Trong nước

'Chủ tịch UBND tỉnh tiếp dân 9 phút, rồi đi nhậu'

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng theo đơn người dân gửi, chủ tịch UBND tỉnh chỉ tiếp họ 9 phút, không giải quyết khiếu nại mà đi nhậu. Dân phải ra tận quán nhậu để tìm.

Sáng 14/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, tiếp dân năm 2018. Các đại biểu đưa ra nhiều hạn chế trong tiếp dân ở cơ quan hành chính các cấp.

Dân tìm chủ tịch UBND tỉnh ở quán nhậu

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre), Phó trưởng ban Dân nguyện cho biết qua đơn thư của công dân gửi đến ông thì công tác tiếp công dân ở các địa phương có nhiều hạn chế, bất cập, hình thức, gây bức xúc cho người dân.

Ông Nhưỡng đưa ra dẫn chứng tỷ lệ tiếp công dân của chủ tịch UBND tỉnh thấp, có tình trạng né tiếp công dân, làm giảm niềm tin của người dân đối với chính quyền.

"Có người dân gửi đơn cho tôi trình bày, chủ tịch UBND tỉnh chỉ tiếp họ 9 phút, cho trình bày cách thức xong kết thúc buổi làm việc mà không trả lời, hay giải quyết khiếu nại của dân, sau đó đi nhậu. Người dân phải ra tận quán nhậu để tìm ông chủ tịch. Nếu hình ảnh này mà được chụp lại đưa lên Trung ương thì không biết sẽ như thế nào", vị đại biểu dẫn chứng và đề nghị cần chấn chỉnh ngay.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phát biểu tại hội trường. Ảnh: Duy Ngọc.Chủ tịch tỉnh không làm được thì nghỉ

Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Vũ Trọng Kim (Hải Dương) cho hay cần các biện pháp hành chính mạnh của cơ quan cấp trên để xử lý, kiểm điểm, khắc phục bằng được tình trạng người đứng đầu các cấp không tiếp công dân, không tham gia các phiên tòa hành chính theo luật.

Theo ông, tình trạng trên nếu kéo dài thì hậu quả là tâm tư, nguyện vọng của nhân dân không được giải quyết, người dân mất niềm tin vào chính quyền. "Tôi nghĩ đơn thư của người dân cần được phân loại, cái nào đúng, cái nào không đúng. Đúng thì phải giải quyết, không đúng thì cũng phải trả lời, nói đầy đủ cho dân hiểu. Chứ cứ né tránh, chuyển đơn thư lòng vòng để làm gì?", ông nói.

Luật Tiếp công dân quy định chủ tịch UBND cấp tỉnh phải tiếp dân ít nhất mỗi tháng một lần nhưng theo báo cáo giám sát thì tỷ lệ tiếp dân đúng pháp luật rất hạn chế.

Ông Vũ Trọng Kim thẳng thắn: "Nếu một năm mà không thực hiện được việc đó thì anh phải rời ghế. Công việc của anh là công việc với dân mà không làm được thì nên nghỉ. Việc của anh là việc với dân chứ không chỉ là việc với cơ quan này cơ quan khác, đi thăm chỗ nọ chỗ kia. Các chủ tịch tỉnh mà vậy thì nên nghỉ".

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: Quochoi.vnChủ tịch tỉnh, huyện, xã tiếp công dân còn ít

Trình bày kết quả giám sát việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội (từ 16/8/2017 đến 15/8/2018), Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo của các bộ, ngành, địa phương có sự chuyển biến tốt hơn so với một số năm trước.

Chính phủ và nhiều địa phương đã dành nhiều sự quan tâm cho công tác xây dựng thể chế, ban hành nhiều văn bản chấn chỉnh, tăng cường công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tuy nhiên, việc tiếp công dân định kỳ của chủ tịch UBND cấp tỉnh, huyện, xã ở hầu hết địa phương đều chưa đủ số kỳ tối thiểu theo quy định Luật Tiếp công dân. Do vậy, việc tiếp công dân còn chưa gắn với thẩm quyền giải quyết, chất lượng tiếp công dân chưa cao, khiếu nại vượt cấp chưa giảm.

Đối với chủ tịch UBND cấp tỉnh, số buổi tiếp công dân định kỳ chỉ đạt tỷ lệ bình quân 48,3% so với quy định, còn 36 tỉnh chưa đạt mức theo quy định, 24 tỉnh không báo cáo số liệu. Ngoài ra, việc ủy quyền cho cấp phó thực hiện tiếp công dân còn khá phổ biến ở các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh, tỷ lệ ủy quyền còn nhiều, trung bình chiếm 64,35%.

Việc đối thoại của người có thẩm quyền tại một số nơi còn hình thức, chưa được coi trọng đúng mức. Việc ủy quyền đối thoại trong một số trường hợp gây bức xúc cho người khiếu nại nên khó tạo được sự đồng thuận...

Ủy ban Thường vụ Quốc hội kiến nghị Chính phủ chỉ đạo người đứng đầu cơ quan hành chính các cấp nghiêm túc thực hiện tiếp công dân định kỳ theo quy định của Luật Tiếp công dân.

100% lịch tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính phải được công bố trên cổng thông tin điện tử để người dân, theo dõi, giám sát; tăng cường thanh tra, xử lý sai phạm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Tác giả: Thắng Quang

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP