Số hóa

Cách nhận biết app giả mạo để tránh bị lừa đảo

Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dùng, các đối tượng xấu tạo ra các ứng dụng giả mạo nhằm thu thập dữ liệu thông tin để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trong thời gian gần đây, các ứng dụng (app) giả mạo giao diện, logo và màu sắc của các app hợp pháp ngày càng nhiều trên mạng khiến người dùng gặp rủi ro.

Chẳng hạn, người dùng bị nhầm lẫn với app hợp pháp nên khi tải app đó về thiết bị, họ sẽ bị app giả mạo xâm nhập và đánh cắp thông tin cá nhân. Sau đó, đối tượng xấu sẽ dựng kịch bản và lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của người dùng.

App giả mạo không chỉ giới hạn ở một lĩnh vực cụ thể mà lan rộng khắp mọi nơi từ ngân hàng, y tế, tư vấn... Ví dụ: các ứng dụng giả mạo như app của Chính phủ, Tổng cục Thuế.

Đáng chú ý, sự xuất hiện của các app giả mạo không chỉ hạn chế ở Google Play Store mà cả trên App Store của Apple, dù Apple áp dụng các chính sách kiểm duyệt khá nghiêm ngặt.

Ứng dụng của Tổng Cục Thuế bị giả mạo

Để phòng tránh, người dùng cần chú ý đến các dấu hiệu nhận biết như logo và màu sắc của ứng dụng. Nếu phát hiện bất kỳ sự khác biệt nào, dù nhỏ nhất, cần cẩn thận kiểm tra thêm thông tin.

Ngoài ra, các lỗi chính tả và cấu trúc ngôn ngữ kém cũng là một dấu hiệu khác của phần mềm giả mạo. Thông thường, những lỗi này không phải là ngẫu nhiên mà được tạo ra cố ý để tránh các công cụ quét bản quyền.

Một cách khác để đánh giá là thông qua các đánh giá từ người dùng. Tuy nhiên, cần thận trọng vì những nhà phát triển phần mềm giả mạo có thể tạo ra các đánh giá giả để lừa người dùng. Các dấu hiệu như bình luận bị tắt, điểm số thấp hoặc nhiều đánh giá tiêu cực là những cảnh báo rõ ràng.

Cuối cùng, việc kiểm tra số lượng tải về trên các cửa hàng ứng dụng cũng là một phương pháp hữu ích. Một ứng dụng tuyên bố phổ biến nhưng chỉ có vài trăm hoặc vài nghìn lượt tải về thường là dấu hiệu của một phần mềm không đáng tin cậy.

Nguồn tin: Báo Người Lao Động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP