Ngày nghỉ bổ sung có thể trước hoặc sau Quốc khánh 2/9 và do Chính phủ quy định cụ thể theo từng năm. Ảnh: Người Đưa Tin |
Bên hành lang Quốc hội sáng ngày 19/11, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với phương án của Chính phủ là tăng thêm 1 ngày nghỉ, hưởng nguyên lương và chọn ngày nghỉ thêm vào dịp 2/9 hàng năm. Dự kiến, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua quy định này cùng Bộ luật Lao động (sửa đổi) vào ngày mai (20/11).
Dự thảo cũng nêu rõ, việc quy định ngày nghỉ bổ sung có thể trước hoặc sau Ngày Quốc khánh 2/9 và do Chính phủ quy định cụ thể theo từng năm.
Theo ông Bùi Sỹ Lợi, chọn ngày 28/6 cũng rất ý nghĩa vì là ngày Gia đình Việt Nam, nhưng chọn ngày 2/9 thì vừa giải quyết được vấn đề gia đình, vừa là ngày Quốc khánh của đất nước và dịp cận kề ngày khai giảng năm học mới.
“Nếu chỉ nghỉ 1 ngày 28/6 thì người lao động vẫn còn khó khăn nếu muốn đi về với gia đình. Mình thêm 1 ngày nghỉ dịp 2/9 để người lao động có 2 ngày đi về, không bị cản trở về thời gian, thêm điều kiện cho bố mẹ về bên các con; cũng như cho các con có thêm thời gian chuẩn bị cho ngày khai giảng” - Dân Trí dẫn lời Phó Chủ nhiệm Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội.
VOV thông tin thêm, ngoài việc đề xuất tăng ngày nghỉ trong dịp Quốc khánh, Dự thảo Luật Lao động (sửa đổi) còn quy định xung quanh việc làm thêm giờ như: các ngành nghề, công việc sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ/năm, thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần, khuyến khích người lao động và chủ lao động giảm giờ làm,...
Tác giả: Bạch Hiền
Nguồn tin: Báo Đời sống và Pháp luật