Chiêu trò thổi giá, “lùa gà”
“Thao túng thị trường chứng khoán” – đây là hành vi mà không ít đối tượng sử dụng để trục lợi, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của những nhà đầu tư, đã được các cục nghiệp vụ của Bộ Công an cũng như Công an một số tỉnh, thành phố phát hiện, điều tra, xử lý trong thời gian qua.
Đề cập đến những thủ đoạn gây án của các đối tượng phạm tội, chỉ huy Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết, do đặc thù của hoạt động đầu tư chứng khoán nên những đối tượng phạm tội trong các vụ án thao túng thị trường chứng khoán thường rất am hiểu về thị trường chứng khoán. Từ sự am hiểu này, thay vì bỏ chất xám để đầu tư các mã cổ phiếu theo đúng quy định, các đối tượng đã tổ chức ra một cái “chợ” riêng để mua bán ảo, đẩy giá cổ phiếu đang nắm giữ nhằm “lùa gà”.
Đối tượng Trần Bình Minh lập ra nhiều kênh dạy đầu tư chứng khoán nhằm “lùa gà”. |
Một trong những vụ án điển hình mang tính chất, phương thức thủ đoạn cũ của các đối tượng thao túng thị trường chứng khoán đó là vụ án Đỗ Thành Nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Louis Holdings đã thu lời bất chính hơn 154 tỷ đồng nhờ chiêu trò thổi giá cổ phiếu. Đỗ Thành Nhân đã bắt tay với Đỗ Đức Nam, Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Trí Việt đề ra chiến thuật mua bán để thao túng giá chứng khoán hai mã cổ phiếu BII và TGG, đẩy giá cổ phiếu tăng cao.
Theo đó, cả hai đã lập ra 17 tài khoản mua bán chéo lẫn nhau hai cổ phiếu này nhằm thao túng tạo cung cầu giả, đưa giá cổ phiếu dao động ban đầu từ 1.000-5.000 đồng lên gần 34.000 đồng/cổ phiếu, gấp khoảng 10 lần, dẫn đến nhiều nhà đầu tư hiểu lầm và tham gia mua bán. Sau khi lập vùng giá ở đỉnh, nhóm Đỗ Thành Nhân, Đỗ Đức Nam đã thực hiện xong việc bán chốt lời, thu lợi bất chính. Thủ đoạn này tiếp tục được Đỗ Thành Nhân áp dụng với một số mã cổ phiếu khác. Với việc lập nhóm Facebook lôi kéo các nhà đầu tư và đẩy giá cổ phiếu do “mua tay trái, bán tay phải”, Đỗ Thành Nhân đã thu lợi bất chính từ hai mã cổ phiếu hơn 154 tỷ đồng, còn các nhà đầu tư thì thua lỗ nặng.
Xét về tính hệ thống và độ tinh vi trong thủ đoạn thao túng thị trường chứng khoán thì Đỗ Thành Nhân và Đỗ Đức Nam vẫn xếp dưới ổ nhóm do đối tượng Trần Bình Minh (SN 1982, ở Royal City, Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) cầm đầu. Bước một, cũng giống như nhóm của Đỗ Thành Nhân, Trần Bình Minh sử dụng nhiều tài khoản chứng khoán mua gom mã cổ phiếu CMS với giá thấp để đẩy giá. Nếu như Đỗ Thành Nhân chỉ sử dụng Facebook thì Minh và một số đối tượng lập còn ra các hội, nhóm đầu tư, trao đổi chứng khoán trên các nền tảng mạng xã hội khác để lôi kéo, hô hào, định hướng những nhà đầu tư về giá trị của CMS.
Minh còn thành lập hẳn một kênh trên YouTube chuyên phân tích về thị trường chứng khoán để thuyết giảng những kiến thức đầu tư chứng khoán, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư, nhất là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường này. Hoạt động của những diễn đàn này do Minh cầm trịch rất sôi nổi. Minh thường xuyên tổ chức những buổi gặp mặt, nói chuyện trực tiếp, tăng tính giao lưu, chia sẻ để dễ bề “lùa gà”.
Nhiều nhà đầu tư còn tôn sùng Minh như là một người thầy dẫn dắt các nhà đầu tư có kinh nghiệm để làm giàu. Đối với những nhà đầu tư nào có ý kiến trái chiều gây bất lợi cho mã cổ phiếu mà Minh đang nắm giữ, muốn đẩy giá, Minh chỉ đạo những đối tượng đồng phạm cho “out” ra khỏi nhóm. Khi giá cổ phiếu đạt đỉnh, Trần Bình Minh bán ra để thu lời bất chính khiến những nhà đầu tư bị thiệt hại nặng nề, đồng thời làm giảm tính minh bạch của thị trường.
Cẩn trọng tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư
Thông tin với phóng viên, đại diện lãnh đạo Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết, có hàng trăm video clip được nhóm của Minh đưa lên những nền tảng mạng xã hội, YouTube liên quan đến hoạt động đầu tư chứng khoán. Ở những video này, Minh xuất hiện với đa phong cách nhưng nội dung cốt lõi là tổng hợp, chắt lọc những thông tin trên mạng, từ báo chí và thêm thắt vào để tạo ra những bài nói chuyện, phân tích thị trường chứng khoán. Với lối kể chuyện hấp dẫn cùng kỹ năng tạo lập các hội, nhóm, những video về các khu đất, dự án “ma” đính kèm minh họa trong các video, Minh và đồng bọn đã lôi kéo được số lượng lớn thành viên trong cộng đồng đầu tư chứng khoán tham gia, theo dõi.
Theo cơ quan CSĐT, kết quả xác minh, trong giai đoạn khoảng 5 tháng (từ ngày 4/5/2023 đến 31/10/2023), Minh và các đối tượng đã câu kết, lôi kéo để thao túng mã chứng khoán CMS, bán thu lời hơn 10 tỷ đồng. Vụ án đối tượng Trần Bình Minh với những thủ đoạn mới trong “lùa gà” đầu tư chứng khoán bị Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội phối hợp với Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an phát hiện, xử lý, được Bộ Công an đánh giá cao và chỉ đạo cần phải tăng cường khuyến cáo đến người dân, nhà đầu tư nhằm tránh sập bẫy các đối tượng hoạt động với phương thức thủ đoạn tương tự.
Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội cũng khuyến cáo, hiện nay một số đối tượng lợi dụng việc lập, sử dụng hội nhóm trên không gian mạng để kêu gọi, hô hào đầu tư mua một nhóm mã cổ phiếu nhằm mục đích thao túng giá cổ phiếu, gây tác động xấu đến thị trường chứng khoán cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà đầu tư chân chính. Phương thức, thủ đoạn của các nhóm đối tượng hoạt động rất tinh vi, ở nhiều tầng nấc. Chúng phân công nhiệm vụ cụ thể cho nhau, đặc biệt lợi dụng tính ẩn danh và phổ cập của không gian mạng để hoạt động.
Đối với những nhà đầu tư, phần nhiều trong số đó là những người mới tham gia vào thị trường đầu tư chứng khoán lại là người trẻ. Chính vì vậy, số người chơi chứng khoán thường có xu hướng tiếp cận nhanh, tham gia nhiều vào các hội nhóm đầu tư chứng khoán trên mạng xã hội vừa là để học hỏi kinh nghiệm đồng thời cũng tìm kiếm cơ hội đầu tư. Việc không có đủ kiến thức, thông tin và cả tâm lý… tham khi được dẫn dụ, mời gọi, đã khiến những nhà đầu tư này dễ dàng sập bẫy của các đối tượng lừa đảo.
Hiện trên không gian mạng có hàng trăm hội nhóm liên quan đến đầu tư chứng khoán. Nếu người đầu tư mới không có đủ kinh nghiệm, kiến thức, sự tỉnh táo thì rất dễ lạc vào mê trận của các đối tượng chuyên đi gom, đẩy giá cổ phiếu.
Lãnh đạo Phòng Cảnh sát Kinh tế cho biết, Cơ quan CSĐT đang tích cực, quyết liệt đấu tranh với các nhóm đối tượng hoạt động với phương thức thủ đoạn trên để góp phần tạo môi trường đầu tư minh bạch, lành mạnh, an toàn, công bằng cho các nhà đầu tư. Tuy nhiên, Cơ quan CSĐT cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần chủ động nghiên cứu kỹ thông tin về các mã cổ phiếu, tình hình hoạt động, tài chính của doanh nghiệp niêm yết để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, tránh để các đối tượng phạm tội lợi dụng, câu kéo, trục lợi, gây thiệt hại lớn về kinh tế.
Tác giả: Hoàng Phong
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân