Sáng 27/7, lực lượng chức năng vẫn phong tỏa hiện trường, tổ chức thu gom những mảnh vỡ, điều tra vụ máy bay quân sự rơi ở làng Dừa (xã Nghĩa Yên, Nghĩa Đàn). Các con đường dẫn lên ngọn đồi, nơi chiếc máy bay gặp nạn được bảo vệ nghiêm ngặt.
Hiện trường vụ máy bay rơi, hơn 5 tiếng sau vụ việc, khói vẫn bốc lên nghi ngút. Ảnh:Tiến Hùng |
Trong khi đó, thi thể hai phi công đã được đưa về Nhà tang lễ của Bệnh viện Quân y 4 (TP Vinh, Nghệ An), để chuẩn bị tổ chức lễ truy điệu. Một nguồn tin cho hay, hộp đen của chiếc máy bay quân sự cũng đã được lực lượng chức năng tìm thấy ở gần hiện trường.
Theo Bộ Quốc phòng, lúc 11h16 ngày 26/7, máy bay Su-22, số hiệu 8551 của Trung đoàn Không quân 921 (Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân), thực hiện bay huấn luyện. Tuy nhiên, đến 11h35 thì bị mất liên lạc. Chiếc máy bay sau đó được xác định rơi xuống khu vực làng Dừa (xã Nghĩa Yên, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An).
An ninh được siết chặt, lực lượng chức năng đứng chốt cách hiện trường hơn 500 mét để ngăn cản người dân hiếu kỳ. Ảnh: Tiến Hùng |
Lúc này, trên chiếc Su-22 có 2 phi công gồm Trung tá Khuất Mạnh Trí (40 tuổi, phường Lê Lợi, Sơn Tây, Hà Nội), và Thượng tá Phạm Giang Nam (46 tuổi, quê Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình). Trung tá Khuất Mạnh Trí là Phó Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng, còn Thượng tá Nam là Chủ nhiệm an toàn bay Trung đoàn 921.
Cả 2 phi công này đều là những người dày dặn kinh nghiệm trong những chuyến bay huấn luyện. Trung tá Trí có giờ bay tích lũy là hơn 1.130 giờ, còn giờ bay tích lũy của Thượng tá Nam là 1.178 giờ. Cả hai cũng đã bay qua các loại máy bay như L-39. MiG-21Bis, Su-22M...
Đoạn đường vào hiện trường. Ảnh: Tiến Hùng |
Sau khi xảy ra vụ việc, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ, các đơn vị Quân đội và các địa phương trên địa bàn Quân khu 4, kịp thời khắc phục hậu quả, điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn; cùng với cơ quan chức năng và cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương làm tốt công tác chính sách, chủ động thăm hỏi, động viên gia đình hai đồng chí phi công.
Là một trong những nhân chứng đầu tiên có mặt ở hiện trường sau tai nạn, ông Hoàng Công Quế (46 tuổi), vẫn chưa hết bàng hoàng. Ông Quế kể, lúc đó ông đang ăn cơm cùng gia đình thì nghe tiếng nổ lớn. Ít giây sau, ông nhìn thấy khói bốc lên nghi ngút ở ngọn đồi gần ngôi làng. “Vì ở đây vẫn thường có máy bay bay qua nên tôi lập tức đoán có máy bay bị rơi. Tôi điện cho công an xã trình báo rồi cùng với một số người dân lên hiện trường”, ông Quế nói.
Dù trên máy bay văng ra tại hiện trường. Ảnh: CTV |
Hiện trường nơi chiếc may bay rơi xuống cách làng Dừa gần 2 km, đường đất lầy lội. Khoảng nửa tiếng sau, ông Quế và một vài hàng xóm là những người đầu tiên có mặt ở đây. “Lúc đó lửa vẫn còn cháy rất lớn, khói bốc cao hàng chục mét. Trong khi đó, mảnh vỡ máy bay văng tung tóe”, nhân chứng này nhớ lại.
Một vạt đồi rộng hàng chục mét vuông bị chiếc máy bay cày nát, đá bị sạt lở nằm lăn lóc, nhiều cây cối gãy đổ…. “Cả hai phi công đã hy sinh trước đó, thi thể biến dạng”, bà Hoàng Thị Oanh (54 tuổi), kể. Bà Oanh nói rằng, lúc nghe tiếng nổ, bầu trời đang có mây mù mịt, chỉ khoảng 15 phút sau thì nổi giông lớn khiến đường sá lên khu vực hiện trường càng khó khăn.
Đất đá bị cày xới sau vụ tai nạn. Ảnh: CTV |
Nhiều người dân sau đó đã cùng với lực lượng chức năng thu gom các mảnh vỡ máy bay, phát cây, khơi thông đường giao thông để xe làm nhiệm vụ tiếp cận dễ dàng. Lực lượng chức năng hơn 200 người gồm quân đội, công an, dân quân tự vệ… ngay sau đó có mặt tại hiện trường.
An ninh vào khu vực ngọn đồi được siết chặt. Trong khi đó, hàng nghìn người dân địa phương hiếu kỳ kéo nhau đến xem vụ việc. Lực lượng cảnh sát giao thông buộc phải phong tỏa từ đoạn đường cách hiện trường khoảng 4 km để điều tiết giao thông….
Tác giả: Tiến Hùng
Nguồn tin: Báo Nghệ An