Trong tỉnh

Cả gia đình phải cấp cứu vì hái nấm ven đường về ăn

Sau khi ăn nấm xong khoảng 15-30 phút, cả gia đình 5 người đều xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn dữ dội, đi cầu phân lỏng nhiều lần.

Hình ảnh nấm Inocybe fastigiata. Ảnh: BVCC.

Khoa Chống độc, Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An, thông tin đã tiếp nhận gia đình chị H.T.T. (43 tuổi, trú tại xã Lăng Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) phải nhập viện cấp cứu vì ăn phải nấm độc.

Chị T. cho biết trên đường đi làm về thấy bụi nấm mọc ven đường rất đẹp, giống với nấm bán ngoài chợ nên hái về nấu ăn. Tuy nhiên, sau khi ăn xong khoảng từ 15 đến 30 phút, cả gia đình chị T. gồm hai vợ chồng và 3 người con trai đều xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn dữ dội, đi cầu phân lỏng nhiều lần.

Gia đình chị T. đã được đưa đi cấp cứu kịp thời. Sau một thời gian điều trị tích cực tại khoa Chống độc, sức khỏe của bệnh nhân được cải thiện và cho xuất viện.

Các bác sĩ ghi ghi nhận chị T. và gia đình đã ăn phải nấm độc Inocybe fastigiata (nấm mũ khía nâu xám). Gần đây, đơn vị này cũng tiếp nhận nhiều trường hợp ngộ độc nấm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng.

Cây nấm gồm hai bộ phận chính: Thể sợi (phần nằm sâu dưới lòng đất) và thể quả (gồm thân nấm, mũ nấm). Bộ phận độc của nấm nằm ở phần thể quả. Một số loài nấm có thể có hàm lượng độc tố thay đổi theo mùa, trong quá trình sinh trưởng (nấm non hay nấm trưởng thành), trong môi trường đất đai thổ nhưỡng khác nhau… Chúng ta có thể gặp trường hợp ăn cùng một loài nấm nhưng có lúc bị ngộ độc, có lúc không.

Đối với nấm có họ hàng gần nhau thường rất khó phân biệt theo hình dạng, màu sắc bên ngoài, ngay cả đối với những người có kinh nghiệm thường hái nấm rừng về ăn. Việc xác định loài nấm chủ yếu phải nghiên cứu đặc điểm hình thái của mũ, phiến, cuống nấm và phân biệt theo đặc điểm của bào tử nấm.

Về phương diện y học, người ta chia nấm độc theo thành phần độc tố có trong chúng hoặc thời gian tác dụng. Ngộ độc nấm có thể xảy ra do người hái lượm xác định nhầm một loài độc là ăn được, mặc dù nhiều trường hợp là cố ý ăn phải.

Ngộ độc nấm có thể từ các triệu chứng lành tính của rối loạn tiêu hóa tổng quát đến biểu hiện có khả năng tàn phá bao gồm suy gan, suy thận và di chứng thần kinh. Chúng ta có tới 14 hội chứng được mô tả, biểu hiện tùy thuộc vào loài, độc tố và lượng ăn vào.

Hầu hết vụ ngộ độc chỉ biểu hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Đây là đặc điểm chung của một số độc chất và rất có thể xảy ra khi ăn phải một lượng nhỏ nấm độc.

Tác giả: Phương Anh

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP