Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm |
Sáng 6/11, trong khuôn khổ chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm: "Hiện nay dư luận hết sức bất bình, đặc biệt là vào dịp lễ, Tết là công an cơ sở đi thu tiền của bà con buôn bán các thứ. Tôi đã thảo luận ở tổ và đề nghị đồng chí thực hiện biện pháp gì để cho anh em không làm chuyện này nữa, để tránh ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của ngành công an".
Chiều 6/11, trả lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng về phản ánh này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định: "Nếu có cũng chỉ là trường hợp hết sức cá biệt".
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, quan điểm của Bộ Công an là kiên quyết xử lý các sai phạm tiêu cực, thực hiện nghiêm phòng ngừa, chấn chỉnh, xử lý các sai phạm của cán bộ, chiến sỹ, không bao che bất kỳ trường hợp nào.
Bộ Công an đã triển khai một số giải pháp chống nhũng nhiễu, tiêu cực trong lực lượng công an cũng như công an cấp cơ sở; tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng trong công an nhân dân với quan điểm danh dự là điều thiêng liêng cao quý.
Đồng thời, gắn trách nhiệm thủ trưởng đơn vị quản lý cán bộ,chiến sỹ, nếu cán bộ, chiến sỹ có sai phạm thì xử lý trách nhiệm người đứng đầu. Thêm nữa, ngành cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong công an nhân dân.
Bộ trưởng Công an đề nghị đại biểu Lưu Bình Nhưỡng và các đại biểu, cử tri, nhân dân nếu phát hiện ra công an có tiêu cực trao đổi với Bộ Công an để xác minh, xử lý kịp thời, có thông báo rộng rãi.
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng |
Về câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng trong tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định các cơ quan điều tra luôn tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra theo quy định của pháp luật.
Tháng 10/2019, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 16 quy định trách nhiệm của Công an nhân dân trong tố tụng hình sự. Ông nói thông tư này đã quy định rất rõ, tạo điều kiện cho luật sư tham gia vào quá trình tố tụng.
Năm 2020, cơ quan điều tra các cấp đã cấp hơn 3.700 giấy chứng nhận bào chữa theo yêu cầu của bị can, tăng so với trước kia là 2,42% và hơn 7.000 giấy chứng nhận bào chữa.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) về chậm ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết: Sau khi Luật An ninh mạng được thông qua, Bộ đã xây dựng các văn bản, nghị định để cụ thể hóa các quy định của luật. Bộ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 4/2019/NĐ-CP.
Còn về danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết Bộ đã dự thảo xong, đã báo cáo Thủ tướng. Nhưng còn Nghị định quy định chi tiết về Luật An ninh mạng chưa ban hành được do một số yếu tố về đối ngoại, cũng như cân đối, xem xét để phù hợp một số quy định của quốc tế. Vì thế, Thủ tướng chưa ký, ban hành nghị định này.
“Chưa ban hành nghị định này thì chưa có căn cứ để ban hành danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia”, Bộ trưởng Công an cho hay.
Tác giả: Phùng Đô - Trần Duy
Nguồn tin: Báo Giao thông