Xã hội

Chỉ đạo, điều hành nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng

Thủ tướng chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện; Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để buôn lậu, hàng giả lộng hành; Ban Chỉ đạo hoạt động không hiệu quả thì kiện toàn hoặc giải thể; Nỗ lực phòng, chống tội phạm;... là những chỉ đạo nổi bật tuần qua của Chính phủ, Thủ tướng.

1. Thủ tướng chỉ thị tăng cường tiết kiệm điện

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 7/8/2017 về việc tăng cường tiết kiệm điện.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của đất nước trong giai đoạn hiện nay với mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong việc tiết kiệm điện nhằm nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm việc tiết kiệm điện.

Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp, các tổ chức đoàn thể-xã hội và các hộ gia đình sử dụng điện thực hiện nghiêm một số giải pháp tiết kiệm điện.

2. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để buôn lậu, hàng giả lộng hành

Ảnh minh họa.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia).

Để kịp thời khắc phục các tồn tại, hạn chế, tạo được chuyển biến căn bản trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đòi hỏi quyết tâm và trách nhiệm cao hơn từ Ban Chỉ đạo đến những người trực tiếp thực hiện; sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị chức năng. Theo tinh thần đó, những tháng cuối năm 2017 và thời gian tiếp theo, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các nhóm nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 41/NQ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ về đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

3. Ban Chỉ đạo hoạt động không hiệu quả thì kiện toàn hoặc giải thể

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Những ban chỉ đạo hoạt động không hiệu quả, không thực chất sẽ sắp xếp, kiện toàn hoặc giải thể. Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh về việc cơ cấu, sắp xếp lại 123 tổ chức phối hợp liên ngành do Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng và Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đứng đầu.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành tăng cường phối hợp thực hiện chính sách pháp luật, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, đồng thời giao các cơ quan liên quan nghiên cứu đề xuất quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, xử lý nghiêm các vi phạm trong việc chấp hành quy định về công tác phối hợp.

Chính phủ đang tích cực tham gia xây dựng Đề án tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trình Trung ương 6, trong đó có vấn đề sắp xếp lại tổ chức liên ngành. Chủ trương chung là những Ban chỉ đạo hoạt động không hiệu quả, không thực chất thì sẽ sắp xếp, kiện toàn hoặc giải thể.

4. Xử lý bất cập tại các trạm thu phí BOT

Người dân dùng tiền lẻ để thanh toán khi qua trạm thu phí Bến Thủy

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình vừa có ý kiến chỉ đạo xử lý những bất cập còn tồn tại tại các trạm thu phí BOT đường bộ.

Việc xử lý những bất cập còn tồn tại tại các trạm thu phí BOT phải trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích nhà nước - nhà đầu tư - người sử dụng...

Cụ thể, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải phối hợp với các Bộ và địa phương liên quan tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam và các nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có các giải pháp xử lý những bất cập còn tồn tại tại các trạm thu phí BOT, trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích Nhà nước - Nhà đầu tư - Người sử dụng, phù hợp với quy định của pháp luật và ổn định an ninh trật tự trên địa bàn.

5. Nỗ lực phòng, chống tội phạm

Ảnh minh họa.

Từ nay đến cuối năm, dự báo tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ rất nặng nề, đòi hỏi Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138) từ Trung ương đến địa phương phải nỗ lực phấn đấu rất cao, quyết tâm rất lớn để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ của năm 2017.

Theo ý kiến của Phó Thủ tướng, để khắc phục những hạn chế trong phòng, chống tội phạm, Ban Chỉ đạo 138 cần bám sát vào chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo đã đề ra từ đầu năm. Trong đó, tổ chức thực hiện quyết liệt các giải pháp phòng ngừa tội phạm, chú trọng phòng ngừa xã hội, tập trung tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân về phòng, chống tội phạm; khẩn trương xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện các đạo luật liên quan đến phòng, chống tội phạm vừa được Quốc hội thông qua. Các địa phương tập trung giải quyết dứt điểm các vụ khiếu kiện, mâu thuẫn trong nhân dân ngay tại cơ sở không để phát sinh điểm nóng về an ninh, trật tự trên địa bàn.

6. Kiểm tra phản ánh về thương hiệu hàng hóa xuất khẩu

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh về thương hiệu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Trước đó, báo điện tử Vietnamplus ngày 20/7/2017 có bài phản ánh: Theo ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU-MUTRAP, hầu hết hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU chưa được nhận diện thương hiệu, chưa đầy đủ thông tin và tuân thủ các tiêu chuẩn dẫn đến lượng hàng bị trả về còn cao; hầu hết nông sản Việt Nam phân phối tại thị trường EU đều được đóng mác Trung Quốc, Nhật Bản... do Việt Nam xuất nguyên liệu thô qua các nước này.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo chức năng, nhiệm vụ được phân công kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh nêu trên theo quy định.

7. Kiểm tra, tháo gỡ khó khăn kinh doanh dịch vụ logistics

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến kinh doanh dịch vụ logistics.

Trước đó, tại bản kiểm tin kinh tế-xã hội ngày 24/7/2017, báo điện tử VnEconomy có nội dung: Ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho rằng, nhiều điều kiện kinh doanh vẫn đang trói buộc doanh nghiệp phát triển, không đúng với tinh thần Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025.

Về việc này, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan kiểm tra, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

8. Hỗ trợ vốn đối ứng ODA cho các địa phương

Ảnh minh họa.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình mục tiêu Hỗ trợ vốn đối ứng ODA cho các địa phương, giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 hỗ trợ 48 địa phương khó khăn về ngân sách có thêm nguồn lực tăng cường giải ngân phần vốn nước ngoài (khoảng 54.000 tỷ đồng) của các nhà tài trợ quốc tế.

Tiếp tục bổ sung khoảng 6.976 tỷ đồng vốn đối ứng để thực hiện hoàn thành 300 dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011 - 2015 sang giai đoạn 2016 - 2020 sớm đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Thực hiện các dự án khởi công mới giai đoạn 2016 - 2020 thực sự quan trọng được ký kết hiệp định tài trợ; các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2011 - 2015 sang giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3.024 tỷ đồng vốn đối ứng...

9. VPCP quản lý Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính

Ảnh minh họa.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 92/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính.

Theo đó, sửa đổi, bổ sung một số điều, khoản của Nghị định số 20/2008/NĐ-CP ngày 14/2/2008 của Chính phủ về tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính.

Trong đó, về xây dựng Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính, Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm xây dựng, quản lý Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính thống nhất trong toàn quốc; công bố công khai các phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính đã được cấp có thẩm quyền xử lý trên Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và Cổng thông tin điện tử của Chính phủ...

10. Điều tra, làm rõ 213 container hàng hóa không xuất cảnh

Hàng cấm do Cục Hải quan TP.HCM bắt giữ tại cảng Cát Lái tháng 7/2017.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về vụ việc 213 container hàng hóa quá cảnh từ cảng Cát Lái đi Campuchia nhưng không xuất cảnh theo quy định.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công an chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra tập trung điều tra, làm rõ vụ việc 213 container hàng hóa quá cảnh từ cảng Cát Lái đi Campuchia nhưng không xuất cảnh theo quy định, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân thiếu tinh thần trách nhiệm, có vi phạm; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả trước ngày 1/12/2017.

Bộ Tài chính - Cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về giám sát hàng quá cảnh, hàng tạm nhập tái xuất, hàng chuyển cửa khẩu, hàng trung chuyển, đảm bảo hàng hóa không bị tháo dỡ, tẩu tán, thẩm lậu trên đường vận chuyển./.

Tác giả: Thái Bình (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Nghệ An

  Từ khóa: thủ tướng ,chỉ đạo

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP