Giáo dục

Chấn chỉnh "vấn nạn" lạm thu trong trường học

Bước vào năm học thứ 2 các trường học trên địa bàn được UBND tỉnh Hà Tĩnh cho phép thực hiện việc triển khai vận động tài trợ nhằm bổ sung trang thiết bị phục vụ dạy học. Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhiều trường học đã làm sai nguyên tắc, quy trình và có dấu hiệu lạm thu khiến phụ huynh bức xúc, dư luận không tốt, ảnh hưởng đến công tác huy động xã hội hoá giáo dục.

"Vận động" học sinh lớp 1 đóng góp tiền triệu

Phản ánh ngay sau cuộc họp phụ huynh đầu năm của nhà trường, chị N.B.Tr. (SN 1988), trú tại TP Hà Tĩnh, năm nay có con vào học lớp 1 tại Trường Tiểu học phường Thạch Linh bức xúc khi cho biết: Bản thân chị và nhiều phụ huynh khác cảm thấy choáng váng khi ngay trong cuộc họp phụ huynh đầu năm, nhà trường cho biết, đầu năm học 2022 - 2023, Trường Tiểu học Thạch Linh đã lên kế hoạch vận động số tiền gần 326 triệu đồng để mua sắm trang thiết bị, đồ dùng dạy học và xây dựng cơ sở vật chất.

Toàn bộ số tiền này dùng để mua sắm 90 bộ bàn ghế trị giá hơn 143 triệu đồng; 5 bảng viết 30 triệu đồng; 5 tủ đựng đồ dùng, tài liệu học sinh và giáo viên giá 20 triệu đồng; 5 Smart tivi trị giá 97,5 triệu đồng và 84 triệu đồng để làm mái che lợp tôn phía nhà vệ sinh nối nhà đa chức năng.

Trường Tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh), nơi phụ huynh bức xúc vì các khoản vận động hỗ trợ đầu năm lên đến hàng trăm triệu đồng.

Theo đó, mỗi học sinh lớp 1 ngay từ khi mới bước chân vào trường đã phải "cõng" số tiền tự nguyện ủng hộ nhà trường là 1.680.000 đồng, chưa kể số tiền 816.000 đồng tiền ăn và phục vụ ăn ngủ bán trú hàng tháng. Điều đáng nói, mặc dù tiền vận động từ phụ huynh nhưng quá trình mua sắm bàn ghế, nhà trường đã tự làm việc với đơn vị cung ứng để nhận sản phẩm trước khi vận động.

Lý giải vấn đề này, bà Lê Thị Thủy, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạch Linh cho hay, do đầu năm chưa vận động được nên nhà trường đã "mượn" bàn ghế của một công ty thiết bị trường học để cho các em học trước. Nếu vận động không thành công thì trả lại cho công ty. Còn những khoản thu khác, theo bà Thủy là hoàn toàn tự nguyện, không bắt buộc, không thu cào bằng. Nói là vậy nhưng cũng chẳng có phụ huynh nào dám không "tự nguyện" nộp tiền cho nhà trường.

Trước đó, do vận động "bắt buộc" học sinh lớp 1 muốn đến trường phải nộp tiền mua bàn ghế với số tiền 550.000 đồng/em, Ban giám hiệu Trường Tiểu học Kỳ Trinh đã bị UBND thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) phê bình và yêu cầu nghiêm túc chấn chỉnh, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cụ thể. Theo đó, năm học 2022 - 2023, tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh có ba lớp 1 với hơn 100 em học sinh. Theo kế hoạch, nhà trường sẽ mua 45 bộ bàn ghế, ba bảng để học sinh lớp 1 vào học.

Đối với lớp 2, nhà trường cũng mua 26 bộ bàn ghế, toàn bộ vận động đóng góp từ học sinh. Tại cuộc họp phụ huynh lớp 1 từ cuối tháng 8/2022, giáo viên chủ nhiệm đã phổ biến kế hoạch cho phụ huynh, theo đó mỗi em học sinh sẽ phải đóng 550.000 đồng tiền bàn ghế, 173.000 đồng tiền bảng, 250.000 đồng tiền quỹ lớp và rèm cửa, tổng cộng xấp xỉ 1 triệu đồng "tự nguyện" đầu năm học mới. Khi phụ huynh chất vấn, giáo viên chủ nhiệm cho rằng, phụ huynh nào không nộp, sang tuần không có bàn ghế cho con em mình ngồi học thì phải tự chịu trách nhiệm.

Trong khi đó, Hiệu trưởng nhà trường cũng "cứng rắn" rằng phụ huynh thoả thuận thì cho con vào học, người nào không đồng tình thì tự chọn cho con mình môi trường khác để học tập hay chuyển đi. Đa phần phụ huynh không đồng tình việc đóng góp khoản mua bàn ghế, nhưng vẫn phải nộp vì sát năm học mới, lo sợ con em không có đủ cơ sở vật chất để đáp ứng việc học. Sau khi nắm được thông tin trên, UBND thị xã Kỳ Anh, Phòng Giáo dục & Đào tạo thị xã Kỳ Anh đã làm việc với Ban Giám hiệu, đại diện Hội Phụ huynh Trường Tiểu học Kỳ Trinh. Qua đó, xác định việc thực hiện vận động, tài trợ mua bàn ghế cho học sinh tại Trường Tiểu học Kỳ Trinh đã tạo dư luận không tốt, ảnh hưởng đến công tác huy động xã hội hoá giáo dục chung. Do vậy, đã nghiêm khắc phê bình và yêu cầu nghiêm túc chấn chỉnh, tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cụ thể tập thể, cá nhân liên quan.

Cần chấn chỉnh nghiêm túc

Thực tế cho thấy, tình trạng vận động, tài trợ để mua sắm trang thiết bị dạy học, xây dựng cơ sở vật chất không chỉ xảy ra tại hai cơ sở giáo dục nói trên, mà đang "râm ran" tại nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, trong đó "nặng gánh" nhất vẫn là đối với học sinh đầu cấp, nhất là học sinh lớp 1. Nhiều trường học không chỉ vận động mua sắm bàn ghế, trang thiết bị mà còn đầu tư cơ sở vật chất như xây dựng bờ tường bao quanh khuôn viên nhà trường (vì lý do tường cũ đã xuống cấp, sợ các cháu chơi gần sẽ nguy hiểm nếu chẳng may sập tường), làm mái tôn, mái che, thậm chí là vận động để xây dựng khu vui chơi cho các cháu như tại trường tiểu học Bắc Hà, TP Hà Tĩnh năm học 2021 - 2022, vận động phụ huynh đóng góp để mua tủ đựng đồ dùng cho giáo viên tại Trường Tiểu học Thạch Linh (TP Hà Tĩnh)…

Được biết, đây là năm học thứ 2, các trường học trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh áp dụng triển khai vận động tài trợ nhằm bổ sung trang thiết bị phục vụ dạy học theo tinh thần chỉ đạo tại Công văn số 5027/UBND-VX ngày 31/7/2019 của UBND tỉnh "về việc hướng dẫn vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh". Theo Nghị quyết số 41/2021/NQ-HĐND tỉnh ngày 16/12/2021, hiện nay định mức chi cho sự nghiệp giáo dục chỉ mới đảm bảo tối đa 81% cho các khoản tiền lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương như: bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp của giáo viên; chi thường xuyên cho các khoản giảng dạy học tập (gồm văn phòng phẩm, điện, nước…) tối thiểu 19%. Ngân sách Nhà nước không đáp ứng đủ cho các nhu cầu sửa chữa, mua sắm thiết bị phục vụ dạy học. Do đó, việc xã hội hóa huy động nguồn lực để nâng cao chất lượng giáo dục, đáp ứng yêu cầu đổi mới là điều hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện, nhiều trường học đã có dấu hiệu lạm quyền, lạm thu và lạm dụng việc vận động tài trợ để thu nhiều khoản vượt ngoài quy định. Theo quy định tại Công văn số 5027 của UBND tỉnh Hà Tĩnh thì thủ trưởng các cơ sở giáo dục được giao làm trưởng ban vận động tài trợ, chịu trách nhiệm chính trong toàn bộ quá trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng tài trợ.

Ngoài ra, việc huy động tài trợ cũng được cân đối giữa nhu cầu nguồn lực tăng cường vật chất trong trường học với đời sống, thu nhập của phụ huynh để có kế hoạch vận động phù hợp. Đồng thời, trước khi thực hiện phải xây dựng kế hoạch, xin ý kiến của chính quyền địa phương, báo cáo Phòng hoặc Sở GD&ĐT tùy theo cấp học để được phê duyệt. Phải thành lập Ban vận động và tiếp nhận, đồng thời phải báo cáo công khai tài chính sau khi thực hiện. Thực tế hiện nay, các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh, gần như đều bỏ qua quy trình này dẫn đến dư luận không tốt, ảnh hưởng đến công tác huy động xã hội hoá giáo dục.

Bà Đặng Thị Quỳnh Diệp, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết thêm, việc vận động các khoản tài trợ tại các nhà trường để chăm lo cho sự nghiệp giáo dục là điều hết sức cần thiết trong điều kiện nguồn ngân sách không đáp ứng đủ cho các nhu cầu sửa chữa, mua sắm thiết bị phục vụ dạy học. Tuy nhiên, để thực hiện vấn đề này một cách công khai, minh bạch, đúng quy trình, quy định về quản lý thu, chi tài chính, ngoài việc chỉ đạo thực hiện nghiêm các bước hướng dẫn, quy định trong Công văn 5027 của tỉnh, Sở GD&ĐT cũng chỉ đạo tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời chấn chỉnh, xử lý những sai sót, tạo đồng thuận trong phụ huynh.

Tác giả: Thiên Thảo

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP