Trong nước

Chủ tịch Quốc hội: Sách giáo khoa gần như bắt buộc phải mua, mức chiết khấu 29-29,5% có hợp lý?

Chủ tịch Quốc hội cho hay đã yêu cầu đoàn giám sát làm rõ và sau đó kết luận phí chiết khấu có tác động nhiều nhất đến giá sách giáo khoa, kể cả sách tham khảo.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ - Ảnh: GIA HÂN

Phí chiết khấu tác động nhiều nhất đến giá sách giáo khoa, sách tham khảo

Nêu ý kiến tại phiên giám sát về đổi mới chương trình, sách giáo khoa của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhắc lại việc trong báo cáo giám sát của đoàn nêu về giá sách giáo khoa, nhất là chi phí phát hành sách giáo khoa cao.

Trong đó, 29% đến 29,5% đối với sách giáo khoa, 35% đối với sách bài tập là chưa thật hợp lý so với mặt hàng thiết yếu có số lượng phát hành lớn và ổn định.

"Chúng tôi trước đây cũng viết sách và cũng được 25% chi phí phát hành, nhưng sách chuyên khảo cả năm may ra bán được 1-2 quyển.

Còn đây là sách hàng triệu bản mà tính chất gần như bắt buộc ai cũng phải mua, phát hành một lần với khối lượng lớn mà chiết khấu như thế thì cần xem đã hợp lý chưa?", ông Vương Đình Huệ nêu.

Ông nhấn mạnh việc đã yêu cầu đoàn giám sát làm rõ chi phí chiết khấu này có cấu thành nên giá bán của sách không. Sau đó kết luận nêu rõ không những cấu thành, mà là yếu tố tác động nhiều nhất đến giá sách giáo khoa, kể cả sách tham khảo.

Ông cho hay trong phiên họp trước đã đề nghị nghiên cứu lại, bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo có thời kỳ đã quy định chiết khấu là khoảng 18% đến 20% và đây là vấn đề rất rõ ràng.

"Đương nhiên có chuyện giấy tốt, mực đẹp, các thứ khác nhưng chi phí chiết khấu này là tác động lớn nhất đến giá sách, sách tham khảo", ông Huệ chỉ rõ.

Chủ tịch Quốc hội nêu đoàn giám sát đã đề nghị các cơ quan chức năng thanh tra toàn diện việc in, phát hành sách giáo khoa mới nhưng Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nói không chỉ là in mà từ khâu biên soạn rồi xét duyệt, in rồi lựa chọn.

Ông chỉ ra việc có nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau nhưng thực tế nhiều tỉnh chỉ chọn một bộ sách.

"Ngày xưa cả nước có một bộ thôi, học mòn sách nhưng bây giờ cũng làm đến chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam này khác. Tất nhiên không so sánh khập khiễng nhưng cũng có câu chuyện như vậy.

Việc in, biên soạn, thẩm định, phê duyệt, lựa chọn sách giáo khoa các hội đồng nói có ý kiến thế thôi nhưng làm sao phản ánh hết được trong ý kiến của hội đồng.

Phát hành sách, tất cả các khâu này chứ không phải chỉ nhà xuất bản. Nhà xuất bản có mỗi chuyện in và phát hành, còn trách nhiệm của Nhà nước nữa", ông Vương Đình Huệ nói thêm.

Liên quan đến chi phí chiết khấu sách giáo khoa, Chủ tịch Quốc hội đề nghị sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa, định giá tối đa, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết giảm chi phí trung gian.

Nghiên cứu giảm tỉ lệ chiết khấu đến mức hợp lý để giảm giá sách giáo khoa theo yêu cầu của Luật Giá (sửa đổi).

Giảm tỉ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa

Báo cáo thêm về vấn đề giá sách giáo khoa, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho hay hiện nay sách giáo khoa không thuộc danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá, bình ổn giá.

Tuy nhiên, theo Luật Giá mới có hiệu lực từ 1-7-2024 thì giá sách giáo khoa sẽ được Nhà nước quy định giá tối đa.

Hiện tại có hai nhà xuất bản in sách giáo khoa đăng ký giá là Nhà xuất bản Giáo Dục và Công ty cổ phần Đầu tư xuất bản thiết bị giáo dục Việt Nam.

"Chúng tôi có theo dõi thì tỉ lệ chiết khấu của các nhà xuất bản này có giảm dần theo thời gian từ năm 2020 cho đến năm 2023. Đến năm 2022 và 2023 thì tỉ lệ chiết khấu của cả hai nhà xuất bản này từ mức 21 - 22,5% chi phí", ông Hưng thông tin.

Kết luận sau đó, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị Chính phủ sớm ban hành phương pháp định giá sách giáo khoa theo quy định của Luật Giá vừa được Quốc hội thông qua.

Bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, tiết kiệm, giảm chi phí trung gian, giảm tỉ lệ chiết khấu để giảm giá sách giáo khoa.

Chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về lựa chọn sách giáo khoa theo hướng đề cao vai trò, trách nhiệm của giáo viên cơ sở giáo dục và việc sử dụng sách giáo khoa của học sinh.

Tác giả: Thành Chung - Vĩnh Hà

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP