|
Công thức tính lương trước ngày 1/7/2024
Căn cứ Điều 3 Thông tư 10/2023/TT-BNV, công thức tính lương của công chức, viên chức trước 1/7/2024 đang được quy định như sau:
Mức lương trước 1/7/2024 = Lương cơ sở (1,8 triệu đồng/tháng) x hệ số lương hiện hưởng
Trong đó:
- Mức lương cơ sở đang được hưởng là 1,8 triệu đồng/tháng theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP. Đây là mức lương mới được áp dụng từ ngày 01/7/2023 đến thời điểm hiện nay.
- Hệ số lương được quy định trong các bảng lương tại phụ lục ban hành kèm Nghị định 204/2004/NĐ-CP. Hiện nay, cán bộ, công chức, viên chức đang có các hệ số lương của bảng lương như sau:
Chuyên gia cao cấp: Có hệ số lương gồm 3 bậc, lần lượt là 8,8 - 9,4 - 10,0.
Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ dành cho cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước gồm 12 bậc lương, thấp nhất là hệ số lương 1,35 và cao nhất là 8,0.
Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ của viên chức thì cũng gồm 12 bậc lương, thấp nhất là hệ số lương 1,5 và cao nhất cũng là 8,0.
Công thức tính lương sau ngày 1/7/2024
Do những hạn chế, bất cập từ việc tính lương theo công thức trước ngày 01/7/2024 nên Bộ Chính trị đã đưa ra cách tính lương cán bộ công chức viên chức sau 01/7/2024 như sau:
Cơ cấu tiền lương mới từ 01/7/2024 = Lương cơ bản + phụ cấp + tiền thưởng.
Trong đó, tiền lương cơ bản chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương, phụ cấp chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương và tiền thưởng chiếm khonảg 10% tổng quỹ lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Trong đó:
- Lương cơ bản thay vì được tính theo công thức của hệ số x mức lương cơ sở thì sau khi cải cách, lương cán bộ, công chức, viên chức sẽ được tính theo con số cụ thể theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo thể hiện được thứ bậc trong hệ thống, cùng mức độ phức tạp công việc thì được hưởng lương như sau:
Một bảng lương chức vụ lãnh đạo
Một bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ
Ba bảng lương cho lực lượng vũ trang
- Phụ cấp cũng được sắp xếp lại theo nguyên tắc:
Những loại phụ cấp có cùng tính chất thì sẽ được gộp lại thành một loại như ưu đãi theo nghề, trách nhiệm theo nghề, phụ cấp độc hại nguy hiểm gộp chung thành phụ cấp theo nghề…
Các khoản phụ cấp độc lập thì được giữ lại, tiếp tục áp dụng gồm phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp khu vực, phụ cấp lưu động…
Bãi bỏ các loại phụ cấp đã được tính trong bảng lương như phụ cấp chức vụ, lãnh đạo hoặc phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị, xã hội… hoặc đã được gộp vào các loại phụ cấp khác như phụ cấp độc hại - nguy hiểm đã được gộp vào phụ cấp nghề…
Bổ sung thêm một khoản phụ cấp là phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính với cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh.
- Thưởng là khoản tiền được bổ sung sau ngày 01/7/2024. Tiền thưởng chiếm khoảng 10% tổng quỹ lương nhưng không bao gồm phụ cấp. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn chưa có quy định cụ thể về cách tính thưởng, điều kiện để được hưởng tiền thưởng.
Tác giả: Giang Anh
Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn