Do đặc điểm khí hậu, Nghệ An nói riêng và miền Bắc nói chung gặp khó khăn trong việc mở rộng diện tích và nâng cao năng suất cà chua. Ngoài số lượng cà chua sản xuất tại địa phương, phần lớn sản phẩm này phải nhập từ địa phương khác và từ Trung Quốc.
Đối với vấn đề này, Sở KH&CN đã đặt hàng Viện Nghiên cứu rau quả triển khai dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ xây dựng mô hình sản xuất cà chua ghép trái vụ tại Nghệ An”.
Cà chua Thái Lan được trồng thành công ở Diễn Châu. Ảnh: Thu Hương |
Cây cà chua ghép là giống được lựa chọn trên gốc ghép giống cà tím EG203, giống ghép ngọn là các giống cà chua thương mại thích hợp trong điều kiện trái vụ ở đồng bằng sông Hồng, có dạng hình sinh trưởng bán hữu hạn chịu nhiệt, bệnh xoắn vàng lá virut như: TN267, Savior, Emural, DDV2962, Annna…
Sau 24 tháng (9/2015 - 9/2107) triển khai nghiên cứu, ứng dụng tại các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu cho kết quả khả quan. Dự án đã xây dựng thành công mô hình nhân giống cà chua trái vụ, quy mô 300m2, công suất 120.000 cây/năm.
Bên cạnh đó, dự án cũng xây dựng thành công mô hình trồng thâm canh cây cà chua trái vụ ngoài đồng ruộng tại 2 huyện quy mô 4ha, năng suất 40 - 50 tấn/ha/vụ.
Cà chua ghép trồng ở Diễn Châu. Ảnh: Mai Giang |
Để triển khai mở rộng ứng dụng công nghệ này, dự án đã đào tạo được 4 kỹ thuật viên về công nghệ ghép cà chua trên gốc cà tím ,120 nông dân trồng cà chua trái vụ theo tiêu chuẩn VietGAP.
Đây là tín hiệu vui cho người nông dân huyện Diễn Châu, Quỳnh Lưu, hứa hẹn đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu thụ cà chua trong tỉnh.
Tác giả: Hải Yến
Nguồn tin: Báo Nghệ An