Nhận được tin con trai bị tai nạn giao thông đã chết não ngày 28-4 và không còn cơ hội cứu chữa, bố mẹ của anh B.N.T. (22 tuổi trú tại xã Xuân Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) chết lặng.
Trong gia đình có 2 anh em, T. là con lớn, sau là em gái đang đi học. T. luôn cần cù, chăm chỉ ngoan ngoãn, được anh em bè bạn quý mến, đi làm được hơn 2 năm thì tai nạn bất ngờ ập đến. Không thể tin con trai đột ngột ra đi khi đang khỏe mạnh và tuổi đời còn quá trẻ, bố mẹ T. tưởng như gục ngã.
Được sự động viên của gia đình nội ngoại, đặc biệt là người chú ruột đã động viên tinh thần bố mẹ T., lan tỏa nghĩa cử hiến tạng "cho đi là còn mãi", cùng với sự tư vấn của Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội), gia đình đã quyết định hiến tạng của con trai cho y học, hồi sinh sự sống cho những cuộc đời khác.
Các bác sĩ tiến hành ca ghép tim từ tạng hiến - Ảnh: Bệnh viện cung cấp |
Gạt đi những giọt nước mắt và những lời dị nghị của không ít người "chắc nhà này bán tạng của con", ông B.N.P., bố anh T., cho biết vì muốn cứu sống những người khác, gia đình đã đồng ý hiến tạng của con để giúp đời, giúp người, khi sự ra đi vẫn còn ý nghĩa.
"Gia đình tôi không đòi hỏi một điều gì, chỉ mong những người nhận tạng của con trai tôi luôn sống khỏe, sống có ích cho đời. Mong rằng sẽ có nhiều gia đình vượt qua những rào cản, những định kiến của xã hội để hiến tạng cứu người nếu không may mất đi" - ông P. chia sẻ.
Bệnh viện Việt Đức cho biết hàng ngày, hàng giờ ở Việt Nam có hàng ngàn người bệnh đang mỏi mòn chờ ghép tạng nhưng rất ít người trong số họ có cơ may đó vì nguồn tạng rất khan hiếm. Đến nay, nhận thức của xã hội về hiến mô tạng đã có nhiều thay đổi, nhiều người đã đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời.
Tại Bệnh viện Việt Đức, đã thực hiện 1.200 ca ghép thận, trong đó 150 ca từ người cho chết não; tổng số 96 ca ghép gan, trong đó 70 ca ghép gan từ người cho chết não; 39 ca ghép tim từ người cho chết não; 1 ca ghép tim và thận và 5 ca ghép phổi từ người cho chết não.
Tác giả: D.Thu
Nguồn tin: Báo Người lao động