Trong tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An: “Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”

Năm 2022, vượt lên nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đã đạt được nhiều dấu ấn quan trọng.Tuy nhiên, với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng "nóng", địa phương này đã đưa ra những kế hoạch cụ thể nhằm bảo vệ môi trường.

Bức tranh kinh tế đa màu sắc

Năm 2022, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trước bối cảnh đó, ngày 18/1, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 166/QĐ-UBND về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2022. Theo đó, năm 2022 Nghệ An đã có được kết quả tích cực, hoàn thành đạt và vượt 27/28 chỉ tiêu chủ yếu đã đề ra.

Nhờ triển khai tốt Kế hoạch số 166/QĐ-UBND cùng với sự vào cuộc chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị, sự đoàn kết, đồng sức, đồng lòng của nhân dân, việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã đạt nhiều thành tựu nổi bật. Theo đó, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 9,08% (kế hoạch 8,5-9,5%). Với kết quả này, Nghệ An đứng thứ 22/63 địa phương trong cả nước, đứng thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ; Quy mô nền kinh tế của Nghệ An đứng thứ 12 cả nước.

TP.Vinh phát triển mạnh về hạ tầng, thương mại và dịch vụ

Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 14% so với năm 2021. Tổng lượt khách lưu trú ước đạt 4,45 triệu lượt, gấp 2,46 lần. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,49 tỷ USD, tăng 2,55%; là năm thứ 2 liên tiếp đã vượt chỉ tiêu Kế hoạch 5 năm 2021-2025. Thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 20.370 tỷ đồng, vượt 35,6% so với dự toán điều chỉnh. Đây là năm đầu tiên, thu ngân sách nhà nước vượt mốc 20 ngàn tỷ đồng, đứng thứ 17/63 địa phương trong cả nước.

Chỉ tính đến ngày 30/11/2022, tổng số vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm tại tỉnh Nghệ An đạt 41.872,4 tỷ đồng, tăng 49,16% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong năm 2022, lần đầu tiên Nghệ An lọt vào nhóm 10 địa phương thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tính đến ngày 30/11/2022 là 939,45 triệu USD…

Về sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục giữ được mức tăng trưởng ổn định. Dự kiến đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 309/411 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 75,18% tổng số xã, số tiêu chí bình quân đạt 16,95 tiêu chí/xã; 9 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng và đạt chuẩn nông thôn mới…

Ông Nguyễn Đức Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Năm 2022 do ảnh hưởng dịch Covid - 19, biến động nguyên nhiên vật liệu và thiên tai có tác động rất lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở Nghệ An. Tuy nhiên, với sự lãnh đạo chỉ đạo thống nhất, đồng tâm hợp lực của toàn hệ thống chính trị, sự ủng hộ của người dân, doanh nghiệp nên chúng ta mới đạt được kết quả tích cực như vậy. Tăng trưởng, thu ngân sách, thu hút đầu tư, các lĩnh vực văn hóa xã hội, giáo dục đào tạo, chăm sóc sức khỏe, đảm bảo quốc phòng an ninh… cơ bản đều đạt và vượt trong 27/28 chỉ tiêu đã đặt ra”.

Trong năm 2023, UBND tỉnh Nghệ An sẽ tập trung cho 5 nhiệm vụ trọng tâm, nội dung lớn, quan trọng gồm: Thứ nhất, rà soát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX để thực hiện tốt hơn. Thứ hai, UBND tỉnh sẽ phối hợp thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 26 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Nghệ An; trên cơ sở đó trình ban hành Nghị quyết mới. UBND tỉnh sẽ cụ thể hóa trong việc tham mưu ban hành thêm cơ chế, đặc thù cho Nghệ An ngày càng phát triển.

Thứ ba, sau khi được phê duyệt Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND tỉnh Nghệ An sẽ tổ chức công bố và triển khai thực hiện quy hoạch có hiệu quả. Thứ tư, tiếp tục triển khai thực hiện 2 dự án hạ tầng chiến lược là Cảng biển nước sâu Cửa Lò và nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không Quốc tế Vinh. Thứ năm, tập trung triển khai xây dựng, trình các cấp có thẩm quyền thông qua Đề án mở rộng địa giới hành chính và không gian đô thị TP.Vinh; Đề án điều chỉnh mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam để tỉnh có thêm dư địa thu hút đầu tư, thực hiện mục tiêu phát triển tỉnh.

Ngoài ra, UBND tỉnh Nghệ An sẽ quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chăm lo, đảm bảo văn hóa - xã hội, an sinh xã hội, đảm bảo chăm lo sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân; kết nối, tạo việc làm.

Bên cạnh đó, Nghệ An sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính theo tinh thần "Chính quyền phục vụ, đồng hành với người dân, doanh nghiệp”, tháo gỡ, giải quyết những vấn đề thực tế đặt ra, chứ không phải chỉ ra những vấn đề khó khăn, chưa đúng mà không giải quyết được. Đồng thời, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số, năng lực cạnh tranh của tỉnh để tỉnh thu hút được nhiều nguồn lực đầu tư hơn. Tập trung thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về chuyển đổi số. Trong đó, trước mắt là thực hiện có hiệu quả Đề án số 06 của Chính phủ.

Phát triển kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường

Đi đôi với việc phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh Nghệ An cũng chú trọng đến vấn đề bảo vệ môi trường. Theo đó, tỉ lệ 100% khu công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Ông Nguyễn Đức Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh: “Quan điểm của tỉnh là không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế và phải đảm bảo phát triển bền vững. Theo đó, ngành Tài nguyên Môi trường phải giám sát, đôn đốc thực hiện luật môi trường, kịp thời xử lí các vấn đề ô nhiễm và không chấp thuận các dự án nguy cơ ô nhiễm môi trường cao”.

Mới đây, UBND tỉnh Nghệ An mới ban hành Kế hoạch 509/KH-UBND thực hiện Nghị quyết 08-NQ/TU ngày 02/3/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2022 - 2030.

Kế hoạch được ban hành nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU. UBND tỉnh Nghệ An xác định công tác bảo vệ môi trường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm; việc triển khai, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU và Kế hoạch này phải được tiến hành nghiêm túc, thường xuyên liên tục và gắn với các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, toàn diện, bảo đảm phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, UBND cấp xã và các đơn vị liên quan tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân về bảo vệ môi trường; hoàn thiện thể chế hóa các quy định về bảo vệ môi trường. Đồng thời, phải chú trọng công tác phòng ngừa, hạn chế các tác động xấu đối với môi trường; khắc phục ô nhiễm, cải thiện chất lượng môi trường; chủ động ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu; tăng cường nguồn lực về bảo vệ môi trường; ứng dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả hợp tác và phối hợp về bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế một cách bền vững.

Tác giả: Tuấn Quỳnh

Nguồn tin: kinhtemoitruong.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP