Số hóa

Cẩn trọng chiêu trò lừa đảo giả mạo biên lai chuyển tiền

Thanh toán trực tuyến cho các giao dịch mua bán hàng hóa trực tiếp, online… dần trở nên thông dụng. Kéo theo đó là những chiêu trò lừa đảo như làm giả biên lai chuyển tiền thành công của các ngân hàng ngày càng phổ biến.

Thủ đoạn của tội phạm mạng giờ đây không chỉ nhắm tới đối tượng là người mua hàng mà nay chiêu thức hoàn toàn mới là lừa cả những người bán hàng.

Chiêu trò làm giả biên lai, hóa đơn xác nhận chuyển tiền thành công của các ngân hàng, ví điện tử là thủ đoạn mới xuất hiện, đang được các cơ quan chức năng cảnh báo để người dân cảnh giác.

Thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo là mua hàng số lượng lớn, sau đó đề nghị chuyển khoản theo hình thức Internet Banking cho người bán hàng. Nhưng thực chất là không có việc chuyển tiền thật, mà các đối tượng đã dùng một số phần mềm tạo dựng hóa đơn thanh toán giả rồi đưa cho người bán hàng xem nhằm chứng minh là đã thực hiện việc chuyển khoản. Cho đến khi các nạn nhân không thấy tài khoản báo có tiền mới nhận ra mình đã bị lừa, thì các đối tượng đã “cao chạy xa bay”.

Chiêu trò giả mạo biên lai chuyển tiền thành công khiến nhiều người sập bẫy

Đáng chú ý, hoạt động cung cấp và mua bán biên lai xác nhận chuyển khoản giả đang được diễn ra một cách công khai, lộ liễu trên mạng xã hội… dễ dàng tiếp tay cho các đối tượng trong hoạt động lừa đảo.

Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều hội nhóm, tài khoản công khai nhận làm giả hóa đơn chuyển khoản thanh toán với giá từ vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn đồng tùy theo giá trị hóa đơn. Hóa đơn thanh toán ghi số tiền càng lớn thì chi phí làm giả sẽ tăng theo. Thậm chí, thông qua một số website, các đối tượng tội phạm giờ đây chỉ cần nhập thông tin như số tài khoản ngân hàng của người bán hàng và số tiền cần chuyển là ngay lập tức đã có một hóa đơn thanh toán giống biên lai, hóa đơn xác nhận chuyển tiền thành công của ngân hàng.

Để tránh bị kẻ gian lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, các chuyên gia cảnh báo người dân cần chú ý:

  • Chưa nhận được tiền trong ngân hàng thì không giao hàng hóa dù kẻ gian cung cấp hình ảnh đã chuyển khoản thành công.
  • Chỉ cài đặt ứng dụng trên Google Play và App Store khi cần nộp thuế, đăng ký… hoặc thực hiện các thủ tục. Tuyệt đối không tải và cài đặt thông qua các trang web của bên thứ ba.
  • Tuyệt đối không cung cấp các thông tin gồm tên đăng nhập, mật khẩu ứng dụng, mã xác thực OTP, email… cho bất kỳ ai dù người đó tự xưng là nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước.
  • Nếu thực hiện thanh toán hay giao dịch trực tuyến qua internet banking, cần kiểm tra kỹ biên lai chuyển khoản trước khi thực hiện các giao dịch khác. Chỉ khi tiền đã được chuyển vào tài khoản của mình mới nên tiếp tục thực hiện các giao dịch khác.
  • Phải kiểm tra kỹ địa chỉ website trên phần cuối của bill chuyển khoản. Những trang web lừa đảo thường sử dụng tên lạ hoặc chứa các ký tự không đúng quy định. Người dùng cần cẩn trọng và xác nhận kỹ trước khi đồng ý thực hiện các yêu cầu từ bên kia.
  • Khi thực hiện các giao dịch, cần chắc chắn rằng tài khoản đã nhận được đủ số tiền yêu cầu trước khi thực hiện các giao dịch tiếp theo.
  • Nếu có dấu hiệu nghi ngờ về việc bị lừa đảo, người dùng nên liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ và cung cấp thông tin cần thiết.

Tác giả: Hà Thanh

Nguồn tin: kinhtedothi.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP