Trong tỉnh

Cienco 4 'đu đưa' mãi với Dự án đảo chè Cầu Cau

Liên quan đến dự án ngàn tỷ đảo chè Cầu Cau, Tập đoàn Cienco 4 mãi không chịu triển khai dự án mà dường như chỉ muốn tìm đối tác để chuyển giao, kiếm lời...

Sau 5 năm dự án đảo chè Cầu Cau của Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 vẫn nằm... trên giấy. Ảnh: Việt Khánh.

Niềm tin đặt nhầm chỗ

Quá trình khảo sát, nhận thấy tiềm năng du lịch to lớn của đảo chè Cầu Cau (Thanh Chương, Nghệ An), năm 2017 Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 lên kế hoạch triển khai dự án “Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau” với tổng kinh phí lên đến 1.532 tỷ đồng, quy mô hơn 449 ha nằm trên địa phận hành chính của 2 xã Thanh An và Thanh Thịnh.

Tập đoàn này vẽ lên khung cảnh hết sức hào nhoáng của một khu nghỉ dưỡng trong mơ với 83,9 ha mặt hồ, 280 ha khu vực trồng cây xanh, phần còn lại sẽ hình thành 5 khu chức năng riêng biệt (khu đón tiếp; khu nghỉ dưỡng; khu vui chơi, giải trí; khu làng nghề và khu thiền viện).

Theo lộ trình, ​dự án “khủng” sẽ thực hiện trong 5 năm, từ 2017 đến 2022. Trong đó, giai đoạn 1 (2017 – 2018) sẽ tiến hành xây dựng khu đón tiếp và hạ tầng thiết yếu làm điểm nhấn nhằm kết nối các phân khu khác. Giai đoạn 2 sẽ đầu tư khu nghỉ dưỡng gồm khu sinh thái số 1 và số 2 (2018 – 2019), từ 2020 – 2022 sẽ hoàn thiện các phân khu chức năng còn lại. Khi hoàn thành dự án đạt tiêu chuẩn 4 sao, đảm bảo phục vụ hiệu quả nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, phục hồi sức khỏe, khai thác tiềm năng của huyện Thanh Chương và tỉnh Nghệ An.

Trái ngược với kỳ vọng, Cienco 4 lần lựa hết lần này lượt khác để trì hoãn dự án “Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau”. Ảnh: Việt Khánh.

Tuy nhiên, thực tiễn không đúng như lộ trình đã đặt ra, sau khi được UBND tỉnh Nghệ An chấp thuận chủ trương đầu tư vào tháng 2/2017 tại Quyết định 550/QĐ-UBND, Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 vào 12/2017… phía Cienco 4 chỉ tỏ ra rốt ráo trong thời gian đầu, sau đó thì bỏ bẵng hoàn toàn, công tác đền bù, hỗ trợ GPMB gần như bằng không.

Động thái trên khiến cho các bên liên quan không khỏi hoang mang, đặc biệt là chính quyền cấp huyện, xã, những cơ quan phải lao tâm khổ tứ, ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân đồng hành suốt thời gian dài. Nay doanh nghiệp chơi “bài nhầy” tức thì đẩy họ vào thế gọng kìm “trên đe dưới búa”.

5 năm kể từ khi được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, nay mọi thứ vẫn ở dạng sơ khai, đảo chè Cầu Cau vẫn vẹn nguyên như những gì vốn có, điều này đang để lại muôn vàn hệ lụy. Rõ nhất là niềm tin của hàng trăm hộ dân liên đới bị “xói mòn” trầm trọng. Không muốn kéo dài tình cảnh đêm dài lắm mộng, tất thảy mong mỏi một câu trả lời dứt khoát nhưng Chủ đầu tư đáp lại chỉ là thái độ hờ hững đến cùng cực (?!)

Về phía huyện Thanh Chương, nhận thấy “niềm tin đã đặt nhầm chỗ” địa phương này đã nhiều lần đề xuất phương án xử lý: Nếu Cienco 4 không đủ khả năng triển khai đề nghị tỉnh nghiên cứu thu hồi dự án, đồng thời mời gọi doanh nghiệp khác vào thay thế.

Tâm tư, nguyện vọng của người dân và chính quyền huyện Thanh Chương rất chính đáng, tuy nhiên nút thắt vẫn chưa được tháo gỡ…

Cienco 4 nhùng nhằng

Đành rằng khó khăn về GPMB là có, áp lực nguồn vốn do tác động của Covid-19 là có, tuy nhiên Cienco 4 không thể vin tất cả vào đây để kiếm cớ chây ỳ.

Lẽ thường, khi có chủ trương triển khai một dự án, nhất là dự án điểm thì công tác khảo sát, đánh giá đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, chi ly. Phải lường trước đến những tình huống xấu nhất có thể xảy đến để qua đó có phương án xử lý thấu đáo thay vì thái độ nước đôi, nhập nhằng lúc không lúc có khiến các bên liên quan như lạc vào mê hồn trận, loay hoay chẳng biết đường nào mà lần.

Tài chính, năng lực cơ bản không đảm đương được nhưng Cienco 4 vẫn cố đấm ăn xôi kiên quyết không “trả dự án”, thay vào đó là thúc đẩy tìm kiếm đối tác để cùng san sẻ gánh nặng. Có điều từ những cái tên lớn mạnh trong nước (Xuân Trường, Mường Thanh, Tân Á Đại Thành) cho đến những đối tác tiềm năng của nước ngoài (Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc) sau khi nhảy vào tìm hiểu đều lắc đầu từ chối. Riêng về phía Cienco 4, trước đó Tập đoàn này đã chủ động đề nghị gia hạn thêm thời gian thực hiện (?!)

Thực khách chỉ tham quan dưới dạng du lịch truyền thống thay vì được thụ hưởng, đắm chìm trong khu nghỉ dưỡng hào nhoáng mà Cienco 4 đã vẽ ra. Ảnh: Việt Khánh.

Mới đây Doanh nghiệp này lại chơi bài: “Dự án mới chỉ có quyết định chủ trương đầu tư và phê duyệt quy hoạch chi tiết, Cienco 4 chưa tiến hành đền bù GPMB nên huyện đề xuất với tỉnh thu hồi dự án để kêu gọi, thu hút những nhà đầu tư tiềm năng khác. Tuy nhiên, đợt trong tết Cienco 4 đã quay lại và có tờ trình đề xuất xin được tiếp tục triển khai.

"Doanh nghiệp đầu tiên mà huyện tiếp cận là Cienco 4, nếu họ đầu tư có hiệu quả thì vẫn ủng hộ. Trường hợp xác định làm tiếp phải có cam kết rõ ràng với tỉnh, với huyện”, ông Trình Văn Nhã, Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương khẳng định.

Qua nắm bắt được biết, sau khi làm tờ trình xin tiếp tục hoàn thiện “giấc mơ dở dang”, Công ty Cổ phần Tập đoàn Cienco 4 chưa có bất kỳ động thái nào tiếp theo.

Tác giả: Việt Khánh

Nguồn tin: nongnghiep.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP