Kinh tế

Bộ Xây dựng trả lời kiến nghị xây nhà ở xã hội trên đất công bị bỏ hoang

Bộ Xây dựng cho biết, việc rà soát quỹ đất ở tất cả các cở sở cũ của cả nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật đất đai.

Bộ Xây dựng đã có công văn 3611/BXD-QLN trả lời kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gửi tới Quốc hội trước kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 742/BDN ngày 14/6/2023 với nội dung kiến nghị: “Cử tri cho rằng vấn đề nhà ở xã hội là một vấn đề vô cùng bức thiết cần giải quyết cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp có được một căn nhà để ổn định cuộc sống và yên tâm làm việc trong bối cảnh đất nước ngày một phát triển".

Cử tri kiến nghị Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu xây dựng 1 triệu nhà ở xã hội thì phải có lộ trình và tạo mọi điều kiện ưu đãi cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng nhà ở xã hội. Về quỹ đất cho nhà ở xã hội, cần rà soát lại tất cả cơ sở cũ của cả nước đang bỏ hoang sau khi xây cơ sở mới để đưa vào xây dựng nhà ở xã hội. Về đối tượng được cho vay mua nhà ở xã hội cũng phải có tiêu chuẩn rõ ràng, công khai tránh bị tiêu cực, lợi dụng.

Về vấn đề này, Bộ Xây dựng cho biết, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 338/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Theo đó, mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 428.000 căn; giai đoạn 2025 - 2030 hoàn thành khoảng 634.200 căn.

Để đảm bảo hoàn thành mục tiêu nêu trên, trong Đề án, Bộ Xây dựng đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ ngành, địa phương thực hiện các giải pháp cụ thể, trong đó xác định việc phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và cấp ủy, chính quyền địa phương là cấp quyết định sự thành công của chương trình phát triển nhà ở xã hội, nhất là nhà công nhân.

Đồng thời, tại mục III.2 Giải pháp tổ chức triển khai, thực hiện dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại Phần thứ 4 của Đề án, Thủ tướng Chính phủ đã giao các địa phương phải lập, phê duyệt kế hoạch triển khai cụ thể cho việc đầu tư các dự án nhà ở xã hội theo từng năm và theo từng giai đoạn từ nay đến năm 2030 đảm bảo nhu cầu của địa phương.

Phải có giải pháp đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai thực hiện, các dự án đã có chủ trương đầu tư, hay việc quy hoạch, bố trí và công khai các quỹ đất đã giải phóng mặt bằng phục vụ phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để doanh nghiệp quan tâm, đề xuất dự án đảm bảo đến năm 2030 hoàn thành đầu tư ít nhất 1 triệu căn hộ trên phạm vi cả nước.

Luật Nhà ở năm 2014 đã có các cơ chế ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội. Cụ thể là được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với diện tích đất được Nhà nước giao hoặc cho thuê để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Được miễn, giảm thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về thuế; được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng đang hoạt động tại Việt Nam; được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội.

Trường hợp xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê thì được hỗ trợ toàn bộ kinh phí này; các ưu đãi khác theo quy định của pháp luật (Điều 58 Luật Nhà ở năm 2014)… Nhưng cũng đã bộc lộ các bấp cập, đó là quy định về ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chưa đủ khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; chưa thống nhất với pháp luật về thuế, đầu tư, đầu tư công...

Do vậy, Bộ Xây dựng trên cơ sở tổng kết, đánh giá đã nghiên cứu, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV cho ý kiến tại Kỳ họp 5 và dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 6 theo hướng cắt giảm thủ tục hành chính, tăng cường ưu đãi chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội để bán, thuê mua, cho thuê.

Ngoài các ưu đãi hiện hành (miễn tiền sử dụng đất; ưu đãi thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp; vay vốn ưu đãi…) thì sửa đổi, bổ sung quy định ưu đãi chủ đầu tư về lợi nhuận định mức xác định trên phần xây dựng nhà ở xã hội; ưu đãi diện tích kinh doanh dịch vụ thương mại trong dự án nhà ở xã hội.

Về ý kiến quỹ đất cho nhà ở xã hội cần rà soát lại tất cả cơ sở cũ của cả nước đang bỏ hoang sau khi xây cơ sở mới để đưa vào xây dựng nhà ở xã hội, Bộ Xây dựng cho biết, việc rà soát quỹ đất ở tất cả các cở sở cũ của cả nước được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật đất đai.

Tuy nhiên, để đảm bảo quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất khi lập, phê duyệt quy hoạch tỉnh, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải bố trí đủ quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội theo Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở đã được phê duyệt (khoản 1 Điều 80 dự thảo Luật).

Về đối tượng được cho vay mua nhà ở xã hội, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã có quy định cụ thể và rõ ràng về đối tượng và điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội (Điều 73 và Điều 75 dự thảo Luật).

Tác giả: T.M

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP