Thế giới

Chuyên gia Mỹ: Vụ bắt chủ tịch Interpol có thể là 'giết gà dọa khỉ'

Việc tạm giam chủ tịch đương chức của Interpol cho thấy chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc vẫn rất gay gắt.

Cựu chủ tịch Interpol Mạnh Hoành Vĩ. Ảnh: AP.

"Đến nay Trung Quốc đã bắt được khá nhiều người quyền lực trong chiến dịch chống tham nhũng, do đó việc bắt giữ ông Mạnh Hoành Vĩ khiến mọi người băn khoăn liệu còn ai không, người mà không sợ hãi chiến dịch này", Giáo sư Margaret Lewis, Đại học Seton Hall, Mỹ, dự đoán khi trao đổi với VnExpress, sau khi Trung Quốc bắt giam chủ tịch đương nhiệm của Interpol.

Giới chức Trung Quốc ngày 8/10 thông báo Mạnh Hoành Vĩ, Chủ tịch Interpol kiêm thứ trưởng Bộ Công An Trung Quốc, bị bắt và đang bị điều tra do nhận hối lộ và một số tội danh khác. Ủy ban Giám sát Quốc gia, cơ quan chống tham nhũng siêu quyền lực của Trung Quốc, xác nhận ông Mạnh đang bị điều tra về hành vi "vi phạm nghiêm trọng pháp luật nhà nước".

Tuyên bố này của Bắc Kinh được đưa ra sau khi bà Grace Mạnh, vợ ông Mạnh, trình báo với cảnh sát Pháp rằng đã mất liên lạc với chồng từ khi ông về Trung Quốc hôm 25/9. Bà Grace cho hay trước khi biến mất, chồng bà đã gửi bức ảnh chụp một con dao, dường như cố gắng báo cho bà biết rằng ông đang gặp nguy hiểm.

Giáo sư Lewis nêu rõ việc bắt giam ông Mạnh cho thấy chiến dịch chống tham nhũng mạnh mẽ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vẫn được thúc đẩy đồng thời với việc củng cố quyền lực của ông. Bà dẫn câu thành ngữ của Trung Quốc "giết gà dọa khỉ", và việc bắt ông Mạnh là "bắt gà".

Giáo sư Andy Wedeman, Đại học bang Georgia, Mỹ, nhắc tới mối liên hệ của ông Mạnh và Chu Vĩnh Khang, cựu ủy viên Thường trực Bộ Chính trị, người đã bị bắt từ năm 2014 với cáo buộc tham nhũng. Theo đó ông Mạnh được thăng cấp lên thứ trưởng Bộ Công an Trung Quốc khi ông Chu làm bộ trưởng bộ này, vì thế có đồn đoán rằng việc bắt giữ ông Mạnh là "một việc mang sắc thái chính trị".

Tuy nhiên ông Wedeman nghi ngờ hai cựu lãnh đạo này có quan hệ thân thiết, vì ông Mạnh vẫn được bổ nhiệm làm người đứng đầu cảnh sát biển năm 2014 và làm chủ tịch Interpol năm 2016, sau khi ông Chu bị "ngã ngựa" từ 2013.

"Mối liên hệ của ông Mạnh với ông Chu có thể không phải là tâm điểm trong cáo buộc với cựu chủ tịch Interpol. Nó chỉ là một phần", ông Wedeman nói.

Đồng tình rằng chiến dịch chống tham nhũng của Trung Quốc vẫn được tiến hành mạnh mẽ, Giáo sư Roderic Broadhurst, Đại học quốc gia Australia, cho rằng việc bắt giữ ông Mạnh cho thấy quy mô lớn của chiến dịch.

"Các vấn đề nội bộ và của đảng Cộng sản Trung Quốc lấn át các vấn đề quốc tế và quyền lực mềm của nước này", Broadhurst nói.

Bà Lewis đánh giá việc Trung Quốc bắt ông Mạnh khi ông này "về thăm quê" là một hành động táo bạo "nhưng không gây sốc". Số phận của ông sẽ được định đoạt khi hồ sơ được chuyển sang các cơ quan chức năng về tư pháp, gồm công tố và tòa án. "Sự biến mất" của cựu chủ tịch Interpol khi về Trung Quốc có thể khiến các quan chức khác của Trung Quốc đang nắm giữ các vị trí ở nước ngoài, phải cân nhắc về rủi ro mà họ có thể phải đối mặt nếu đặt chân lên đất Trung Quốc.

Theo chuyên gia Broadhurst, những lỗi lầm của ông Mạnh có thể liên quan đến vị trí hiện tại hoặc các chức vụ trong Bộ Công an Trung Quốc. Các tổ chức của đảng Cộng sản sẽ can thiệp vào việc xem xét cáo buộc của ông.

Xét về khía cạnh pháp lý, Giáo sư Wedeman khẳng định chính quyền Trung Quốc không vi phạm bất cứ quy tắc quốc tế nào khi bắt giữ ông Mạnh, trong khi ông đang là chủ tịch Interpol. Dường như ông Mạnh trở về Trung Quốc một cách tự nguyện, theo lệnh triệu hồi của chính phủ, rồi bị giam. Ông gửi tin nhắn có hình con dao cho vợ ngầm báo mình gặp nguy hiểm nhưng vẫn trở về.

"Vì ông Mạnh vẫn là thứ trưởng Bộ Công an, tôi đoán rằng ông phải quyết định việc có tuân thủ định hay trở thành một kẻ chạy trốn", ông Wedeman nói, bổ sung thêm rằng chưa có thông tin gì về việc ông Mạnh yêu cầu Pháp hay nước nào cấp chế độ tị nạn chính trị.

Wedeman dự đoán nếu ông Mạnh được xem xét theo quy trình được áp dụng gần đây, ông có thể bị giam thêm vài tuần hoặc vài tháng. Ông có thể bị khai trừ khỏi đảng, bị điều tra thêm và có thể bị truy tố nếu có chứng cứ. Tuyên bố chi tiết về các tội danh phải chờ đến phiên tòa xét xử mới được đưa ra.

Tác giả: Khánh Lynh

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP