Giáo dục

Câu chuyện giáo dục: Vai trò của tổ trưởng chuyên môn ở đâu?

Các sai sót về đề kiểm tra ở nhiều địa phương trong thời gian qua đã đặt ra hàng loạt câu hỏi: Tổ trưởng chuyên môn là ai, đã phát huy hết vai trò của mình trong hoạt động giáo dục? Hoạt động của tổ chuyên môn hiện nay ở nhà trường phổ thông như thế nào?...

Theo điều lệ trường THCS, THPT, tổ trưởng chuyên môn phải là giáo viên có năng lực chuyên môn vững vàng và có phẩm chất đạo đức tốt. Đây là người làm nòng cốt cho tổ chuyên môn để trở thành "cánh tay đắc lực" cho hiệu trưởng trong các hoạt động giáo dục, mà cụ thể là hoạt động dạy học. Trong đó có việc ra đề kiểm tra định kỳ.

Thế nhưng có một thực tế bấy lâu nay ở nhà trường là tổ trưởng chuyên môn chưa đáp ứng được theo yêu cầu của điều lệ. Về năng lực, nhiều người còn yếu, kiến thức chuyên môn thiếu chuẩn, chưa sâu so với các thành viên khác trong tổ. Họ được chọn là bởi các giáo viên trong tổ không ai nhận làm, vì ai cũng nghĩ làm tổ trưởng chuyên môn nhiều việc, mất thời gian, họp hành nhiều, trách nhiệm cao… mà thù lao thì chưa tương xứng.

Một điểm nữa, xuất phát từ tiêu cực đang tồn tại ở nhà trường phổ thông bấy lâu nay, đó là lãnh đạo trường chỉ chọn những giáo viên "biết vâng lời" làm tổ trưởng chuyên môn, dù cho người đó có kém về năng lực.

Đó là những lý do chính khiến cho tổ trưởng chuyên môn ở nhiều trường phổ thông hiện nay chưa phát huy được vai trò, chưa hoàn thành được nhiệm vụ. Với công việc thì thiếu thông suốt, kế hoạch hoạt động chưa hiệu quả. Với đồng nghiệp thì thiếu sự nhất trí đồng tâm, do chưa được đồng nghiệp nể phục..., dẫn tới các vụ kiện cáo của các thành viên trong tổ bộ môn ở một số trường phổ thông thời gian qua.

Cũng chính vì thế mà xảy ra hiện tượng sai sót trong nhiều đề kiểm tra như thời gian vừa qua.

Tác giả bài viết: Ngọc Tuấn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP