụ và truyền cảm hứng cho các thế hệ các nhà khoa học tiếp theo”, cô Emily Gleason, giám đốc bộ phận sáng kiến giáo dục của miniPCR nói.
“Chúng tôi thật sự rất bất ngờ về công trình nghiên cứu của các em dự thi năm nay, khi các em có nhiều ý tưởng cực kỳ sáng tạo. Thêm vào đó, các công trình phải sử dụng một kỹ thuật y sinh học gọi là Phản ứng chuỗi polymerase, điều mà học sinh trung học không phải em nào cũng hiểu được, vậy mà có công trình, các em thậm chí còn chứng tỏ được sự hiểu biết rất sâu về kỹ thuật này”, cô Emily trầm trồ.
Tác giả: NGỌC ĐÔNG
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ