Anh Võ Quốc Thái (SN 1995, ngụ phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh), sẻ chia: "Do không có công việc ổn định và không bằng cấp, em vào mạng xã hội Facebook để tìm kiếm việc làm. Thấy thông tin tuyển dụng công việc chỉ bấm máy tính với thu nhập từ 18 đến 20 triệu đồng/tháng, em nhấn vào bình luận thì có một người phụ nữ tên Yến nhắn hỏi em muốn tìm việc phải không ? Yến hỏi là em có biết bấm máy tính không, em nói rằng, chắc cũng như điện thoại, bấm điện thoại được thì bấm máy tính được. Yến nói không sao, qua có người đào tạo em ngay”.
Hai đối tượng Việt và Phú bị bắt giữ. |
Với công việc mô tả sơ sài ở Campuchia, ngay cả khi được tuyển dụng thì anh Thái vẫn không biết mình sẽ làm gì để có được thu nhập cao như trong lời mời gọi. Tuy vậy, anh Thái vẫn gật đầu đồng ý. Bên tuyển dụng hướng dẫn hoàn tất thủ tục cho anh Thái xuất cảnh sang Campuchia làm việc. Qua khỏi biên giới, anh Thái được đưa vào khu nhà chứa có bảo vệ nghiêm ngặt, bờ rào là bức tường cao với thép gai cài điện. Qua quá trình đào tạo của bọn chúng, anh Thái từ một người hoàn toàn không biết về máy tính dần hiểu ra công việc của mình làm không đơn giản là chỉ biết bấm máy. Công việc chính của anh Thái là dẫn dụ những người có ý định tìm kiếm công việc online, bán thời gian, hám "việc nhẹ, lương cao" để lừa đảo.
Cụ thể, khách hàng chỉ cần like, share, thả tim trên mạng xã hội sẽ nhận được hoa hồng. Từ nạn nhân bị sập bẫy lừa đảo tuyển dụng lao động ở nước ngoài, giờ đây, anh Thái trở thành nhân viên của băng nhóm tội phạm lừa đảo xuyên quốc gia. "Số tiền em lừa cao nhất là 1,7 tỷ đồng, số lượng người bị lừa rất là nhiều. Em phải làm theo lệnh của ông chủ, bắt buộc nhắn tin dẫn dụ, tạo lòng tin cho khách. Ban đầu làm được, về sau em không thể làm thì họ bắt đầu đặt áp lực. Nếu em không làm thì chúng sẽ chuyển nhượng bán cho công ty khác kiếm lời. Em xin về Việt Nam, họ bắt em phải đền tiền chăn, gối, nệm, tiền ăn... Trong khi đó, em đi làm không có tiền lương. Người chủ Trung Quốc không cho em về, họ nói em trong vòng vài tiếng đồng hồ không có tiền thì đưa em đến công ty khác...", anh Thái kể thêm.
Được biết, việc nhẹ, lương cao không thấy, đến khi nạn nhân không còn tìm kiếm được nguồn thu cho các đối tượng thì cũng là lúc chúng trở mặt. Không có giấy tờ tuỳ thân, không biết đường về, không biết cầu cứu ai, không thể liên lạc với người thân, lại không am hiểu pháp luật, anh Thái và những người bạn bị bán qua nhiều công ty, bị tạo áp lực và ép buộc phải tiếp tục công việc lừa đảo, nếu không, ngay cả tính mạng cũng khó giữ được. Nỗi sợ chồng chất nỗi sợ, anh Thái tìm cách trở về Việt Nam trong tuyệt vọng.
Công an tỉnh Tây Ninh cho biết, thời gian qua, hoạt động mua bán người nổi lên trên địa bàn đã được các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Tây Ninh phối hợp chặt chẽ, quyết liệt đấu tranh phòng, chống trên tuyến biên giới. Trong 9 tháng đầu năm 2024, qua công tác phối hợp của 2 lực lượng Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng Tây Ninh, đã xác lập 2 chuyên án đấu tranh với nhóm đối tượng mua bán người sang Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài (huyện Bến Cầu), bắt giữ 7 đối tượng, giải cứu 9 nạn nhân; tiếp nhận, xác minh trên 1.400 công dân Việt Nam do lực lượng Campuchia trao trả về nước. Riêng lực lượng Cảnh sát hình sự tỉnh bắt 1 vụ, 3 đối tượng.
Đơn cử, vào ngày 21/4, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tây Ninh phối hợp cùng Ty Hiến binh tỉnh Svay Rieng (Campuchia) triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, bắt và mời làm việc 20 đối tượng. Đường dây này được hình thành do Đinh Văn Phú (33 tuổi) và Nguyễn Văn Việt (23 tuổi, cùng ngụ tỉnh Quảng Ninh) kết nối cùng 2 đối tượng người Trung Quốc tên Còi và Bentley (chưa xác định được lai lịch) đứng ra tổ chức, có trụ sở tại khu 2 con Voi, thuộc phường Bavet, thành phố Bavet, tỉnh Svay Rieng, Vương quốc Campuchia.
Điều chua xót nhất của người Việt lao động tự do ở nước ngoài là tiền lương không có mà còn phải mất khoản tiền chuộc thân lên đến hàng chục triệu đồng, nhiều người Việt từng là nạn nhân của tội phạm mua bán người lại trở thành đối tượng lừa đảo xuyên quốc gia, chiếm đoạt tài sản của chính đồng bào mình. Đây là tội phạm hết sức nguy hiểm và là thực trạng đáng báo động trong thời gian qua, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các địa phương. Nhiều đối tượng bị khởi tố về tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, và đã có nhiều nạn nhân được giải cứu. Tuy nhiên, tình hình và diễn biến của loại tội phạm này chưa có dấu hiệu thuyên giảm mà hoạt động ngày càng tinh vi, phức tạp, vẫn còn nhiều nạn nhân đang bị sập bẫy.
Thượng tá Nguyễn Văn Tâm, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tây Ninh cho biết thêm, Công an đã triển khai đồng loạt biện pháp nghiệp vụ để nắm chắc tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn tỉnh, nhất là các đường dây, băng nhóm nghi vấn hoạt động mua bán người từ khâu tuyển mộ, vận chuyển và tổ chức đưa người sang biên giới. Đặc biệt, các đối tượng từ nơi khác đến, không để móc nối đối tượng địa phương hình thành các đường dây hoạt động lâu dài, phát triển về quy mô. Ngoài ra, Công an tăng cường phối hợp lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát trên tuyến biên giới, phòng chống xuất nhập cảnh trái phép; phối hợp trao đổi thông tin với lực lượng chức năng Campuchia về tội phạm mua bán người và hỗ trợ giải cứu nạn nhân...
Tác giả: T.Nhung - N.Minh
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân