Sản phẩm “Rèm tự động thông minh” của đôi bạn này đã vượt qua nhiều ý tưởng khác để đạt giải nhất cuộc thi Hackathon STEM IOT 2016 do Học việnSTEM và Intel Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hải và Tôn (từ trái sang) bên mô hình sản phẩm Rèm tự động thông minh.
Tạo được một ekip làm việc hiểu nhau thế nhưng thời gian mà Thế Tôn (lớp 7 Toán 1 trường THCS Đoàn Thị Điểm) và Hoàng Hải (lớp 8A3 trường THCS Nguyễn Tất Thành) biết nhau thực sự không nhiều.
Mà đúng hơn hai cậu bạn biết nhau khi từng cùng tham dự một cuộc thi về robot. Cơ duyên đưa đẩy khi đến với buổi giới thiệu cuộc thi này, Tôn và Hải gặp nhau và quyết định về cùng một đội.
Sản phẩm của đôi bạn trẻ này sẽ biến chiếc rèm cửa đơn giản trở nên thông minh khi có thể tự động đóng mở khi có người bước vào phòng, có chức năng hẹn giờ tự động chào buổi sáng. Thậm chí có thể điều chỉnh ánh sáng cho phù hợp với căn phòng.
Hoàng Hải chia sẻ: “Từ thực tế bản thân cũng như giới học sinh là ngủ rốn mỗi sáng cùng với mong muốn có một phòng ngủ lý tưởng, chúng em quyết định đưa ra ý tưởng rèm thông minh có bảng mạch về thời gian, nhiệt độ,...Sản phẩm có thể đánh thức mình dậy bằng tiếng động thông qua việc cài giờ trước và tự động kéo rèm. Cùng đó, hiển thị nhiệt độ bên ngoài trời để không cần ra ngoài, mình vẫn có thể chọn được trang phục hợp lý. Đặc biệt có thể đóng mở rèm tự động qua nút ấn hoặc cảm ứng”.
Để làm được sản phẩm này, ý tưởng là một chuyện, việc tìm mua mô tơ hay rơle làm sao cho tương thích với bảng mạch để mô hình sản phẩm có thể chạy được cũng không phải dễ dàng và khiến đôi bạn mất rất nhiều thời gian. Thậm chí, phải sau nhiều lần đặt mua, Hải và Tôn mới có được những linh kiện ưng ý.
“Em phải tự lên mạng tìm kiếm rồi gọi điện liên hệ tới rất nhiều cửa hàng để đặt mua, song có những thứ mua về lại không tương thích. Mỗi lần mua cũng phải mất cỡ 200 nghìn đồng nhưng sau nhiều lần quyết tâm, cuối cùng cũng tạo nên một hệ thống hoàn thiện”, Tôn kể lại.
Nói về số linh kiện từng mua về nhưng không dùng được, Hải và Tôn không lấy làm buồn và cho là phí phạm. Bởi ngay lập tức, hai bạn đã lên kếhoạch tối ưu hóa bằng việc không vứt đi mà để lại dùng cho những lần thử nghiệm sau. “Chúng em sẽ tìm cách tận dụng những cái đó triệt để. Ví dụ như môtơ to hơn sẽ để dành làm loại rèm lớn hơn”, Hải nói.
Không sợ lập trình khó
Nhưng khó khăn lớn nhất mà hai bạn trẻ phải đối mặt đó là việc viết code- thuật toán lập trình cho sản phẩm bởi đây là một việc khá xa lạ nếu không muốn nói là như tờ giấy trắng.
Thế nên dù đang là thời gian nghỉ hè nhưng liên tục trong 2 tuần, sáng nào Tôn và Hải cũng mày mò học 3 tiếng đồng hồ dưới sự giúp đỡ của một thầy giáo dạy lập trình.
“Sáng nào cũng 8 rưỡi đến 11 rưỡi liên tục trong 2 tuần, chúng em học thêm về lập trình. Đến nay, bọn em đã có thể tự viết ra những thuật toán để điều khiển sản phẩm theo ý của mình. Chúng em cũng đang lên kế hoạch làm thêm cảm biến ánh sáng để rèm thông minh này có thể chỉnh ánh sáng trong phòng.Ví dụ có người trong phòng thì là ánh sáng nên như thế nào mà rèm tự động kéo mở từng nấc sao cho phù hợp”, Tôn chia sẻ.
Để có thể hoàn thành dự án này, đôi bạn trẻ quyết tâm học thêm những kiến thức về lập trình.
Theo tính toán của Hải và Tôn, nếu sản phẩm này được làm thực tế mức chi phí cũng rất phù hợp so với các gia đình khi chỉ dao động khoảng 1 triệu đồng.
Điều khiến ban tổ chức đánh giá cao và quyết định trao giải nhất cho sản phẩm của đôi bạn này tại cuộc thi này là ngay từ việc triển khai mô hình các bạn đã biết cách kết hợp giữa việc sử dụng công nghệ cao nhưng vẫn tận dụng được vật liệu tái chế.
Ông Đỗ Hoàng Sơn, đại diện ban giám khảo cuộc thi chia sẻ: “Có một ưu điểm rõ nét là các bạn trẻ này đã biết sử dụng vật liệu tái chế cùng với áp dụng công nghệ cao. Đó là hướng đi đúng với tiêu chí của một cuộc thi về khoa học, công nghệ và kỹ thuật”.
Nói về dự kiến trong tương lai, đôi bạn trẻ cho biết sẽ đầu tư để nghiên cứu tích hợp một bộ điều khiển để có thể khi đến giờ cài đặt cácthiết bị trong nhà sẽ hoạt động tự động, chứ không chỉ dừng lại ở rèm phòng ngủ.
Tác giả bài viết: Văn Phong