Người mẹ cùng con nhỏ đi ra đường gặp bác lao công đang cặm cụi quét rác. Trong trường hợp này, các bà mẹ thường sẽ nói gì với con? Tình huống được đặt ra cho các giáo viên tại hội thảo chuyên môn của Sở GD-ĐT TPHCM.
Hầu hết, các giáo viên đều đưa ra câu trả lời giống như số đông phụ huynh sẽ nói với con trong tình huống này bởi họ cũng làm cha mẹ. Nhiều bố mẹ sẽ nói ngay với con rằng: “Con không lo học, sau này con sẽ đi quét rác như ông ấy!”.
Còn cách nói tích cực, mang tính giáo dục như: “Nếu con học giỏi, con sẽ tạo ra thế giới tốt đẹp hơn cho ông ấy” thì rất ít phụ huynh nói với con.
Hầu hết, các giáo viên đều đưa ra câu trả lời giống như số đông phụ huynh sẽ nói với con trong tình huống này bởi họ cũng làm cha mẹ. Nhiều bố mẹ sẽ nói ngay với con rằng: “Con không lo học, sau này con sẽ đi quét rác như ông ấy!”.
Còn cách nói tích cực, mang tính giáo dục như: “Nếu con học giỏi, con sẽ tạo ra thế giới tốt đẹp hơn cho ông ấy” thì rất ít phụ huynh nói với con.
Trẻ cần có tự do trong tư duy, không phải theo sự sắp đặt hay cách nhìn của người lớn. (Ảnh minh họa)
Cô Tô Thụy Diễm Quyên, chuyên viên phát triển giáo dục, Sở GD-ĐT TPHCM chia sẻ chúng ta thường hay đặt ra những cách nhìn, kết cục tiêu cực khi nói chuyện với con trẻ. Cách thứ nhất mà số đông phụ huynh sẽ nói với con trong tình huống kể trên đã đẩy đứa trẻ vào thế không có lựa chọn với một kết cục được xem là hiển nhiên. Hơn nữa, đây là cách nói chỉ nhằm vào đứa trẻ, chúng ta dạy các em chỉ biết đến chính mình.
Còn cách nói thứ hai, bố mẹ khích lệ, động viên khi mở ra nhiều lựa chọn, nhiều cánh cửa chứ không phụ thuộc vào một kết quả duy nhất. Đặc biệt, đây không chỉ là cách khuyến khích các em sáng tạo, ước mơ mà hơn hết là dạy con nghĩ về người khác. Đó chính là giáo dục.
Tình huống kể trên không chỉ là câu chuyện của những ông bố bà mẹ, cô Diễm Quyên nói rằng rất nhiều thầy cô cũng đang “vùi dập” học trò bằng những câu nói tiêu cực tương tự. Thầy cô hay nói với học sinh rằng không lo học chắc chắn thi rớt. Thậm chí, không ít thầy cô chửi rủa học trò bằng những câu như Em học ngu vậy thì làm được cái gì cho đời, em sẽ chẳng làm được công việc gì ra hồn…
Chỉ là một câu nói nhưng phản ánh tư duy của người lớn. Khi thầy cô, bố mẹ áp đặt con trẻ bằng “hiệu lệnh” của mình cũng đồng nghĩa với việc họ đã “trói” con trẻ bằng cách nhìn hạn hẹp của chính mình. Giáo dục phải giúp người học thấy cuộc sống luôn có nhiều con đường, nhiều lựa chọn và phía trước cả một bầu trời để mình khám phá chứ không chỉ là một cái hố tối tăm. Giáo dục phải giúp các em có tự do trong tư duy chứ không phải xuôi theo sự sắp đặt của người lớn.
Nói như cô Diễm Quyên, thầy cô đừng cho phép mình đóng một cách cửa nào trước học trò.
Hơn nữa, thái độ tiêu cực từ người lớn còn là thể hiện sự thiếu niềm tin ở con trẻ. Trong khi, giúp con trẻ tin ở chính bản thân mình là một trong những giá trị lớn nhất của giáo dục.
Tác giả bài viết: Hoài Nam