Theo tài liệu của cơ quan cảnh sát điều tra, trong thời gian từ năm 2011 - 2014 có 51.468 cá nhân và 392 tổ chức kinh tế gửi tiền tại Ngân hàng Đại Dương (OceanBank) và nhận các khoản tiền chi ngoài lãi suất hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm do OceanBank chi trả.
Các khoản này xuất phát từ hành vi vi phạm pháp luật của Hà Văn Thắm và các đồng phạm, không thể hiện trong hợp đồng tiền gửi, sổ tiết kiệm mà khách hàng đã ký với OceanBank. Cá biệt, trong số đó có nhiều khách hàng có số tiền gửi lớn là các tổ chức thuộc Tập đoàn dầu khí VN (PVN) và Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (Vinashin) có dấu hiệu móc ngoặc với lãnh đạo, nhân viên của OceanBank nhận các khoản tiền lãi để ngoài sổ sách kế toán nhằm hưởng lợi bất chính.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã gửi công văn đến 392 tổ chức kinh tế có tiền gửi tại OceanBank trong giai đoạn 2011 - 2014, yêu cầu giải trình, cung cấp tài liệu, số liệu liên quan đến việc gửi tiền, nhận tiền lãi ngoài lãi suất tiền gửi và nộp lại số tiền lãi hưởng lợi bất chính từ hành vi chi sai lãi ngoài của OceanBank.
Đến nay đã có 143 tổ chức kinh tế có văn bản trả lời, trong đó 19 đơn vị khẳng định có nhận tiền lãi ngoài của OceanBank và nộp lại hơn 3 tỉ đồng vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra. 123 tổ chức có trả lời nhưng khẳng định không nhận được tiền chi lãi, hiện còn 249 tổ chức chưa trả lời. Tại tòa, trả lời về “số phận” các khoản tiền này, một số lãnh đạo các chi nhánh của OceanBank cho biết đã phải cùng với khách hàng bán cả nhà, tài sản để bù lại.
Đối với những khách hàng đi vay thê thảm hơn nhiều, ngoài lãi suất phải trả, họ còn phải trả đủ các loại phí. Cụ thể, cơ quan điều tra đã tiến hành xác định được tổng số tiền Công ty BSC (do Hà Văn Thắm lập ra) thu phí ngoài hợp đồng tín dụng và ngoài tỷ giá hợp đồng mua bán ngoại tệ gần 69 tỉ đồng. Qua ghi nhận lời khai của 253/590 khách hàng, trong đó có 246 khách hàng đều khai việc ký hợp đồng dịch vụ và nộp phí cho BSC là theo hướng dẫn của ngân hàng, thực tế khách hàng không cần cung cấp dịch vụ gì, nhưng phải ký hợp đồng và trả phí để được ngân hàng cho vay vốn hoặc bán ngoại tệ. 382 khách hàng còn lại là doanh nghiệp đã giải thể hoặc cá nhân đã thay đổi chỗ ở.
Mất trắng hàng nghìn tỉ đồng
Riêng các cổ đông đã góp vốn vào OceanBank, trong đó có hai “đại gia” là PVN khoảng 800 tỉ đồng và Công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà hơn 200 tỉ đồng, số tiền này coi như mất trắng. Luật sư Vũ Thị Kim Ngọc (người được ủy quyền của OceanBank) cho biết do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại với giá 0 đồng nên đã bị chấm dứt quyền lợi và nghĩa vụ tại OceanBank. Bà Ngọc cũng cho biết, sau khi NHNN mua lại OceanBank với giá 0 đồng vào ngày 6.5.2015, từ đó đến nay, OceanBank đang thực hiện kiện toàn lại bộ máy và tích cực triển khai các phương án thu hồi nợ để khắc phục hậu quả do vụ án để lại.
“Thời gian hiện tại vẫn đang tập trung kiện toàn bộ máy và tiếp tục thu hồi công nợ là chủ yếu. Hiện tại, toàn bộ cổ phần đã được chuyển sang nhà nước, các cổ đông cũ không còn bất kỳ quyền lợi tại ngân hàng. Toàn bộ quyền và nghĩa vụ của khách hàng trước đây vẫn giữ nguyên, không gây ảnh hưởng bất cứ quyền lợi của khách hàng. NHNN sẽ đứng ra chịu trách nhiệm với khách hàng về nghĩa vụ và trách nhiệm đó”, bà Vũ Thị Kim Ngọc nói.
Trả lời Thanh Niên, TS Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính, cho rằng đối với các cổ đông đầu tư góp vốn lời ăn, lỗ chịu, ai sai, sai đến đâu tòa sẽ làm rõ nhưng với khách hàng vay tiền, gửi tiền tại OceanBank thực sự là những ngày tháng khốn đốn, khó khăn. “Muốn được vay thì phải chi thêm tiền phí, muốn mua ngoại tệ cũng phải trả thêm tiền dịch vụ. Người gửi tiền dù được NHNN đảm bảo nhưng cũng đã trải qua giai đoạn hết sức bất an, rủi ro. Đó là chưa kể những người đã bắt tay “ăn” chênh lãi suất chi bên ngoài còn phải bán nhà, bán tài sản đi để trả lại, rồi còn trách nhiệm liên đới do làm sai quy định của pháp luật về trần lãi suất”, ông Long nói.
Chỉ đích danh người nhận lãi ngoài
Trong ngày làm việc thứ 6 (6.3), phiên tòa sơ thẩm đại án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank), tòa cho gọi các bị cáo và hàng loạt cán bộ, nhân viên OceanBank tại các chi nhánh nhằm làm rõ về việc chi tiền lãi ngoài hợp đồng. Trước tòa, các bị cáo khai nhận việc chi lãi ngoài tập trung chủ yếu ở nhóm công ty thuộc Tập đoàn dầu khí VN (PVN). Bị cáo Nguyễn Thị Minh Thu, nguyên Tổng giám đốc OceanBank, khai: “Đối với nhóm khách hàng doanh nghiệp phân chia lãi ngoài tập trung chủ yếu là công ty của Tập đoàn dầu khí, các doanh nghiệp ngoài không nhiều lắm”.
Còn bị cáo Nguyễn Trà My, nguyên Phó giám đốc OceanBank chi nhánh Thăng Long, khai nhận OceanBank chi nhánh Thăng Long đã nhận chỉ đạo để tập hợp số liệu chi trả lãi ngoài hợp đồng tiền gửi cho một số khách hàng, gồm: Tổng công ty công nghiệp tàu thủy (Vinashin), Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), Tổng công ty điện lực dầu khí VN (PVPower), Tổng công ty bảo hiểm dầu khí VN và các công ty thành viên PVIS. Bị cáo Nguyễn Trà My khai đã 4 lần chuyển hơn 11 tỉ đồng cho ông Nguyễn Tuấn Hùng là Trưởng ban Tài chính PVEP. Tuy nhiên, trước tòa, ông Nguyễn Tuấn Hùng khẳng định từ tháng 9.2011 - 2014, PVEP không nhận bất cứ khoản tiền nào của OceanBank.
Bị cáo Trà My còn khai đã nhiều lần đưa tiền cho chị Hà Thị Minh Nguyệt (kế toán trưởng của PVPower). Có mặt tại tòa, bà Nguyệt cho biết không giao dịch với nhân viên OceanBank và chưa bao giờ nhận tiền chi lãi ngoài mà chỉ nhận lãi theo đúng quy định. Bà Nguyệt cũng bác bỏ việc từng gặp bị cáo Trà My. Tuy nhiên, bị cáo Trà My vẫn khẳng định: “Bị cáo đã chuyển 3 lần tiền gần 3 tỉ đồng. Chị Nguyệt nói chưa gặp, bị cáo nghĩ đó là quan điểm của chị Nguyệt, còn bị cáo giữ nguyên những gì đã khai”.
Thẩm tra lời khai của một số nhân viên của OceanBank, tại phiên tòa, những người này cho biết, đa số họ trực tiếp chi tiền cho khách hàng, việc chi tiền là thực hiện theo chỉ đạo, chủ trương của lãnh đạo.
Hà An
Tác giả bài viết: Anh Vũ
Nguồn tin: