Xã hội

Chủng SARS-CoV-2 nào đang lây lan rộng tại Hà Nội?

Theo các chuyên gia đánh giá, nửa tháng nữa, số ca mắc Covid-19 ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch.

Omicron có thể đã chiếm đa số

Tại cuộc họp trực tuyến với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn để chỉ đạo các giải pháp kịp thời trước tình hình dịch bệnh Covid-19 gia tăng ngày 27/2, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh thông tin, Hà Nội đang khẩn trương giải trình tự gen để đánh giá mức độ chủng Omicron (chờ kết quả từ Viện Vệ sinh dịch tễ). Tuy chưa có kết quả giải trình tự gen, nhưng trên thực tế, có thể nhận định, hiện Hà Nội đã lưu hành chủng Omicron song hành với chủng Delta và có thể đã chiếm đa số bởi tốc độ lây lan Covid-19 hiện rất nhanh.

Theo các chuyên gia đánh giá, nửa tháng nữa, số ca mắc ở Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục tăng cao và khả năng có thể đạt đỉnh tùy vào các biện pháp phòng, chống dịch. Thành phố cũng đánh giá đây là thách thức, áp lực và khó khăn rất lớn đối với hệ thống y tế cơ sở nếu không kịp thời đưa ra các giải pháp công nghệ và ý thức người dân.

Trước đó, báo cáo trong cuộc họp diễn ra ngày 23/2, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chử Xuân Dũng thông tin, kết quả giải trình tự gen các ca bệnh ở Hà Nội hiện nay đã có 4 trường hợp ở Bệnh viện Bạch Mai nhiễm chủng Omicron. Điều này đã được thành phố dự báo từ trước và đã triển khai các kế hoạch ứng phó cụ thể.

Ngày 26/1 vừa qua, Hà Nội thông tin về ca mắc Omicron trong cộng đồng đầu tiên.

Cụ thể, bệnh nhân là nữ, sinh năm 1980 tại quận Đống Đa. Bệnh nhân là nhân viên vệ sinh buồng phòng tại khách sạn Grand Vista Hà Nội (là khách sạn thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định của thành phố).

Trong khoảng thời gian từ 28/12/2021 đến ngày 9/1/2022, bệnh nhân làm việc tại khách sạn và có phục vụ cho các đoàn khách nhập cảnh cách ly tại khách sạn. Trong đó có 7 trường hợp nhiễm Omicron là khách nhập cảnh (do Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm và thông báo ngày 21/1). Bệnh nhân được cách ly tại khách sạn trong quá trình làm việc, được xét nghiệm PCR định kỳ hàng tuần và có kết quả âm tính vào ngày 3/1 và dương tính vào ngày 9/1.

Trước khi chủng Omicron bắt đầu lây lan trong cộng đồng, chủng Delta được xác định là nguyên nhân chính làm bùng lên làn sóng dịch thứ tư tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng (từ 27/4).

Không để dịch vượt quá khả năng đáp ứng của hệ thống y tế

Theo nhận định của các chuyên gia, khi đã mở cửa trở lại các đường bay quốc tế, việc Omicron tràn vào và lây lan là điều không thể tránh khỏi. Ngay tại một số nước, Omicron hiện cũng đã trở thành chủng lưu hành chủ đạo.

Trao đổi với Dân trí trước đó, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) nhận định, không nên lo lắng quá việc Omicron có thể lây lan ra cộng đồng, bởi các nghiên cứu bước đầu chỉ ra rằng, đây là một chủng dù có khả năng lây lan nhanh nhưng triệu chứng lâm sàng nhẹ. Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 ở Hà Nội rất cao, nhiều người cũng đã được tiêm bổ sung mũi 3.

Hà Nội cần chú trọng xây dựng các biện pháp dự phòng trong trường hợp biến thể Omicron lây lan ra cộng đồng, khiến số ca bệnh tăng nhanh trong một thời gian ngắn.

Mục tiêu là không được để dịch bùng phát mạnh, vượt quá khả năng đáp ứng của lực lượng y tế.

Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với Dân trí, TS Kidong Park, Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam, cũng chỉ ra 5 công cụ then chốt để ngăn ngừa việc vượt qua "ranh giới đỏ" (là khi hệ thống y tế bị quá tải) và bảo vệ các nhóm dân số dễ bị tổn thương khi đối phó với Omicron:

- Tăng cường tiêm phòng vaccine Covid-19;

- Tùy chỉnh các biện pháp xã hội và y tế công cộng;

- Tăng cường các lộ trình chăm sóc sức khỏe (áp dụng điều trị tại nhà cho các trường hợp mắc bệnh nhẹ cùng với thiết lập hệ thống chuyển tuyến phù hợp);

- Sử dụng hệ thống phát hiện sớm và đáp ứng có mục tiêu;

- Các biện pháp kiểm soát biên giới quốc tế dựa trên đánh giá nguy cơ.

Các công cụ này cần được hỗ trợ bởi hoạt động truyền thông hiệu quả, giám sát (bao gồm giải trình tự gen) và truy vết tiếp xúc.

Để tăng cường giám sát và phòng chống biến thể Omicron, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị chủ động giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến thể mới như: các quốc gia khu vực Nam Châu Phi và một số quốc gia khu vực châu Âu.

Ngành y tế Hà Nội cũng tăng cường hệ thống giám sát (bao gồm giám sát thường quy, giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do virus (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS)…), đặc biệt chú ý thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc Covid-19; phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiến hành thu thập, xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định các mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron; kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để, không để lây lan, bùng phát dịch trong cộng đồng.

Tác giả: Minh Nhật

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP