Anh Huỳnh Văn Thế cho biết mình đã "chờ chương trình đổi mới trong hân hoan lẫn lo âu". Khi bản dự thảo các chương trình được trình bày rõ ràng rành mạch, anh rất mừng và "mơ" đến một nền giáo dục hoàn hảo.
"Chương trình Tiếng Việt/ Ngữ văn mới đã thoát được quan niệm sách giáo khoa là pháp lệnh và là nội dung đóng, hay chỉ có một bộ sách giáo khoa như từ trước tới nay" - anh Thế bình luận.
Thế nhưng, với những lệch lạc của giáo dục ứng thí, bệnh thành tích ăn sâu vào đời sống trường học - mà anh gọi là "vòng luẩn quẩn không lối thoát" - những thay đổi mới mẻ của chương trình mới sẽ khả thi đến đâu?
Vẫn nỗi lo áp lực điểm số
Anh Thế kể lại năm 2017, để chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp THPT quốc gia, ngoài kế hoạch ôn thi, các trường tăng cường cái thiện điểm môn Ngữ văn cho học sinh là làm sao cho tất cả học sinh đều từ 8 phẩy trở lên. Chúng tôi đều hiểu rằng nếu làm như vậy, học sinh có làm bài thi chỉ được 2 điểm, thì cộng với điểm trung bình môn chia ra cũng vẫn đậu tốt nghiệp".
Học sinh có thoát khỏi điểm số trong chương trình mới |
Vào cuối năm xét thi đua giữa giáo viên này và giáo viên khác, Ban giám hiệu in bảng thống kê chất lượng cho giáo viên. Điểm lớp nào thấp nghĩa là giáo viên dạy yếu và khó lòng đạt lao động tiên tiến, chứ đừng mong đạt chiến sĩ thi đua. Có nhiều năm, nhiều trường tiểu học “trắng” học sinh khá, trung bình, yếu vì tất cả các em đã đạt học sinh giỏi.
"Mỗi tuần, mỗi tháng chúng tôi bị xoay vòng vòng bởi chấm bài và điểm số. Ban giám hiệu họp hội đồng chẳng có vấn đề gì quan trọng ngoài điểm số. Nhiều giáo viên bị phê bình vì vào điểm không kịp hay lớp có học sinh điểm thấp".
Theo anh Thế, điểm số đã thành chuẩn mực cho nhiều giá trị ở trường học. Học sinh chăm ngoan hay lười biếng, thông minh hay dốt, giáo viên giỏi hay kém, trường mạnh hay yếu, tăng hay giảm chất lượng, phụ huynh tài năng hay phụ huynh yếu kém... tất cả đều dựa vào điểm số.
"Hệ lụy là ở nhiều nơi, trò gian dối thầy để có điểm tốt, còn thầy thì vỗ tay hoan nghênh, nhà trường vui vẻ phát thưởng cho học sinh. Như vậy, một chương trình hay nhưng cuối cùng cũng để thi cử vào cuối học kì, cuối năm, cuối cấp, thi vào đại học, trở thành một vòng luẩn quẩn không lối thoát".
"Chương trình môn Ngữ văn mới sẽ đánh giá học sinh như thế nào?" - anh Thế đặt câu hỏi, bởi nếu học sinh được học chương trình hay nhưng đánh giá theo kiểu cũ thì vẫn không có gì khác. Tuy trong chương trình có nói về đánh giá định tính thông qua quan sát, ghi chép và nhận xét về hành vi, nhưng cơ bản vẫn là kiểm tra cuối kì cuối cấp. Và để an toàn, giáo viên lại đếm ý cho điểm.
"Hiện nay, nhiều giáo viên vẫn rất máy móc nên học sinh thuộc ý là cho điểm. Học trò chỉ nói đúng ý là giáo viên cho điểm, việc chấm bài văn cũng đếm ý cho điểm. Như vậy môn Ngữ Văn nói riêng và những môn học khác nói chung, lại quay về khởi thủy của nó. Học sinh học để trả bài, kiểm tra và thi cử khiến môn Ngữ năn triệt tiêu sáng tạo, tiêu diệt cảm xúc cá nhân, ý tứ, tưởng tượng của người học".
Anh Thế khẳng định "Bộ ra đề thi thì SGK do Bộ soạn chắc chắn sẽ được chọn, đa số giáo viên đều sẽ nghĩ như vậy. Hàng năm, giáo viên vẫn góp ý chương trình hay SGK nhưng gần như chỉ mang tính hình thức. Các cuộc góp ý đều chỉ làm trong khoảng 30 phút, nghĩa là giáo viên cứ theo Bộ là xong".
Giáo viên có được cởi trói?
Một câu hỏi nữa mà anh Thế đặt ra là "Chương trình Ngữ văn mới đã tính đến “tầm” giáo viên hay chưa?".
"Dù chương trình hay nhưng khi chúng tôi chưa tự cởi trói mình thì cũng không thể vận dụng được. Từ lâu, giáo viên đã được “bảo bọc” bởi chương trình, giờ tự “bơi”, tìm kiến thức dạy phù hợp đối tượng là điều không tưởng" - anh Thế nhìn nhận.
Thời gian qua nhiều giáo viên đã được tập huấn phương pháp dạy học tiên tiến từ nước ngoài nhưng theo anh Thế việc này không hiệu quả. "Cụ thể như “phương pháp thảo luận nhóm” được sử dụng như một minh chứng giáo viên có đổi mới phương pháp dạy học trong các tiết dự giờ, tiết khảo sát, tiết thi giáo viên giỏi, nhưng nhiều giáo viên không hiểu được bản chất của phương pháp này và chỉ sử dụng ở những tình huống có vấn đề. Một phương pháp hay trở thành "diễn" cho nhau xem. Hay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy Văn đã chuyển việc dạy Văn từ ghi bảng cho học sinh chép, đọc cho học sinh chép thành phát lên máy chiếu cho học sinh chép".
Ngoài ra, anh Thế còn liệt kê một loạt những "nỗi khổ, những "vòng trói" đối với người giáo viên hiện nay.
"Đó là việc dự giờ. Khi có tiết dự giờ thì giáo viên dạy trước rồi đến tiết dự giờ dạy lại. Như vậy tiết dạy và học thành tiết diễn. Thường ngày thầy cô phê bình, mắng học sinh nhưng có người dự giờ thì tiết chế để lớp học vui nhộn.
Chưa kể, hàng năm, mỗi giáo viên phải đánh giá hàng chục tờ giấy đánh giá công chức, công đoàn…theo kiểu hình thức. Việc đánh giá này cuối cùng cũng là điểm số điểm số. Chúng tôi phải cuốn vào trăm công nghìn việc vô nghĩa nhưng không có thời gian tự học.
Trên lớp hiện nay sĩ số trung bình một lớp học ít nhất là 35 học sinh. Tại nhiều trường, sĩ số đều từ 45 đến 50 học sinh. Phải gồng gánh lớp học đông nên yêu cầu giáo viên phải thấu hiểu người học, phân loại đối tượng người học là không thể.Bây giờ Bộ lại yêu cầu dạy Ngữ Văn có sát thực tế qua các hình thức dã ngoại, thì chắc chắn học sinh vùng xa vùng sâu lại tiếp tục "học chay".
Trong khi đó tiền lương giáo viên rất thấp. Tăng lương chưa chắc tăng chất lượng nhưng không tăng lương thì sẽ không tăng chất lượng. Liệu thầy cô nào cố gắng đầu tư cho mình khi tiền lương “chết đói”?"...
Với những áp lực như trên, anh Thế cho rằng kể cả khi có Chương trình mới, chắc chắn giáo viên sẽ vẫn dạy theo kiểu cũ, tư duy cũ cho an toàn, hoặc nếu đổi mới cũng tập hợp lại thành tổ nhóm để “thiết kế nội dung”, rồi dạy rập khuôn.
"Điều này không mới vì đã xảy ra với nội dung dạy tự chọn ở nhiều trường. Giáo viên dạy tự chọn không biết dạy gì cho học sinh mình nên tự lấy trên mạng, hoặc mượn của người khác để dạy" - anh Thế "tiên đoán".
Tác giả: Lê Huyền
Nguồn tin: Báo VietNamNet